Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cần bảo đảm các biện pháp an toàn PCCC tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hoá chất
Thứ ba: 21:31 ngày 07/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trước khi đưa ra biện pháp chữa cháy phải xác định rõ loại, vị trí, cách sắp xếp, tình trạng, khối lượng hoá chất có tại cơ sở.

Công an kiểm tra công tác PCCC tại cơ sở sản xuất hoá chất.

Việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hoá chất luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, khi xảy ra sự cố hóa chất có khả năng phát triển thành sự cố ở quy mô lớn, tác động trên phạm vi rộng, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dân, kinh tế, tài sản và môi trường xung quanh.

Để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và sự cố hoá chất trong quá trình sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất. Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh khuyến cáo một số biện pháp bảo đảm an toàn.

Trong đó, cần nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ sở trong việc lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PCCC, thực hiện nghiêm những điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy. Mỗi cơ sở kinh doanh hoá chất phải có hồ sơ quản lý về PCCC; xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phương án ứng phó sự cố hoá chất và tổ chức thực tập định kỳ theo quy định.

Đối với yêu cầu sắp xếp hoá chất trong kho, các thiết bị chứa hoá chất phải chứa đúng mức quy định, bảo đảm duy trì đóng kín, chắc chắn, có nhãn hàng hoá ghi đầy đủ các nội dung theo quy định. Sắp xếp thiết bị, chai chứa để thẳng đứng, có nắp bảo vệ van, bảo đảm chắc chắn không để đổ, va chạm với nhau.

Trong phạm vi 10m xung quanh kho chứa chai đã nạp không để các vật liệu dễ cháy. Sắp xếp thùng chứa hoá chất không nên xếp chồng lên nhau cao hơn 3 m. Phuy đựng hoá chất chỉ nên được xếp chồng lên nhau ít hơn 4 lớp theo chiều đứng của thùng, có tấm đỡ hàng (pallet) phân cách giữa các lớp.

Phuy hoá chất phải có giá đỡ cố định hoặc được chèn để tránh bị lăn. Sắp xếp lô hàng chứa hoá chất (bao bì, kiện hàng) không được xếp sát trần kho và không cao quá 2m. Không được để các bao bì đã dùng, các vật liệu dễ cháy ở trong kho. Để cách xa với nguồn nhiệt tối thiểu 0,5m hoặc phải được cách ly bằng vật liệu không cháy. Không được xếp các lô hàng nặng quá tải trọng của nền kho. Lối đi chính trong kho rộng tối thiểu 1,5m.

Lưu ý, thường xuyên kiểm tra các lô hàng, thông gió, thoát ẩm, lớp hoá chất cuối cùng không bị đè hỏng. Vật chứa, bao bì phải bảo đảm kín và chắc chắn. Bao bì khi dùng hết phải bảo quản riêng. Trường hợp sử dụng lại bao bì phải làm sạch, bảo đảm không gây ảnh hưởng đến hoá chất mới hoặc gây nguy hiểm.

Về yêu cầu bảo quản hoá chất, cần tồn chứa lượng thấp nhất vừa đủ cho hoạt động của cơ sở, không được bảo quản chung đối với các hoá chất: các chất có khả năng tạo thành các hỗn hợp nổ; các loại khí duy trì sự cháy oxy, không khí hoá lỏng và nén; các chất có khả năng tự đốt cháy và tự bắt cháy khi tác dụng với nước và không khí; các chất cháy và dễ bắt cháy (lỏng, rắn). 

Các chất có khả năng gây ra cháy như các chất dễ cháy (bông, rơm, sợi gai, than bùn, gỗ, dầu mỡ thực vật…). Hoá chất kỵ nước với hoá chất không kỵ nước. Hoá chất hoà tan trong nước với hóa chất không hoà tan trong nước. Hoá chất có thể phản ứng với nhau. Hoá chất kỵ nước nên được xếp ở gian kho riêng biệt, bảo đảm kín và cách ly với khu vực xung quanh. Trữ lượng bảo quản hoá chất không vượt quá ngưỡng khối lượng tồn chứa tại một thời điểm.

