BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cầm thẻ ATM vay nợ, nhiều công nhân lao đao 

Cập nhật ngày: 29/11/2017 - 05:35

BTN - Cách thức thu tiền của các chủ nợ cũng rất đặc biệt, mỗi khi tới ngày lãnh lương, các chủ nợ luôn túc trực trước các trụ ATM, nhận được tin nhắn báo có lương từ tổng đài của ngân hàng là họ đến rút tiền ngay. “Nhiều khi công ty chuyển lương vào tài khoản, chủ nợ rút sạch, rút hơn số tiền vay phải trả góp, hoặc nhiều hơn số nợ còn lại, rồi “ôm” thẻ đi mất khiến nhiều người vay khốn đốn”, chị H cho biết.

Hình ảnh tại trụ ATM trước cổng KCN Trảng Bàng (ảnh minh hoạ).

Đối với công nhân trong các khu công nghiệp (KCN), mức lương như hiện nay chỉ đủ để trang trải tiền thuê nhà trọ và tiêu dùng hằng tháng. Vì vậy, khi cần phải có một khoản tiền kha khá để giải quyết nhu cầu bức bách trong thời gian ngắn, ít ai dám nghĩ đến việc “gõ cửa” ngân hàng vì lo ngại những thủ tục rườm rà và cũng chẳng có tài sản để thế chấp. Nắm bắt được nhu cầu vay tiền “nóng” của công nhân, nhiều “dịch vụ” cho vay tín dụng mọc lên như nấm quanh khu vực họ sinh sống và làm việc với lời giới thiệu khá hấp dẫn như “thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng, lãi suất thấp…”. Nếu e ngại vay vốn tín dụng bên ngoài, công nhân chỉ cần “cắm” thẻ ATM là có thể vay cả chục triệu đồng.

VAY DỄ, TRẢ MỚI KHÓ

Anh Nguyễn Duy Linh (quê Bạc Liêu)- công nhân một công ty trong Khu công nghiệp - chế xuất Linh Trung III (ấp Suối Sâu, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng) cho biết, lương anh mỗi tháng, tính cả tiền tăng ca, phụ cấp được hơn 6 triệu đồng. Ngoài ăn uống, sinh hoạt, thuê nhà, gửi chút ít về quê phụ giúp gia đình, gần như không có khoản tiền dư nào.

Anh Linh tâm sự, vừa qua, chiếc điện thoại cũ của anh bị hư nên anh muốn mua chiếc điện thoại mới. Được đồng nghiệp “rỉ tai”, anh tìm gặp một cán bộ trong công ty, sau khi đưa thẻ và mật khẩu rút tiền, anh nhận ngay 6 triệu đồng (tương đương với lương tháng của anh) với lãi suất 10%/tháng.

Vậy mà đã 4 tháng nay, anh vẫn chưa thể trả hết nợ: “Lương mỗi tháng thì cố định nhiêu đó thôi, lúc trước cũng chỉ đủ chi tiêu, còn bây giờ phải trả thêm tiền lãi vay mỗi tháng nữa. Nếu trả hết vốn lãi một lần thì không còn tiền để chi tiêu nên nhiều lần tôi phải xin chủ nợ lại 1 - 2 triệu đồng hoặc đi vay chỗ khác để sống qua ngày. Ban đầu vay 6 triệu, đến bây giờ tôi đã trả góp tiền gốc cộng tiền lãi đã gần chục triệu nhưng vẫn chưa hết nợ”- anh Linh nói.

Cũng giống như anh Linh, chị Nguyễn Thị Trang và chồng - đều là công nhân tại Khu công nghiệp Trảng Bàng cũng từng khốn đốn vì nợ lãi cao. Tháng 8 năm 2015, lúc đứa con đầu của anh chị bị bệnh, cần tiền xuống bệnh viện Nhi Đồng ở TP.HCM để điều trị, chị Trang đã phải cầm cả 2 thẻ ATM của chị và chồng được 10 triệu đồng, lãi suất lúc đó là vay 1 triệu đồng trả lãi 140.000 đồng/tháng”.

