BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cắm rừng giữ lấy dấu xưa

Cập nhật ngày: 27/04/2011 - 07:53

Trong kháng chiến chống Mỹ, Tây Ninh được mệnh danh là thủ đô kháng chiến của miền Nam. Hàng loạt các căn cứ của các cơ quan, đơn vị được thành lập và trú đóng tại Tây Ninh. Đặc biệt là khu căn cứ cách mạng tại rừng Chàng Riệc, gồm có Căn cứ Trung ương Cục, căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, căn cứ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.

Ngày nay các khu căn cứ cách mạng này đều được bảo tồn, tôn tạo, trở thành các điểm du lịch về nguồn của hàng triệu du khách, trong đó có các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã một thời nằm gai nếm mật tại vùng đất biên giới Bắc Tây Ninh.

Khách du lịch tham quan Nhà trưng bày Khu di tích TW Cục.

Từ năm 2006, Ban quản lý các di tích thuộc Trung ương Cục đã được thành lập, được giao quản lý các di tích trong phạm vi dài hơn 23km, rộng hơn 2km trong rừng Chàng Riệc. Phải trông coi, gìn giữ hàng trăm di tích, hàng nghìn hiện vật cần bảo vệ, tôn tạo, nhưng đội ngũ cán bộ, công nhân viên quản lý các di tích ở đây chỉ có vài chục người. Ngoài việc chăm sóc, lau chùi, quét dọn, sửa chữa nhỏ tại khu di tích, còn phải lo tiếp đón các đoàn khách đến tham quan, làm hướng dẫn viên, giới thiệu cho du khách về từng di tích. Khối lượng công việc rất nhiều, bình quân mỗi năm có đến 750 đoàn khách đến thăm, có đoàn đông đến cả nghìn người, có đoàn lưu trú lại tới vài ngày. Thế là cán bộ, nhân viên quản lý di tích phải thay nhau phục vụ, hướng dẫn. Chưa hết, họ còn phải làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, nhất là chống cháy rừng vào mùa khô, mùa đông du khách đến tham quan. Rừng ở căn cứ Trung ương Cục gắn bó mật thiết, khăng khít với di tích, không thể tách rời. Vào mùa mưa khách đến có ít hơn nhưng đổi lại không khí lại buồn tẻ, nhất là vào những đêm mưa rừng rả rích. Chị Trần Thị Kim Hạnh, tổ trưởng tổ di tích căn cứ TƯ Cục cho biết: cả ban quản lý di tích chỉ có 24 người, trong đó chỉ có 5 người là nữ, chia ra làm 3 tổ, ở cách xa nhau vài cây số, nhiều đêm mưa gió, chị em cùng phòng chỉ biết trùm mền, có khi khóc thút thít vì lo sợ và cô đơn. Chế độ lương, phụ cấp cho nhân viên của ban quản lý di tích còn rất thấp, trong số 24 người hiện nay chỉ có 5 người trong biên chế, còn lại là hợp đồng với mức lương khởi điểm 1.5, người có mức lương cao nhất cũng chưa tới 2 triệu đồng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng tiền ăn và xăng xe. Hằng ngày đơn vị tổ chức nấu ăn, mức chi phí cho một người là 20.000 đồng/ngày. Thực phẩm phải đặt “mối” từ chợ Tân Biên, hằng ngày họ đưa vào, đến tháng có lương mới trả, nên phải cộng thêm tiền lãi và chi phí đi lại. Những anh chị em có gia đình ở Thị xã, Hoà Thành thì mỗi tuần còn được về nhà một lần vào thứ bảy, để chiều chủ nhật lại có mặt ở đơn vị. Những người ở xa thì coi như thường xuyên “cắm rừng”, vài tháng mới về một lần. Khó khăn là vậy nhưng lỡ yêu nghề, yêu rừng thì phải cố gắng thôi. Anh Nguyễn Đình Chiến, trưởng Phòng Khai thác thuộc BQL khu di tích cho biết: dù vất vả, thiếu thốn nhưng anh em trong BQL cũng rất tự hào vì được chăm sóc, bảo vệ khu di tích lừng tiếng tăm cả nước, nơi lưu giữ những hình ảnh chứng tích về một thời hào hùng, oanh liệt của thế hệ cha anh trong cuộc chiến tranh giữ nước.

KHẮC  LUÂN