Đối với các hệ thống công nghệ, hệ thống điện, dụng cụ điện, thiết bị điện là loại an toàn cháy, nổ và có cấp phòng nổ tương ứng với môi trường hơi, khí dễ cháy nổ. Không được đặt dây cáp điện trong cùng một đường rãnh ngầm hoặc nổi có ống dẫn hơi khí, chất lỏng dễ cháy, nổ. 

Cầu dao, cầu chì, ổ cắm điện phải đặt ở ngoài khu vực chứa các hoá chất dễ cháy, nổ. Bất kỳ nhánh dây điện nào cũng đều phải có cầu chì hay thiết bị bảo vệ tương đương. Hệ thống điện chiếu sáng phải là loại phòng nổ, phải ngăn ngừa sự xâm nhập của hơi khí, bụi dễ cháy, nổ vào thiết bị chiếu sáng.

Đối với công tác quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt, không sử dụng các thiết bị điện, thiết bị viễn thông, thiết bị đo nồng độ hơi, khí xách tay không phải loại phòng nổ trong khu vực sản xuất, tồn chứa. Thiết bị dụng cụ làm việc đều phải làm bằng vật liệu không phát sinh tia lửa do ma sát hay va đập. 

Không sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt không an toàn trong khu vực sản xuất, tồn chứa. Trường hợp sử dụng ngọn lửa trần trong dây chuyền công nghệ phải thường xuyên kiểm tra độ kín của ống dẫn xem có rò rỉ ra ngoài không. 

Không dùng ngọn lửa trực tiếp soi sáng để tìm chỗ hở các đường ống dẫn, thiết bị chứa các hoá chất dễ cháy, nổ mà phải dùng nước xà phòng hay các chất khác không có khả năng gây cháy, nổ với các hoá chất trong ống dẫn thiết bị.Thường xuyên kiểm tra, theo dõi các lô hàng, hệ thống thông gió, độ ẩm, nhiệt độ của kho hoá chất.

Người đứng đầu cơ sở, cán bộ, công nhân viên làm việc tại các cơ sở hoá chất phải được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và huấn luyện kỹ thuật an toàn về hàng nguy hiểm. Biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện phòng cháy chữa cháy tại chỗ để có thể dập tắt được đám cháy ngay khi mới phát sinh. 

Trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp về chủng loại, số lượng các cơ sở hoá chất, ngoài ra cần phải trang bị phương tiện phòng chống độc phù hợp. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, bảo dưỡng lại các trang bị thiết phương tiện PCCC và có kế hoạch cụ thể phân công đủ lực lượng thường trực bảo vệ 24/24 giờ.

Đối với biện pháp chữa cháy, chất chữa cháy thì sử dụng các bình và thiết bị chữa cháy chuyên dụng, CO2, cát, chăn thấm nước, phun nước làm mát thiết bị chứa đựng (trừ những loại hoá chất tác động với nước gây cháy, nổ) và các thiết bị liền kề. 

Biện pháp chữa cháy thực hiện khẩn cấp các biện pháp ban đầu để dập tắt đám cháy. Cắt nguồn điện liên quan tới đám cháy. Ưu tiên cứu người bị nạn, tìm cách ngăn chặn, cách ly nguồn rò rỉ, di chuyển các thùng chứa hoặc các trang thiết bị khác liền kề nếu có thể. Sử dụng bình chữa cháy, cát, chăn thấm nước để chữa cháy đối với đám cháy nhỏ. Không sử dụng nước để chữa cháy, chỉ sử dụng nước để làm mát thiết bị chứa và các thiết bị liền kề.

Trước khi đưa ra biện pháp chữa cháy phải xác định rõ loại, vị trí, cách sắp xếp, tình trạng, khối lượng hoá chất có tại cơ sở. Tuyệt đối không phun nước khi chưa rõ loại hoá chất trong cơ sở hoặc đối với các loại hoá chất kỵ nước. Khi phát hiện cháy phải nhanh chóng gọi 114 cho lực lượng Cảnh sát PCCC hoặc chính quyền, Công an địa phương.

Phương Thảo

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục