Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cần bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bánh tráng trộn
Thứ hai: 09:49 ngày 01/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bánh tráng và các sản phẩm từ bánh tráng là món ăn được ưa thích. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn có nhiều sản phẩm không có ngày sản xuất, hạn sử dụng… ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Những bịch bánh tráng trộn khá bắt mắt nhưng đều không có “khai sinh”.

Các loại bánh tráng trộn (bánh tráng muối, bánh tráng bơ, bánh tráng trộn sa tế, bánh tráng trộn thập cẩm…) là sự hoà quyện giữa bánh tráng dai với vị mặn mặn của muối rang, vị cay của ớt và các hương vị khác như khô bò, chà bông, xoài, rau răm, mỡ hành, đậu phộng... tạo thành món ăn vặt hấp dẫn của nhiều người - nhất là học sinh, sinh viên. Món ăn này khá rẻ, chỉ từ 5.000-10.000 đồng/bịch. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm bánh tráng đều “3 không”: không có ngày sản xuất, không có hạn sử dụng và không có nguồn gốc xuất xứ. 

Chủ một cửa hàng bán bánh tráng khu vực cầu K13 (huyện Dương Minh Châu) cho biết, bánh tráng Tây Ninh nổi tiếng từ lâu, nhưng nếu chỉ bán các loại bánh tráng trắng, bánh tráng ớt truyền thống thì sẽ không lời bằng việc bán thêm các loại bánh tráng trộn. Giá bánh tráng nguyên liệu làm bánh tráng trộn (thường là bánh vụn) dao động từ 15.000 - 18.000 đồng/kg nhưng khi được chế biến bằng cách thêm các loại gia vị thì giá bán gấp 5 lần. 

Tại Trung tâm thương mại Long Hoa có rất nhiều gian hàng bán bánh tráng trộn. Chỉ vào những bao bánh tráng đã được trộn sẵn, chị H, chủ một cửa hàng bánh tráng cho biết: “Bánh tráng ở đây có giá từ 40.000-60.000 đồng/kg, tuỳ loại sa tế, tôm hay tỏi, hành phi”. Đáng chú ý là rất ít người mua quan tâm đến bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ cũng như các tiêu chí về an toàn thực phẩm của bánh tráng.

Đối với các loại bánh tráng truyền thống, nhiều cơ sở sản xuất vẫn chưa quan tâm đến việc làm “khai sinh” cho các sản phẩm của mình. Bà H - chủ một cơ sở sản xuất bánh tráng tại huyện Hoà Thành cho biết, bánh tráng tại cơ sở của bà bán chủ yếu cho các tiểu thương ở chợ, bánh tráng sau khi phơi khô thì đóng gói theo cây 5kg. Sau đó, tiểu thương sẽ tự đóng gói vào bao bì có ghi sẵn cơ sở sản xuất, địa chỉ, thậm chí là ngày sản xuất và hạn sử dụng (!). 

Tại nhiều chợ lớn trong tỉnh và nhiều cửa hàng bán bánh tráng, có rất nhiều loại bánh tráng trộn, bánh tráng trắng, bánh tráng ớt đều không có thông tin về cơ sở sản xuất, ngày sản xuất và hạn sử dụng. Đầu năm 018, một đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm phát hiện tại một cơ sở sản xuất bánh tráng trộn có giòi lúc nhúc bên trong cối trộn con ruốc; khu sản xuất chế biến mất vệ sinh, đọng đầy nước bẩn và bốc mùi hôi thối. 

Bên cạnh đó, để giảm giá thành sản xuất, nhiều người còn sử dụng những nguyên liệu rẻ, kém chất lượng để trộn bánh. Hơn nữa, việc để bánh tráng lâu ngày có thể bị ẩm mốc, biến chất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khoẻ.

Thời gian qua, bánh tráng là một trong những đặc sản của tỉnh ta. Tuy nhiên, tình trạng sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không có thời hạn sử dụng, không qua kiểm tra an toàn thực phẩm… cần được chấn chỉnh để góp phần xây dựng thương hiệu đặc sản của địa phương.

Vũ Nguyệt

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục