Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cải tổ hệ thống hưu trí: Kinh nghiệm quốc tế và xu hướng tăng độ tuổi nghỉ hưu
Thứ ba: 22:21 ngày 31/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cải cách hệ thống hưu trí luôn là vấn đề đau đầu của mỗi quốc gia vì động chạm đến các tầng lớp dân cư. Tuy nhiên, nhiều nước đã và đang nỗ lực cải tổ hệ thống vốn đã “già cỗi” này khi đây là công việc không thể trì hoãn.

Ảnh: Reuters

Năm 1880, lần đầu tiên trên thế giới việc chi trả lương hưu một cách có hệ thống đã xuất hiện ở Đức. Theo quy định ở thời kỳ đó thì những người đủ 70 tuổi sẽ được nhận một khoản tiền nhất định do đã hết năng lực làm việc để tự nuôi sống được bản thân.

Nếu như vào thời điểm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tuổi thọ bình quân của người dân chỉ ở quanh ngưỡng 40- 50, thì hiện nay, sau khoảng 100 năm, tại các nước phát triển, con số này đã tăng vọt lên mức 70- 80 tuổi.

Chính vì sự già hóa dân số nên hệ thống hưu trí của nhiều nước đứng trước đòi phải có những cải tổ căn bản.

Bài viết dưới đây sẽ ít nhiều cung cấp những thông tin có liên quan đến lĩnh vực này và sự nỗ lực của các quốc gia nhằm cải tổ hệ thống hưu trí đã “già cỗi” của mình.

Bài I: Thực trạng hệ thống hưu trí tại các quốc gia trên thế giới

Hệ thống hưu trí là tổng hợp của các thành tố, bao gồm hệ thống các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc doanh hoặc tư nhân cùng hệ thống các văn bản pháp luật mà trên cơ sở đó bảo đảm việc chi trả định kỳ một mức tiền cụ thể cho các cá nhân đã đạt tới độ tuổi theo quy định, ngoài ra còn có thể là các khoản chi cho người tàn tật hoặc trợ cấp cho các đối tượng là trụ cột trong gia đình theo luật định.

Hiện nay, trên thế giới mới chỉ có khoảng trên 30 quốc gia là có hệ thống hưu trí đúng nghĩa như khái niệm trên. Có nghĩa là tất các công dân khi đạt một độ tuổi theo quy định đều được hưởng một mức lương hưu bình quân nào đó tương ứng với tỷ lệ lương bình quân của người lao động và cao hơn so với tổng giá trung bình của “giỏ hàng hóa tiêu dùng cơ bản” cho một cá nhân tại quốc gia đó.

Nếu như tại Philippines, Iraq và Tanzania, hệ thống hưu trí vẫn đang trong quá trình xây dựng và hình thành thì ở Trung Quốc và Ấn Độ lại đang mở rộng các đối tượng được hưởng lương hưu, còn tại các quốc gia thuộc Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), gần như 100% công dân đến tuổi theo luật định đều được nhận mức lương hưu tương ứng với khoảng 40-70% mức lương bình quân ở trong nước.

Chính vì chính sách này mà hầu hết các nước phát triển đang phải đối diện với rất nhiều thách thức buộc phải có những cải tổ toàn diện hệ thống hưu trí của mình.

3 loại hình hệ thống hưu trí

Tại các quốc gia trên thế giới, có 3 loại hình phổ biến của hệ thống hưu trí. Thứ nhất là hệ thống hưu trí dưới dạng phân bổ (hay còn gọi là hệ thống kết đoàn).

Đặc trưng của hệ thống này là nhà nước dựa trên nguồn thu từ những người còn đang làm việc đóng bảo hiểm hưu trí hằng tháng để chi trả cho những người đang nghỉ hưu.

