Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Vừa qua, trong chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022, các vấn đề liên quan đến cải thiện đời sống được nhiều công nhân đặt ra.
Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần dệt Trần Hiệp Thành, Khu công nghiệp Trảng Bàng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Mỗi người đều có quyền tự do lựa chọn công việc sao cho phù hợp với năng lực, trình độ, sở thích và với điều kiện bản thân. Mỗi người khi làm việc hết mình, hết trách nhiệm, vì đam mê, khát vọng, mong muốn được cống hiến trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao nếu hoàn thành tốt, đóng góp được cho đất nước, xã hội, gia đình, bản thân thì tất cả các nghề đều cao quý”.
CAM KẾT HỖ TRỢ ĐÚNG THỜI HẠN
Theo ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH), trong hai năm qua, có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động được ban hành. Đặc biệt là Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong phòng, chống dịch; Nghị quyết 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Tổng kết hai nghị quyết này, đã có 55 triệu lượt người được thụ hưởng với số tiền 81 ngàn tỷ đồng.
Nói về chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ cho công nhân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: hiện nay, cả nước chỉ có 2 tỉnh không có đối tượng hỗ trợ là Điện Biên và Lai Châu, còn lại 61 tỉnh, thành đã thống kê xong nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách này. Dự kiến có khoảng 3,4 triệu lượt người sẽ được hỗ trợ, hiện nay các địa phương đã bắt đầu hỗ trợ.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH chia sẻ: Do nhiều địa phương thực hiện thêm thủ tục niêm yết danh sách công khai nên thời gian cấp tiền hỗ trợ lâu hơn; nhiều công nhân lao động, doanh nghiệp muốn nhận hỗ trợ trọn 3 tháng, tức là sẽ lãnh tiền tháng 4, 5, 6 thì đến cuối tháng 6 mới có thể nhận tiền. Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ cho công nhân là 6.600 tỷ đồng, trích từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương để hỗ trợ cho người lao động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị: “Tiền đã có, các thủ tục tài chính cần làm cho nhanh. Các địa phương căn cứ vào nghị quyết, nghị định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai sớm, hoàn tất các thủ tục. Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính tạo điều kiện thực hiện tốt các việc này. Địa phương phải chủ động giải quyết các vấn đề, không để anh chị em công nhân băn khoăn, lo lắng”.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Chính phủ đã giao cho Bộ LĐ-TB&XH chủ trì sửa đổi Luật BHXH, đến nay đã hoàn tất hồ sơ, thủ tục với 11 nhóm cải cách chính sách bảo hiểm. Quốc hội cho phép trình trong năm 2023. Theo đó, sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH còn 15 năm, tiến tới có thể còn 10 năm để người lao động dễ tiếp cận, tránh tình trạng 20 năm quá dài không theo được. Với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, đóng ngắn hưởng ngắn. Nguyên tắc bảo hiểm là bình đẳng chia sẻ, tăng cường bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi tham gia.
THÊM NHIỀU HỖ TRỢ TỪ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI KINH TẾ
Tháng 1.2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, với quy mô hỗ trợ 350.000 tỷ đồng; nhóm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng nằm trong chương trình này.
Có 2 nhóm chính sách được bổ sung trong chương trình. Trong đó, nhóm 1 là gói hỗ trợ cho nhà đầu tư tham gia vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đều được vay vốn và hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng; nhóm 2 là gói giúp người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp được vay vốn với quy mô 15.000 tỷ đồng, thời gian vay là 25 năm, lãi suất 4,8%/năm. Nhóm chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi khi triển khai đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới. Đến nay, có 14 địa phương trong cả nước đang triển khai 116 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với quy mô 7,6 triệu mét vuông.
Tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, cả nước đã đầu tư 7,3 triệu mét vuông nhà ở xã hội, đã thực hiện 122 dự án với quy mô khoảng 2,7 triệu mét vuông nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, con số này mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trên cả nước.
Để đạt được mục tiêu đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân, Chính phủ đã tập trung vào một số nhóm vấn đề cụ thể, sẽ sớm hoàn thiện thể chế và các cơ chế chính sách thúc đẩy đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân.
RÀ SOÁT CHÍNH SÁCH, THÁO GỠ VƯỚNG MẮC
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 đã nhìn nhận được một số yếu kém của y tế cơ sở và hệ thống y tế dự phòng. Giải pháp trước mắt, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sẽ tăng cường đầu tư hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng với nguồn lực 14.000 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ Y tế đã phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương giải ngân và giải quyết những khó khăn trước mắt. Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu tổ chức hệ thống y tế tại các khu công nghiệp cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho công nhân ngay từ cơ sở.
Một trong những vấn đề đáng lo ngại trong xã hội hiện nay chính là tín dụng đen. Để giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã tăng cường hệ thống cung ứng dịch vụ cho vay đến mọi đối tượng, đặc biệt là nông dân, công nhân, người ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng chính thức, Ngân hàng Nhà nước đang tạo những hành lang pháp lý khuyến khích các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại mạnh dạn cho vay, không cần những thủ tục phức tạp. Đó có thể là những khoản vay kịp thời, trong thời gian ngắn theo tuần hoặc tháng.
Để thuận tiện cho công nhân tiếp cận vốn vay, ông Đào Minh Tú- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, ngân hàng đã chỉ đạo 2 công ty tài chính là FE CREDIT (thuộc Ngân hàng VPBank) và HD SAISON (HD Bank) cam kết mỗi ngân hàng có gói 10.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường đang cho vay, giải quyết nhu cầu chính đáng của công nhân trong các khu công nghiệp, nhà máy. Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát cơ chế cho vay này bảo đảm đúng đối tượng. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo các tổ chức Công đoàn phối hợp hai công ty này để cho công nhân vay thuận lợi, đúng đối tượng, quản lý được khoản tiền vay, sử dụng đúng mục đích và có thể được trả nợ.
Công tác đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân lao động cũng được Chính phủ quan tâm. Chia sẻ từ Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, đến năm 2026, cả nước sẽ có 40% người lao động không phù hợp với công nghệ mới, 30% lao động phải chuyển nghề, như vậy, phải có sự chuẩn bị cho thời gian tới. Hiện nay, nước ta có khoảng 70% lao động được đào tạo, thực chất khoảng 24% có chứng chỉ nghề. Nếu so với khu vực ASEAN thì đây là tỷ lệ thấp. Chính vì vậy, đào tạo nhân lực là một trong 3 khâu đột phá chiến lược quốc gia phải phát triển nhanh.
Vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Chiến lược phát triển nghề nghiệp đến năm 2030. Theo đó, sẽ tiến hành đào tạo nhanh, phân luồng học sinh cấp 2, 3 lựa chọn vừa học nghề vừa học văn hoá. Sắp tới đây, Bộ sẽ trình Chính phủ sửa đổi Luật Việc làm theo tinh thần xác định những ngành nghề, lĩnh vực nào bắt buộc doanh nghiệp, người sử dụng lao động có chuyên môn, nếu không có chuyên môn phải phối hợp đào tạo; dành hai nguồn lực quan trọng gồm chương trình 2.000 tỷ đồng xây dựng 3 trung tâm đào tạo thực hành quốc gia để đào tạo ngành nghề, lĩnh vực mà các trường nghề chưa đào tạo được; tiếp tục thực hiện đào tạo theo chương trình 34 bộ giáo trình nhập từ Đức, Úc, Malaysia thí điểm tại 45 trường chất lượng cao, xây dựng một lực lượng lao động chất lượng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm mới giải quyết được việc làm cho người dân. Có công ăn việc làm phải nâng cao năng suất, chất lượng việc làm. Muốn như vậy phải đào tạo nâng cao tay nghề.
Ngô Tuyết