Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cấm xuất cảnh mọi cá nhân nợ thuế: liệu có cứng nhắc?
Chủ nhật: 18:06 ngày 02/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chuyện doanh nhân bị cấm xuất cảnh khi DN chỉ nợ thuế vài trăm ngàn đồng thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian gần đây. Có ý kiến cho rằng, quy định này cần thiết, song có phần hơi cứng nhắc.

Không phân biệt mức tiền nợ thuế

Trong thời gian gần đây, rất nhiều chủ DN bị cấm xuất cảnh do liên quan đến nợ thuế. Nhiều trường hợp nợ thuế với số tiền rất nhỏ nhưng cũng bị cho vào danh sách tạm hoãn xuất cảnh. Nhiều DN lâm vào cảnh dở khóc, dở cười, khi mọi kế hoạch ký kết ở nước ngoài đã lên, nhưng không được xuất cảnh.

Trong danh các dài người đại diện DN nợ thuế bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh có đơn vị nợ vài chục tỷ đồng, nhưng cũng có những DN chỉ nợ vài trăm ngàn đồng.

Cán bộ, công chức thuế Cục Thuế Phú Thọ rà soát doanh nghiệp nợ đọng thuế thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hồi nợ thuế. (Ảnh: V. Học).

Ngày 18/5/2024, người đại diện pháp luật Công ty TNHH Thương mại Hóa chất Gia Thăng bị tạm hoãn xuất cảnh do DN này nợ thuế 997.000 đồng, chưa gồm các khoản phạt chậm nộp.

Vào tháng 2/2024, một giám đốc DN khác tại TP Hồ Chí Minh cũng bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế 1,1 triệu đồng, chưa bao gồm các khoản phạt chậm nộp từ hơn 1 năm trước đó.

Trên thực tế, chuyện cấm xuất cảnh vì nợ thuế đã được áp dụng từ vài năm nay, song sự việc chỉ được quan tâm thời gian gần đây khi có hàng dài doanh nhân trong danh sách nợ thuế bị bêu tên ở trang thông tin của hải quan địa phương, cập nhật thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan.

Các quy định về tạm hoãn xuất cảnh thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế năm 2019. Cụ thể, có 4 trường hợp bị cưỡng chế nợ thuế bao gồm: người nộp thuế có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp; người nộp thuế có tiền thuế nợ khi hết thời hạn gia hạn nộp tiền thuế; người nộp thuế có tiền thuế nợ có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn; người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thời hạn ghi trên quyết định.

Cơ quan thuế căn cứ tình hình thực tế của người nộp để áp dụng các biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản tại kho bạc, ngân hàng… Nếu không hoàn thành nghĩa vụ trước khi trước khi xuất cảnh, họ có thể bị tạm hoãn.

Trước quy định khắt khe này của cơ quan thuế, nhiều cá nhân cho rằng quy định này có phần cứng nhắc. Bởi trong số những người nợ thuế, có nhiều người do kinh tế khó khăn, nhưng cũng có người do không biết mình nợ thuế. Đặc biệt, với mức nợ thuế chỉ vài trăm ngàn đồng cũng bị cấm xuất cảnh là chưa phù hợp.

Có ý kiến cho rằng, cần phải có quy định rõ ràng hơn về vấn đề này, ví dụ như tăng ngưỡng áp dụng mức nợ thuế là bao nhiêu thì mới cấm xuất cảnh, vì không DN nào trốn vài trăm nghìn đồng tiền thuế, hoặc cơ quan thuế phải làm cách nào để người thi hành quyết định được biết mình đang nợ thếu, đến thời hạn nào không thi hành sẽ bị cấm xuất cảnh. Việc thông báo nên thực hiện nhiều lần, nếu quá hạn thông báo mới cấm xuất cảnh.

Đã là công dân thì phải thượng tôn pháp luật

Trong thông tin phát đi ngày 1/6 về một số vấn đề được dư luận xã hội quan tâm liên quan lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính, bộ này đề cập đầu tiên tới kiến nghị thay đổi quy định về cấm xuất cảnh vì nợ thuế.

Theo Bộ Tài chính, trường hợp tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, cơ quan thuế rà soát, đối chiếu số nợ thuế gửi tới người nợ thuế trước khi gửi đề nghị tạm hoãn xuất cảnh. Người nộp thuế có thể chủ động tra cứu nợ thuế trên hệ thống ngành thuế để hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi xuất cảnh. “Việc tạm hoãn xuất cảnh là một biện pháp cứng rắn cũng như cảnh báo người nộp thuế tuân thủ quy định nộp thuế” - Bộ Tài chính khẳng định.

Theo Bộ Tài chính, Luật Quản lý thuế đã quy định hành lang pháp lý đối với việc nợ thuế. Theo đó, trường hợp sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì cơ quan quản lý thuế thông báo cho người nộp thuế biết số tiền thuế, tiền phạt còn nợ và số ngày chậm nộp.

Luật Quản lý thuế cũng quy định việc cho phép người nộp thuế nộp dần tiền thuế nợ trong trường hợp có bảo lãnh của ngân hàng. Như vậy, cơ quan thuế đã nhắc nhở để các trường hợp vô tình nợ thuế khẩn trương nộp thuế và cũng có phương án nộp dần cho doanh nghiệp khó khăn không nộp được hết nợ một lần.

Đánh giá về việc cá nhân, người đại diện DN chỉ nợ thuế vài trăm nghìn đồng cũng bị cấm xuất cảnh, chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được cho rằng việc cấm xuất cảnh do nợ thuế đã quy định trong Luật Quản lý thuế. Số tiền nợ thuế dưới 1 triệu đồng so với hoạt động, quy mô vốn của DN rất nhỏ. Vì vậy, nếu lấy lý do khó khăn nên không nộp được số thuế này là chưa hợp lý, mà có dấu hiệu chây ỳ.

Tuy nhiên, chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được cho rằng, trường hợp chủ DN vô tình nợ thuế dẫn đến cấm xuất cảnh, cơ quan thuế cũng cần kiểm tra quy trình thông báo tới doanh nghiệp đã đầy đủ hay chưa.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, việc cấm xuất cảnh với người nợ thuế là cần thiết. Bởi Luật Thuế là một luật có tính pháp lý cao nhất, chỉ sau Hiến pháp. Vì vậy, đã là công dân thì phải thượng tôn pháp luật, chấp hành quy định nộp thuế.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, với những cá nhân lấy lý do chưa nộp thuế vì không biết chỉ là bao biện của người coi thường pháp luật. Bởi hiện nay ngành thuế đã số hóa, thông tin đã được cập nhật trên ứng dụng tra cứu, mọi công dân đều có thể dễ dàng kiểm tra tình trạng đang nợ bao nhiêu, mức đóng bao nhiêu.

Hiện nay, số lượng người nộp thuế nợ thuế dưới 1 triệu đồng rất lớn, đa số lại kéo dài. Với các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trước khi thực hiện gửi thông báo đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và người nộp thuế để người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.

Người nộp thuế có thể chủ động tra cứu nợ thuế của mình trên hệ thống của ngành thuế để đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi xuất cảnh. Bộ Tài chính nhấn mạnh, để nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, tạm hoãn xuất cảnh sẽ là một biện pháp cứng rắn cũng như cảnh báo cho người nộp thuế đang nợ thuế để đảm bảo việc hoàn thành nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước.

Nguồn Kinhtedothi 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục