Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cầm cố giấy tờ đất-coi chừng sập bẫy kẻ gian 

Cập nhật ngày: 02/10/2021 - 00:27

BTN - Các đối tượng sử dụng thủ đoạn hết sức tinh vi để qua mặt bị hại với mục đích chiếm đoạt tài sản. Chỉ khi đến phòng công chứng, bằng nghiệp vụ, công chứng viên mới phát hiện giấy chứng nhận QSDĐ giả.

Khách hàng đến giao dịch tại một văn phòng công chứng (ảnh minh hoạ)

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh phát hiện nhiều trường hợp sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) giả đi cầm cố, thế chấp giữa cá nhân với cá nhân. Các đối tượng sử dụng thủ đoạn hết sức tinh vi để qua mặt bị hại với mục đích chiếm đoạt tài sản. Chỉ khi đến phòng công chứng, bằng nghiệp vụ, công chứng viên mới phát hiện giấy chứng nhận QSDĐ giả.

Giấy chứng nhận qsdđ giả được làm hết sức tinh vi

Công chứng viên Trần Duy Linh, Văn phòng công chứng Trần Duy Linh (thành phố Tây Ninh) cho biết, thời gian qua, phòng công chứng phát hiện nhiều trường hợp mang giấy chứng nhận QSDĐ giả thế chấp cho cá nhân đến yêu cầu làm thủ tục công chứng.

Theo ông Linh, giấy chứng nhận QSDĐ giả được làm hết sức tinh vi, nếu là người dân bình thường chưa qua nghiệp vụ công chứng khó phân biệt được đâu là giấy thật, giấy giả. Mục tiêu của các đối tượng lừa đảo thường là cá nhân làm nghề cho vay tiền, cầm đồ.

Không chỉ làm giả giấy tờ nhà, đất, các đối tượng còn làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe, rồi mang cầm cố, thế chấp. Chỉ khi cá nhân mang giấy tờ giả đến làm thủ tục công chứng, bằng nghiệp vụ và kinh nghiệm, các công chứng viên mới phát hiện.

Công chứng viên Trần Duy Linh khuyến cáo, các cá nhân có nhận thế chấp giấy chứng nhận QSDĐ cần hết sức lưu ý đến tính pháp lý của giấy chứng nhận QSDĐ được đem thế chấp; người nhận thế chấp cần đến Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện, thị xã, thành phố tìm hiểu kỹ trước khi đồng ý cho vay tiền, làm hợp đồng công chứng.

Làm giấy chứng nhận QSDĐ qua... mạng xã hội

Công an thành phố Tây Ninh cho biết, thông qua mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo đặt làm giấy tờ nhà, đất giả rồi mang đi thế chấp, cầm cố. Nhiều người chủ quan, mất cảnh giác đã dễ dàng sập bẫy. Hành vi phạm tội của các đối tượng này gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính, hoạt động của cơ quan Nhà nước, xâm phạm đến tài sản, lợi ích hợp pháp của công dân.

Võ Văn Hoàng (sinh năm 1987, ngụ huyện Châu Thành) nợ ông T.N.T cả tiền lãi lẫn gốc gần 300 triệu đồng. Không có tiền trả nợ, bị ông T hối thúc nên Hoàng nảy sinh ý định làm giả hợp đồng thế chấp tài sản với ông T để trả số tiền nợ (giấy chứng nhận QSDĐ thật, Hoàng đã đem đi thế chấp vay tiền tại một quỹ tín dụng).

Sau đó, Hoàng lên mạng xã hội Zalo liên hệ với một tài khoản đặt làm giấy chứng nhận QSDĐ. Hoàng lấy bản phô tô giấy chứng nhận QSDĐ thật gửi cho đối tượng làm giả giấy chứng nhận QSDĐ với tiền công là 2,5 triệu đồng. Vài ngày sau, Hoàng nhận được giấy chứng nhận QSDĐ giả qua dịch vụ giao hàng. Kiểm tra thấy giấy giả “y hệt” giấy thật, Hoàng đã thanh toán tiền cho nhân viên giao hàng.

Người dân cần thận trọng trước tình trạng kẻ gian mang giấy chứng nhận QSDĐ giả đi cầm cố, thế chấp (ảnh minh hoạ)

Có giấy chứng nhận QSDĐ giả, Hoàng mang đến ông T nói làm hợp đồng thế chấp QSDĐ cho ông T với giá 300 triệu đồng. Hai bên thoả thuận, ông T cho Hoàng thế chấp QSDĐ giá 300 triệu đồng với lãi suất 5%/tháng, thời hạn 12 tháng. Sau khi cấn trừ tiền nợ, ông T đưa thêm cho Hoàng 70 triệu đồng.

Ngày 4.3.2021, Hoàng điều khiển xe mô tô mang theo giấy chứng nhận QSDĐ giả đến Văn phòng công chứng Trần Duy Linh làm hợp đồng thế chấp cho ông T. Nhân viên văn phòng công chứng phát hiện giấy chứng nhận QSDĐ “có vấn đề”, nên báo tin cho Công an thành phố Tây Ninh đến lập biên bản, bắt quả tang hành vi phạm tội của Võ Văn Hoàng.

Theo Công an thành phố Tây Ninh, các đối tượng này phạm vào các tội “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, sẽ bị cơ quan pháp luật xử lý theo quy định.

Thế Nhân