Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cần bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý hiếm
Thứ hai: 11:53 ngày 04/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Tây Ninh là một trong những địa phương được quy hoạch phát triển các cây dược liệu bản địa. Trên địa bàn tỉnh có nhiều loại cây dược liệu quý như hà thủ ô đỏ, gắm đỏ, đinh lăng, trái nhàu đang được một số nông dân, thầy thuốc trồng.

Dây gùi khoảng 140 năm tuổi tại vườn bảo tồn cây dược liệu của gia đình bác sĩ Minh.

Khởi nghiệp với cây dược liệu

Theo quy hoạch tổng của Thủ tướng Chính phủ, Tây Ninh được quy hoạch vùng trồng tập trung các loài dược liệu như gừng, trinh nữ hoàng cung, nghệ vàng, nhàu, rau đắng biển, hoàn ngọc, tràm, xuyên tâm liên, râu mèo và kim tiền thảo với quy mô khoảng 3.000 ha. Trong đó ưu tiên phát triển các loài như tràm, xuyên tâm liên, trinh nữ hoàng cung. Cây đinh lăng đang được trồng khá nhiều trên địa bàn tỉnh.

Anh Trần Hoài Việt, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Thiên Ðường (ấp Gia Lâm, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng) là một trong những doanh nhân chọn khởi nghiệp bằng cây đinh lăng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Việt cho biết, anh khởi nghiệp bằng cây gấc, cho hiệu quả cao. Từ đó, anh Việt bắt đầu gắn bó với cây dược liệu này.

Công ty Thiên Ðường và Hợp tác xã sản xuất dịch vụ và thương mại nông nghiệp Thiên Ðường (HTX Thiên Ðường) đang liên kết với khoảng 1.200 hộ dân trên địa bàn tỉnh trồng đinh lăng, cung cấp cây giống cho nông dân, các hợp tác xã liên kết ngoài tỉnh và thu mua lại sản phẩm để chế biến trà túi lọc, rượu sâm, gối thảo dược, cao…

Bà Võ Thị Thi, xã viên của HTX Thiên Ðường chuyên ươm và cung cấp cây giống cho biết, thời gian ươm của cây đinh lăng khoảng 2,5 tháng là có thể xuất bán, giá trung bình 6.000 đồng/cây. Mỗi năm, bà Thi ươm hơn 100.000 cây, thu được hàng trăm triệu tiền lời.

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 300 ha đinh lăng được nông dân trồng xen canh trong vườn cao su, mãng cầu, chuối, xoài, chanh dây và gấc, cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Bảo tồn cây dược liệu quý

Cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 2km, vườn bảo tồn cây dược liệu của gia đình bác sĩ Trần Công Minh có nhiều cây dược liệu quý, nhiều cây trong danh mục sách đỏ và danh mục cây dược liệu ưu tiên phát triển giai đoạn 2015 - 2020 của Bộ Y tế.

Vườn cây dược liệu này được bác sĩ Minh giao lại cho người cháu là ông Nguyễn Hảo Hiệp (người dân trong vùng còn gọi là ông Năm Xù) trông coi. Ông Năm Xù và y sĩ Ðào Thị Phi Phượng, thành viên của Hội Ðông y huyện Châu Thành, người được bác sĩ Minh tin tưởng giao bảo tồn, khai thác, sử dụng cây dược liệu trong vườn.

Kể về “cái duyên” đến với vườn cây dược liệu, chị Phượng vui vẻ cho biết, trong một lần tình cờ đi qua ấp Thanh Thuận, xã Thanh Ðiền, thấy có một khu rừng nguyên sinh rộng gần 2 ha, cây cối rậm rạp và nhiều cây cổ thụ nên bà ghé vào để tìm kiếm cây thuốc. Bà vô cùng bất ngờ khi thấy khu rừng này còn rất nhiều cây thuốc quý như đỗ trọng nam, gùi, gắm đỏ, bí bái... Trong đó có nhiều cây thuốc cả trăm năm tuổi và những cây thuốc gần như bị tuyệt chủng. Sau đó, bà Phượng quyết tâm tìm bằng được chủ nhân của khu rừng để phối hợp bảo tồn các loại cây thuốc nam.

Tham quan khu vườn gần 2 ha, chúng tôi cẩn thận di chuyển từng bước một để tránh giẫm phải các cây dược liệu quý mọc đầy dưới đất. Ðáng chú ý là ở đây có rất nhiều hà thủ ô đỏ. Theo sách đỏ Việt Nam, đây là loại thảo dược đang ở mức độ nguy cấp bậc R (hiếm). Ông Năm Xù cho biết, vườn bảo tồn này có khoảng 40 loại thảo dược và nhiều loại gỗ quý trên 100 năm tuổi.

Ngoài vườn bảo tồn cây dược liệu trên, tại khuôn viên văn phòng ấp Thanh Hùng, xã Thanh Ðiền (cũng là trụ sở của Hội Ðông y xã Thanh Ðiền), y sĩ Phượng cùng các thành viên trong Hội Ðông y đã sưu tầm, trồng và được trên 40 loại cây thuốc nam để có nguồn dược liệu chữa bệnh cho người dân trong vùng.

Cần nhân giống cây dược liệu quý hiếm

Trên thực tế, trên địa bàn tỉnh đã có những mô hình trồng cây dược liệu như gừng, nghệ vàng, kim tiền thảo… được nông dân thử nghiệm, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đều “chết yểu”. Nguyên nhân là do nông dân chưa nắm vững kỹ thuật trồng, sản phẩm chưa có đầu ra ổn định, do nhỏ lẻ tự phát, các hình thức hợp tác hầu như còn hạn chế.

Trong khi đó, tình trạng khai thác cây dược liệu bừa bãi, thiếu quy hoạch quản lý, bảo tồn khiến nguồn dược liệu quý hiếm cạn kiệt. Do đó, việc bảo tồn, nhân giống các cây dược liệu quý cần được quan tâm đúng mức và làm phong phú hơn nguồn dược liệu chữa bệnh cho người dân. Ðáng mừng là Tây Ninh đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu.\

Vũ Nguyệt

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục