BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cải tiến xe vận chuyển mủ cao su kiêm xe chữa cháy 

Cập nhật ngày: 13/05/2017 - 18:40

BTNO - Tại Nông trường cao su (NTCS) Bến Củi (xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu) có những chiếc xe máy cày vận chuyển mủ được cải tiến kiêm luôn nhiệm vụ xe chữa cháy vườn cây cao su.

Xe chữa cháy cải tiến từ xe chở mủ cao su ở NtCS Bến Củi.

Tác giả công trình cải tiến trên là ông Nguyễn Văn Tài- sinh năm 1963, Giám đốc NTCS Bến Củi. Ông Tài là kỹ sư nông nghiệp, cử nhân kinh tế, đã có 28 năm “cùng ăn cùng ở” với nông trường, nên ông hiểu rất rõ về vườn cây cao su. Ðiều khiến ông trăn trở nhiều nhất là hằng năm, khi mùa khô đến, tại những vườn cây cao su còn nhỏ, cỏ mỹ bùng phát mạnh, dễ gây nguy cơ cháy.

Còn ở những vườn cây đang khai thác, mùa khô lá cao su rụng dày đặc, tuy được quét lá tạo đường băng chống cháy, nhưng cũng dễ làm mồi cho lửa. Riêng những vườn cao su đang thanh lý nguy cơ xảy ra cháy cao hơn, nhất là khi cành lá chưa được thu dọn kịp thời, rất dễ làm mồi ngon cho “bà hoả”.

Trong năm qua, tại Nông trường cao su này đã xảy ra 2 vụ cháy vườn cao su trong quá trình thanh lý. Trong khi đó, dụng cụ phòng cháy chữa cháy của nông trường vẫn còn khá thô sơ, gồm chổi tre, gàu, bình xịt nước loại nhỏ, xe vận chuyển nước... Việc cứu chữa khi có cháy xảy ra gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả thấp.

Ðể nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy, ông Tài chỉ đạo anh em trong nông trường rà soát lại những phương tiện, dụng cụ phòng cháy chữa cháy. Qua thống kê, Nông trường hiện có 6 xe vận chuyển mủ cao su, mỗi xe chở được 3.500 lít nước. Thế là ông bàn với anh em cải tiến những xe vận chuyển mủ kiêm luôn nhiệm vụ xe chữa cháy.

Năm 2016, ông Tài cùng nhóm công nhân cơ khí của Nông trường bắt tay vào việc cải tiến. Sau thời gian tập trung nghiên cứu, ông cùng nhóm công nhân cơ khí đã cho “ra lò” những chiếc xe vận chuyển mủ kiêm chữa cháy. Ðó là những chiếc xe máy cày, phía sau có gắn một rơ-moóc chở 3 thùng inox, mỗi thùng có dung tích 1.400 lít. Ðầu mỗi thùng có van xả nước thông với nhau, nối với một chiếc máy bơm. Khi sử dụng chữa cháy, máy bơm nước từ các thùng phun ra xa khoảng 30 mét. Giá thành của xe chữa cháy cải tiến chỉ có 12 triệu đồng/chiếc, còn xe chuyện dụng phải từ 700 - 800 triệu đồng/chiếc.

Ông Tài nhớ lại: “Mùa khô năm ngoái, nắng nóng kéo dài, Nông trường xảy ra đến 7 vụ hoả hoạn lớn nhỏ. Nhờ có những chiếc xe chữa cháy cải tiến này, các đám cháy đều được dập tắt kịp thời, không thiệt hại về người và tài sản”.

Qua một năm sử dụng, ông Tài cho biết, những chiếc xe chữa cháy cải tiến có nhiều ưu thế như: không kén địa hình vì đầu kéo là xe máy cày công suất lớn, có thể di chuyển được tất cả mọi nơi trong nông trường; đáp ứng kịp thời khi có cháy xảy ra; tiết kiệm kinh phí rất lớn so với mua xe chữa cháy mới; giảm gần 300 triệu đồng chi phí công trực chống cháy hằng năm, góp phần tiết kiệm quỹ lương cho Nông trường.

Ðược biết, Công ty cổ phần cao su Tây Ninh đã đồng loạt triển khai mô hình cải tiến xe vận chuyển mủ kiêm chữa cháy này cho các nông trường trong toàn công ty, kể cả ở vườn cây công ty liên kết đầu tư tại tỉnh Siem Reap- Campuchia.

Tại hội nghị tổng kết công tác thi đua - khen thưởng tỉnh Tây Ninh năm 2016 vừa qua (tổ chức ngày 27.4.2017, tại hội trường Tỉnh uỷ), ông Nguyễn Văn Tài vinh dự được báo cáo tham luận điển hình và được Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh tặng bằng khen. Ông đang lấy mô hình này làm đề tài dự thi sáng kiến khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm 2017.

Ðại Dương