Lương tháng của hai vợ chồng cộng lại cũng được hơn 11 triệu đồng, nhưng tết vừa rồi, anh chị cũng đành ở lại vì không có tiền về quê, tiền vay vẫn chưa trả xong. “Đến gần 6 tháng chi tiêu tằn tiện lắm tôi mới trả hết tiền gốc lẫn lãi. Cứ mỗi tháng trả góp 2 triệu đồng cộng tiền lãi gần 1,5 triệu đồng nữa, phần còn lại để sống và lo cho con nên hầu như nhà tôi không dư được đồng nào”, chị Trang thở dài nói.

Hiện nay, tại các KCN trong tỉnh - không ít công nhân phải lâm cảnh túng thiếu triền miên do lỡ “sa chân” vào vòng “tín dụng đen”. Phần lớn đều có cuộc sống khó khăn, việc xoay xở để có ngay một khoản tiền lớn nhằm trang trải cuộc sống hoặc trong những lúc cấp bách như bệnh đau, hiếu hỉ… không hề đơn giản. “Có cầu ắt có cung”, các dịch vụ cho vay với lãi suất cao không chỉ tồn tại trong nội bộ công nhân mà nó còn là “món mồi ngon” cho những đối tượng lợi dụng để trục lợi.

Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, tình hình kinh tế khó khăn, chi tiêu đắt đỏ, lương phụ thuộc vào sản phẩm nhưng không phải công ty nào cũng có nhiều đơn hàng để công nhân tăng ca, kiếm thêm thu nhập. Khi quá túng thiếu, họ đành phải đi vay “nóng” và chấp nhận “cắm” thẻ ATM, hay giấy tờ tuỳ thân cho chủ nợ giữ để làm tin.

Chị V.N.H (24 tuổi), đang làm việc tại Công ty Pouhung Việt Nam trong KCN Chà Là cho biết: “Muốn biết việc cho vay này sôi động đến cỡ nào thì chỉ cần đến các trụ ATM ở các KCN vào cuối tháng, hoặc tới kỳ lương vào các ngày 5, 10, 15 hằng tháng”. Theo lời chị H, ngày 11.11, trong vai người rút tiền tại một trụ ATM gần Khu công nghiệp - chế xuất Linh Trung III, phóng viên quan sát thấy không ít người cầm trên tay cả xấp thẻ ATM. Khi được hỏi anh rút tiền cho ai mà có nhiều thẻ đến vậy, một người đàn ông trả lời rằng: “Rút cho người quen, vì họ không biết sử dụng thẻ ATM nên nhờ tôi rút hộ”.

Theo lời một công nhân đang xếp hàng chờ rút tiền, đó chính là những chủ nợ cho vay bằng cách giữ thẻ và giấy CMND, với lãi suất từ 10% - 15%/tháng. Đa phần những người cho vay cũng là công nhân của công ty, thậm chí có cả những người xin vào công ty làm việc để dễ dàng tiếp cận công nhân- nguồn thu lợi “béo bở”.

Cách thức thu tiền của các chủ nợ cũng rất đặc biệt, mỗi khi tới ngày lãnh lương, các chủ nợ luôn túc trực trước các trụ ATM, nhận được tin nhắn báo có lương từ tổng đài của ngân hàng là họ đến rút tiền ngay. “Nhiều khi công ty chuyển lương vào tài khoản, chủ nợ rút sạch, rút hơn số tiền vay phải trả góp, hoặc nhiều hơn số nợ còn lại, rồi “ôm” thẻ đi mất khiến nhiều người vay khốn đốn”, chị H cho biết.

Vay thì dễ, trả rất khó, nợ kéo dài dai dẳng, đó là hoàn cảnh chung nhiều công nhân. Một khi đã sa chân vào “tín dụng đen” thì nhiều người như rơi vào cái vòng lẩn quẩn giữa vay rồi trả, không dứt ra được. Theo lời anh Linh: “Do công nhân chưa bao giờ đủ sống bằng lương, nên một khi đã gặp cảnh túng quẫn, trót vay một lần thì lại càng túng quẫn hơn. Đa phần công nhân ở các KCN trình độ văn hoá thấp, không có nhiều mối quan hệ thì có thể vay được ai, ngoài các chủ nợ cho vay nặng lãi?”.

Những tờ rơi quảng cáo cho vay gần khu trọ của công nhân tại các KCN Trảng Bàng và Chà Là.

CHƯA CÓ NGUỒN HỖ TRỢ CHO CÔNG NHÂN VAY

Mặc dù vài năm trở lại đây, mức lương cơ bản của công nhân tại các KCN dần được nâng lên, nhưng cũng chỉ đủ sống ở mức tối thiểu. Vì vậy, tình trạng công nhân đi vay với lãi suất cao vẫn cứ tiếp tục diễn ra. Để giải quyết căn cơ tình trạng này, thiết nghĩ, cần có sự vào cuộc kịp thời của ngành chức năng và tổ chức Công đoàn, đặc biệt là vai trò của các Công đoàn cơ sở (CĐCS).

Ông Nguyễn Văn Nhàn- Chủ tịch Công đoàn Công ty Pouhung, KCN Chà Là cho biết, việc vay nợ bằng cách cầm cố thẻ ATM trong công nhân đã tồn tại từ lâu, Công đoàn công ty cũng đã đề xuất ý kiến lên lãnh đạo công ty về vấn đề này. Tuy nhiên, đây là chuyện riêng tư, quan hệ cá nhân của công nhân, công ty không thể can thiệp được. Mặt khác, số lượng công nhân quá đông, thường xuyên “nhảy việc” nên công tác gây quỹ hỗ trợ công nhân của công đoàn gặp nhiều khó khăn, khó triển khai thực hiện.

Trên thực tế, có không ít CĐCS trong các doanh nghiệp, đa phần là công ty có vốn đầu tư nước ngoài đã thực hiện thành công hoạt động giúp đỡ người lao động cải thiện cuộc sống bằng cách bảo lãnh cho họ vay vốn cải thiện đời sống từ ngân hàng, như Công ty Pouchen (TP.HCM), Công ty Taekwang Vina (Đồng Nai)… Từ nguồn vốn này, không ít CNLĐ có điều kiện, mua sắm vật dụng sinh hoạt cần thiết, ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc.

Theo ông Đỗ Minh Triệu- Trưởng Ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động tỉnh, về vấn đề công nhân vay “tín dụng đen”, Liên đoàn Lao động tỉnh đã nhận được phản ánh từ các CĐCS của các công ty, xí nghiệp ở các KCN và cũng đã kiến nghị chính quyền địa phương hỗ trợ giám sát.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được phản ánh từ phía công nhân. Liên đoàn Lao động tỉnh đang quản lý 2 quỹ có thể dùng hỗ trợ vốn cho công nhân phát triển kinh tế là Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm, được 820 triệu đồng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, và Quỹ xoá đói giảm nghèo, được 2 tỷ 590 triệu đồng từ nguồn vốn của UBND tỉnh cấp, dành cho đối tượng là công nhân thuộc diện hộ nghèo.

Hiện nay, ngoài việc chi trả các chế độ trợ cấp BHXH như ốm đau, thai sản... các CĐCS còn có hình thức góp vốn xoay vòng do các đoàn viên Công đoàn, cán bộ viên chức lao động ở các công ty, cơ quan Nhà nước tự góp vốn với nhau. Thế nhưng, hình thức này cũng chỉ có thể áp dụng ở các công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ với số lượng đoàn viên vừa phải, có sự gắn bó lâu dài của các thành viên.

Vấn đề chính sách hỗ trợ vốn cho công nhân lao động đến nay cũng rất hiếm CĐCS triển khai, do đa phần CĐCS các công ty, xí nghiệp ở các KCN còn khá non trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ công nhân lao động. Mặt khác, số lượng đoàn viên công đoàn không ổn định, thay đổi liên tục, gây nhiều khó khăn trong công tác xây dựng nguồn vốn hỗ trợ cho các đoàn viên công đoàn nói riêng và người lao động nói chung.

Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều CĐCS mạnh dạn thực hiện công tác này để góp phần nâng cao đời sống người lao động, đồng thời có thể hạn chế tình trạng vay “tín dụng đen” trong công nhân lao động.

MINH DƯƠNG - NGỌC BÍCH


Liên kết hữu ích