Nói một cách tổng thể thì nhà nước “lấy thu để bù chi”, tuy nhiên, dân số già hóa, lạm phát và các chính sách phúc lợi của quốc gia đang khiến hình thức này không còn thích hợp vì quỹ hưu trí có nguy cỡ bị thâm thủng và không đủ để chi trả.

Để vừa tránh cho quỹ hưu trí không bị thâm hụt do lạm phát lại vừa tạo sự tăng thêm cho quỹ này, hệ thống hưu trí tích lũy là một hình thức khá thịnh hành hiện nay.

Nét nổi bật của dạng này là những người lao động tự tích cóp “quỹ dưỡng già” cho mình được trích từ khoản lương hằng tháng và số tiền này sẽ được các quỹ quản lý và đầu tư. Chính vì vậy, không nhất thiết các quỹ hưu trí phải do nhà nước trực tiếp quản lý và vận hành.

Không chỉ có mục đích bảo đảm phúc lợi cho những người lớn tuổi mà còn nhằm kích thích những người trẻ tuổi hăng hái làm việc và tăng cường tích lũy thu nhập cho tương lai, tại các nước phát triển hiện nay, hệ thống hưu trí “hỗn hợp” cũng là một dạng đang được vận hành. Đúng với nghĩa “hỗn hợp”, nhà nước sẽ chi trả một khoản tiền hưu trí tối thiểu, phần còn lại sẽ do các quỹ mà người

động đã tham gia tích lũy trước đó chịu trách nhiệm chi trả. Bước sang thời đại số hoá, hiệu quả của hệ thống tài chính thường lớn hơn so với hiệu quả của đồng vốn thuần tuý và để bảo đảm sự hấp dẫn của các quỹ hưu trí, tại các quốc gia phát triển, chính sách ưu đãi thuế thường được áp dụng dành cho các quỹ này.

Tại Mỹ và Anh, đã từ lâu hệ thống lương hưu linh hoạt được áp dụng. Người lao động thậm chí tự quyết định việc tham gia đóng bảo hiểm hưu trí theo kế hoạch của mình và vì thế Chính phủ Mỹ chỉ tham gia điều tiết và quản lý khoảng 10% tổng số tiền dành để “dưỡng già” của toàn xã hội và số tiền này cũng không vượt quá 20% GDP của Mỹ.

Theo số liệu của công ty nghiên cứu và tư vấn quốc tế Willis Towers Watson, tính đến đầu năm 2017, có 300 quỹ hưu trí lớn nhất thế giới, quản lý một lượng tiền lên tới 15,73 nghìn tỷ USD. Trong số 300 quỹ này thì 134 quỹ thuộc Mỹ, 26 quỹ thuộc Anh, Canada có 18 quỹ và Nhật Bản, Australia mỗi nước có 16 quỹ. 

Tăng tuổi nghỉ hưu- xu thế không thể cưỡng lại

Tại mỗi quốc gia trên thế giới, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và đặc biệt là tuổi thọ bình quân mà quy định độ tuổi nghỉ hưu cho công dân của mình.

Cùng với tăng trưởng kinh tế, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã giúp tuổi thọ bình quân ngày càng cao hơn, tuy nhiên tỷ lệ sinh nở lại tỷ lệ nghịch với xu thế này.

Theo các chuyên gia Quỹ Dân số của Liên Hợp Quốc, để bảo đảm cân đối hài hòa về nhân khẩu, mỗi phụ nữ cần bảo đảm sinh được 2 con nhưng điều này ở nhiều quốc gia đã và đang không trở thành hiện thực và dân số tại các nước này đang có xu hướng già hóa.

Bảng số liệu dự báo của Liên Hợp Quốc về tỷ lệ người trên 65 tuổi/số người ở độ tuổi từ 25 – 65 trong vòng khoảng gần nửa thế kỷ tới đây cho thấy điều đó:

Vì hệ thống hưu trí có liên quan mật thiết đến an sinh xã hội nên các quốc gia đều mong muốn duy trì sự ổn định của hệ thống này. Nhưng như đã nêu, do “lực bất tòng tâm - thu không đủ chi” nên chính sách kéo dài tuổi làm việc để nghỉ hưu muộn hơn đang là giải pháp bắt buộc mà chính phủ của nhiều quốc gia đang phải áp dụng.

Theo quy định mới nhất (được Chính phủ thông qua từ tháng 2/2018), Nhật Bản là quốc gia mà người lao động “về dưỡng già” muộn nhất trên thế giới.

Trước đó, theo Luật hưu trí thì người lao động có quyền nghỉ hưu từ độ tuổi 60 đến 70. Cũng theo luật này, nếu những ai nghỉ hưu sau 65 tuổi thì mức lương hưu được nhận sẽ cao hơn so với người cùng hoàn cảnh nhưng nghỉ hưu sớm hơn.

Tuy nhiên, theo luật mới thì độ tuổi nghỉ hưu ở nước này là trên 70 tuổi cho cả nam và nữ. Tuổi thọ bình quân của Nhật Bản hiện nay là 83,5 (theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc năm 2016).

Năm 1935, Mỹ thông qua Luật về phúc lợi xã hội và theo Luật này, tất cả công dân Mỹ đạt độ tuổi 65 sẽ được nhận một khoản trợ cấp hưu trí.

Đến năm 1983, quy định này thay đổi với độ tuổi được nâng lên là 67 tuổi và còn cụ thể hơn đó là những người sinh từ năm 1943 - 1954 thì sẽ được nhận tiền hưu trí khi tròn 66 tuổi, còn những ai sinh sau năm 1954 thì phải cộng thêm 2 tháng.

Ví dụ, sinh năm 1955 thì tuổi nghỉ hưu sẽ là 66 tuổi 2 tháng, còn những người sinh từ năm 1960 trở đi thì tuổi nghỉ hưu của họ sẽ là 67. Tuổi thọ trung bình tại Mỹ là 79,1.

Đức được coi là một trong những nước có phúc lợi xã hội tốt nhất thế giới. Theo quy định, những người sinh trước năm 1947 thì tuổi nghỉ hưu sẽ là tròn 65. Còn những ai sinh từ năm 1947 - 1958 thì cứ mỗi năm lại phải cộng thêm 1 tháng, điều này có nghĩa nếu sinh năm 1958 thì tuổi về hưu sẽ là tròn 66. Những người sinh từ năm 1959 - 1963 thì cứ sau mỗi năm là 66 tuổi cộng thêm 2 tháng. Tất cả mọi người sinh từ năm 1964 trở đi thì tuổi để nghỉ hưu là 67. Tuổi thọ bình quân của nước này là 80,9.

Thụy Sỹ là nơi mà “tiền không phải là vấn đề với quốc gia”. Theo luật hiện hành tuổi nghỉ hưu với nữ giới là 64 và với nam giới là 65. Từ năm 2020 trở đi, tuổi “dưỡng già” cho cả hai giới sẽ bình đẳng như nhau – 65 tuổi. Cũng theo luật, mọi công dân sau 58 tuổi đều có quyền được nghỉ hưu nhưng mức tiền được hưởng sẽ thấp hơn hẳn so với người nghỉ ở tuổi 65. Tuổi thọ bình quân tại đây là 83.

Luật hưu trí của Trung Quốc quy định tuổi nghỉ hưu với nam giới là 60 và 55 với nữ giới, nhưng với những phụ nữ lao động chân tay thì sau 50 tuổi có quyền nghỉ hưu.

Tuy nhiên, theo chương trình cải cách thì từ năm 2018, cứ sau mỗi 3 năm, tuổi nghỉ hưu của nữ giới sẽ tăng thêm 1 tuổi và với nam giới thì tăng thêm 1 tuổi sau mỗi 6 năm. Tuổi thọ bình quân tại Trung Quốc là 75,8.

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục