Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cảm ơn rau hẹ
Thứ tư: 20:16 ngày 06/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Rau hẹ mà tôi nhắc đến ở đây là rau hẹ nước. Nó là một loại rau dại, thân mềm mại, không ai trồng, chỉ mọc tự nhiên dưới những đám ruộng trũng quanh năm có nước.

Rau hẹ nước dùng để ăn sống, chưa thấy ai dùng loại này để luộc, hay xào, nấu như loại rau hẹ trồng trên gò. Không phải chỉ nhớ mà tôi còn biết ơn rau hẹ nước, vì nó đã góp phần đáng kể nuôi sống gia đình tôi cũng như một số gia đình khác ở quê cả một thời gian dài.

Trước kia, cũng như nhiều nơi khác, đồng ruộng quê tôi mỗi năm chỉ làm có một vụ lúa vào mùa mưa.

Thường khoảng tháng sáu âm lịch, từ những đám ruộng sâu trũng cho đến những miếng triền gò đầu thừa, đuôi thẹo đều được cấy xong.

Hồi đó chưa có nhiều công ty, xí nghiệp như bây giờ. Sau mùa cấy, phần lớn phụ nữ chằm nón lá, hoặc vót đũa, vót câu, đan giỏ...

Còn cánh đàn ông và trẻ em rủ nhau đi câu cá, giăng lưới, săn chuột, nhổ rau hẹ. Phần nhiều bà con quê tôi nhổ rau hẹ để cải thiện bữa ăn và cho người thân. Nhưng cũng có một số người nhổ rau đem ra chợ bán kiếm tiền mua gạo.

Anh em tôi thường xuyên nhổ rau hẹ về bổ sung chất xơ cho bữa cơm gia đình. Ruộng làm mỗi năm một vụ theo phương thức cấy lúa, hàng cách hàng, bụi cách bụi, có những khoảng trống nhất định.

Trong sản xuất, nông dân hồi đó rất ít dùng thuốc để diệt cỏ, diệt rầy. Chắc nhờ vậy, rau hẹ nước rất dễ phát triển. Trước khi cấy lúa, bà con nông dân dọn ruộng cho sạch cỏ- kể cả rau hẹ, bông súng, rong cây, rong nhớt... N

hưng cấy xong, lúa vừa bén, rau hẹ cũng bắt đầu lún phún trồi lên, chúng phát triển nhanh cùng cây lúa. Ðây cũng là lúc anh em tôi và nhiều người khác chèo ghe, bưng thau ra ruộng để nhổ rau hẹ. Lúc này, bụi lúa chưa nở to, nên lội dưới ruộng không sợ hư lúa.

Nhổ rau hẹ giúp làm sạch ruộng, tơi đất, nên chủ ruộng không rầy rà gì. Người nào kỹ tính, chỉ nhắc chừng đám trẻ: “Bây lội khéo khéo, đừng đạp lúa”.

Tụi nhỏ như anh em tôi liền “dạ”, xong tha hồ mà nhổ. Rau hẹ mọc riêng từng cây, nhổ nguyên gốc rễ, giũ giũ trong nước cho sạch bớt bùn rồi bỏ vào thau. Những người nhổ rau về ăn thì cứ canh độ chừng đã vừa đủ ăn là nghỉ, bữa sau muốn ăn nữa đi nhổ tiếp, chớ rau hẹ nước không để dành được.

Những người nhổ rau hẹ để bán thường phải đi đúng buổi mới về. Rau hẹ nhổ xong, chúng tôi bưng ra bờ rạch rửa bước đầu; nhúng từng cây trong nước cho sạch bùn, ngắt bỏ phần rễ, chừa phần gốc rau trắng phếu và đùm lá phía trên.

Sau đó xếp rau ngay ngắn vào thau, đem về nhà, trước khi ăn còn phải rửa nhiều lần bằng nước sạch.

Hồi đó, nhà nghèo, thường xuyên thiếu thốn nên anh em tôi ăn rau hẹ chấm với thức chấm nào cũng thấy ngon.

Thường chị tôi kho cá (do anh em tôi câu) với mắm đồng (mắm nhà làm); khi không có cá, không còn mắm đồng, thì chị kho mắm ruốc để chấm rau hẹ.

Lâu lâu chị ra chợ bán nón lá, có chút ít tiền mua cá hấp, hoặc thịt heo ba rọi về kho. Món này ăn với rau hẹ phải nói ngon lành.

Những khi không cá, không mắm, chị lại đâm đậu phộng sống đem kho (gọi kho mắm đậu) hoặc kho tàu hủ, xào tương... làm món chấm. Ðơn giản vậy thôi mà cả nhà tôi cũng tém sạch nồi cơm.

Nhớ nhất là những năm đầu mới giải phóng, khi kinh tế nước ta còn khó khăn. Quê tôi thuộc dạng đất chật, người đông. Lúa gạo thiếu, nhiều nhà nghèo phải ăn độn. Có hai món dùng ăn độn là củ mì và rau hẹ.

Có người gọi củ mì là “gạo bằng ghèn” (ăn riết đổ ghèn hai con mắt), cũng có người gọi là “gạo bằng khúc” (chặt từng khúc để nấu).

Rau hẹ, củ mì chắc là hai thứ hạp nhau, nên củ mì nấu xong đổ ra còn nóng hổi, xốp, bùi ăn với cuộn rau hẹ mát, mềm, giòn chấm mắm kho hay tương xào, mắm đậu, thậm chí là nước tương, nước muối cũng đều ngon.

Ngày nay, trên cánh đồng quê tôi không còn thấy rau hẹ nữa. Có lẽ do ruộng làm hai, ba vụ mỗi năm với cách làm là sạ thẳng xuống ruộng, mặt ruộng để khô khi gieo sạ; nông dân lại thường phun xịt thuốc diệt cỏ, làm cho môi trường đồng ruộng bị ô nhiễm, rau hẹ không còn đất sống.

Tôi đi xa, thỉnh thoảng về thăm nhà, lại được chị cho ăn rau hẹ chấm thịt kho mắm ruốc, hoặc cá hấp kho. Hỏi chị rau hẹ ở đâu mà có, chị bảo mấy đứa cháu mua ngoài chợ. Nghe nói rau hẹ này ở đâu đó xa lắm, người ta đem đến đây bán, chớ đồng ruộng quê mình giờ đây đâu còn cây rau hẹ nào.

Cánh đồng tràn ngập rau hẹ sau mùa cấy ở quê tôi giờ chỉ còn trong quá khứ. Và tôi cứ luôn nhớ, luôn muốn cảm ơn rau hẹ.

T.L

Tin cùng chuyên mục