BAOTAYNINH.VN trên Google News

Treo cáp viễn thông:

Cần bảo đảm an toàn và mỹ quan 

Cập nhật ngày: 18/03/2024 - 08:13

BTN - Hàng trăm dây treo mắc chằng chịt, tuỳ tiện, chùng rối như mạng nhện, vướng víu cây xanh, trụ điện... Đây là thực trạng đáng lo ngại tại nhiều khu vực thành thị và nông thôn, vì vừa mất mỹ quan, vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho lưới điện, người và phương tiện lưu thông...

Cây xanh, cần đèn đường đã làm ảnh hưởng phần nào đến quá trình thi công chỉnh trang, làm gọn cáp trên cột điện.

Từ năm 2013 đến nay, hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phối hợp với Công ty Điện lực Tây Ninh và các đơn vị sở hữu hạ tầng cáp viễn thông xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện chỉnh trang, làm gọn mạng cáp viễn trên những tuyến đường trung tâm các huyện/thị xã/thành phố. Đến cuối năm 2023, đã thực hiện được trên 148 tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 276 km cáp viễn thông, tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng.

Nhiều nỗ lực

Ông Trần Quốc Hùng- Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 5 đơn vị viễn thông triển khai lắp đặt, treo cáp viễn thông trên trụ điện lực, gồm: Viettel Tây Ninh, Công ty cổ phần Viễn thông FPT Chi nhánh Tây Ninh (FPT Tây Ninh), Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phát (Công ty TPCOMS), Chi nhánh Công ty cổ phần thương mại - quảng cáo truyền hình Tân Việt Sinh - Trung tâm Truyền hình cáp Tây Ninh (Trung tâm Truyền hình cáp - VTV Cab) và Viễn thông Tây Ninh (VNPT Tây Ninh). Ngoài ra, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Đài truyền thanh cấp huyện, xã cũng có hệ thống cáp viễn thông, dây truyền thanh treo trên một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh để phục vụ thông tin liên lạc, thông tin tuyên truyền tại địa phương. Riêng doanh nghiệp VNPT Tây Ninh, do có hệ thống trụ viễn thông riêng, chỉ một số ít tuyến sử dụng chung trụ điện lực và chịu trách nhiệm thực hiện việc chỉnh trang, làm gọn cáp treo trên hệ thống cột của đơn vị mình theo tiến độ của các tuyến đường trong kế hoạch hằng năm đề ra.

Về kinh phí thực hiện chỉnh trang, làm gọn mạng: Công ty Điện lực Tây Ninh chịu chi phí vật tư, các doanh nghiệp viễn thông (DNVT) có treo cáp thông tin trên trụ điện lực như FPT, SCTV, Viettel, VNPT chịu chi phí nhân công được phân chia theo tỷ lệ, tỷ trọng cáp của từng doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Sở TT-TT, các đơn vị, DNVT nghiêm túc chấp hành các quy định, quy chuẩn kỹ thuật đối với việc lắp đặt mạng cáp ngoại vi và tích cực phối hợp thực hiện kế hoạch chỉnh trang, làm gọn, ngầm hoá mạng cáp viễn thông trên các tuyến phố chính, khu vực đô thị, trung tâm các huyện, thị xã, thành phố; góp phần bảo đảm an toàn và mỹ quan đô thị. Công tác chỉnh trang, làm gọn mạng cáp thực hiện bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy phạm của ngành sở hữu cột điện lực, cột viễn thông, bảo đảm an toàn lưới điện và mỹ quan đô thị, góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp của thành phố Tây Ninh và khu vực trung tâm các huyện. Nhiều tuyến đường có mạng dây cáp chằng chịt đến nay đã được chỉnh trang, bó gọn. Các DNVT luôn quan tâm, cử nhân sự phối hợp để giải quyết các vấn đề phát sinh, xử lý và khắc phục kịp thời những phản ánh của người dân.

Để bảo đảm an toàn, người dân xã Phước Đông phải tự thu gọn những dây cáp rơi xuống đường.

Vẫn chưa xử lý triệt để

Mặc dù các DNVT đã có nhiều nỗ lực, nhưng việc chỉnh trang, xử lý dây cáp chưa đáp ứng yêu cầu, gây mất mỹ quan vẫn chưa triệt để. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều địa phương đã kiến nghị cần có biện pháp thu gọn các loại dây cáp hoặc ngầm hoá các loại dây điện, cáp viễn thông để không chỉ bảo đảm mỹ quan mà còn bảo đảm an toàn cho người dân.

Ông Nguyễn Thành Lợi, cử tri ấp Khởi Trung, xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu bức xúc: “Từ đoạn đường 784 vào khu dân cư bên trong, hễ bước ra là thấy dây cáp treo như mạng nhện, có đoạn oằn xuống thấp, nằm trên mái nhà gây ảnh hưởng tới bà con rất nhiều. Chưa kể ở mấy tuyến đường nhánh nội đồng, cáp viễn thông dây cao, dây thấp chằng chéo gây ảnh hưởng tới xe kéo ra vào mỗi khi vận chuyển nông sản. Tôi đề nghị các đơn vị đầu tư cáp viễn thông và Điện lực bố trí gọn lại cho an toàn”.

Theo các cử tri xã Phước Đông, huyên Gò Dầu, đã có một số trường hợp bị tai nạn té xe, va chạm giao thông do phải “né” dây cáp rơi rớt xuống đường, may mắn không có trường hợp bị thương nặng. “Người dân chúng tôi bức xúc lắm! Đã nhiều lần chúng tôi gọi báo nhưng không thấy ai tới kiểm tra”- ông Trần Văn Danh, cử tri ấp Phước Đức B bức xúc.

Ông Nguyễn Duy Khánh- Phó Chủ tịch UBND xã Cầu Khởi cho biết, mặc dù có nhiều tuyến cáp đã được khắc phục ngay khi cử tri kiến nghị, nhưng về lâu dài, với tình trạng đầu tư hạ tầng viễn thông nói chung như hiện nay, sẽ gây ảnh hưởng không ít đến đời sống khu dân cư trên địa bàn. “Uỷ ban nhân dân xã Cầu Khởi đã có báo cáo và có văn bản kiến nghị đến các đơn vị viễn thông đề nghị khắc phục những tồn tại trên để bảo đảm an toàn cho người dân”- ông Khánh nói thêm.

Ông Huỳnh Văn Út- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đông cho hay, năm 2023, xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, cũng như nhiều xã nông thôn mới khác, người dân trong xã vẫn trăn trở câu chuyện dây cáp viễn thông gây mất mỹ quan. “Cử tri xã đã phản ánh nhiều lần tình trạng dây cáp viễn thông treo trên các trụ điện nhưng không bảo đảm mỹ quan và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Chúng tôi kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp viễn thông cần có giải pháp cụ thể, triệt để”- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đông kiến nghị.

Dây cáp viễn thông chùng rối như mạng nhện, vướng víu cây xanh, trụ điện.

Cần giải pháp đồng bộ

Nhìn nhận những hạn chế, ông Trần Quốc Hùng- Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết, trong quá trình triển khai mới hoặc sửa chữa hệ thống cáp viễn thông, một số đơn vị, tổ chức đã treo cáp tuỳ tiện mà không xin phép đơn vị quản lý cột điện, cũng như không có sự giám sát của đơn vị quản lý. Khi chuyển đổi công nghệ từ cáp đồng sang cáp quang, các DNVT đã không thu hồi lượng cáp không còn sử dụng hoặc cáp đã thanh lý hợp đồng. Điều này gây ra tình trạng quá tải của hệ thống bó cáp. Mặt khác, trong quá trình chỉnh trang, làm gọn cáp, có một số vị trí khó thi công do vướng cây xanh, cần đèn đường mà chưa được sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ tốt của cơ quan quản lý tại địa phương.

Ông cho biết thêm, công tác chỉnh trang, làm gọn hoặc ngầm hoá cáp viễn thông vừa tốn rất nhiều chi phí, vừa không mang lại hiệu quả kinh tế nên các doanh nghiệp chưa quan tâm, chủ động mà chỉ phối hợp thực hiện theo kế hoạch do Sở TT-TT hoặc UBND tỉnh ban hành. Nguyên nhân khác, thời gian qua, ngành Giao thông triển khai đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh nhưng phối hợp chưa tốt với ngành TT-TT, Điện lực và các DNVT để bố trí nguồn vốn triển khai chỉnh trang cáp kịp thời, bảo đảm tính đồng bộ cho hệ thống. Ngoài ra, việc nâng nền đường cũng ảnh hưởng đến việc bảo đảm độ cao theo quy định đối với cáp viễn thông.

Để chấn chỉnh, hằng năm, Sở TT-TT phối hợp với Công ty Điện lực Tây Ninh, các địa phương và DNVT xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch chỉnh trang, làm gọn hệ thống cáp viễn thông, từng bước thực hiện ngầm hoá mạng cáp viễn thông. Sở đang nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm các tỉnh, thành để thực hiện việc thu hồi cáp treo không còn sử dụng.

Ông Hùng nhấn mạnh: “Sở TT-TT đã tạo lập “Nhóm xử lý sự cố hạ tầng viễn thông” trên nền tảng Zalo để các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan phối hợp xử lý, khắc phục các phản ánh, sự cố xảy ra. Tất cả các phản ánh gửi đến đều có sự phản hồi, báo cáo bằng hình ảnh. Qua đó, Sở đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện trong thời gian sớm nhất mà không phải thông qua hình thức văn bản gây chậm trễ”.

Sở TT-TT kiến nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện công tác thu hồi cáp cũ, chỉnh trang và ngầm hoá mạng cáp viễn thông nhằm khuyến khích, động viên các DNVT chủ động trong việc thực hiện các kế hoạch chỉnh trang, ngầm hoá. Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty viễn thông cần quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn vốn để các chi nhánh tại địa phương chủ động trong công tác kiểm tra, rà soát, xây dựng và thực hiện kế hoạch chỉnh trang, ngầm hoá mạng cáp ngoại vi của đơn vị.

Tâm Giang