BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần bảo vệ và phát triển thương hiệu mãng cầu Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 29/08/2018 - 06:03

BTN - Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu mãng cầu Tây Ninh; tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức đang sở hữu nhãn hiệu tập thể của trái mãng cầu để duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng hệ thống phân phối...

Nhân công thu hoạch mãng cầu VietGAP. (Ảnh: Hoàng Anh)

Ðể nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, những năm qua, ngành chức năng, các địa phương cùng nông dân đã nỗ lực xây dựng, phát huy nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản của tỉnh.

Hiện nay, một số nông sản của tỉnh có sức cạnh tranh tốt trên thị trường, trong đó có thể kể đến trái mãng cầu ta đã được xuất khẩu đi một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, cây mãng cầu ta vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và người trồng vẫn phải đối đầu với nhiều rủi ro, tổn thất từ yếu tố chủ quan.

Ðưa mãng cầu ra thế giới

Tây Ninh được coi là thủ phủ của trái mãng cầu, ước sản lượng mỗi năm đạt khoảng 67.000 tấn. Mấy năm trước, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý mãng cầu Bà Ðen giúp trái mãng cầu khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Ðồng thời, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đã tạo cơ sở pháp lý giúp các hộ trồng mãng cầu yên tâm hơn trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, để giữ gìn, phát huy thương hiệu mãng cầu Bà Ðen, Sở đã lập dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất một số loại cây ăn trái (mãng cầu ta, nhãn, ổi) tại huyện Dương Minh Châu.

Dự án đã tiếp nhận, chuyển giao được 6 quy trình kỹ thuật và xây dựng 5 mô hình ứng dụng công nghệ vào sản xuất (mô hình sản xuất mãng cầu ta theo tiêu chuẩn VietGAP đạt chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 22,7 ha; mô hình rải vụ trái mãng cầu ta; mô hình tỉa thưa trái mãng cầu ta tăng phẩm chất và giá trị)… 

Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng được quy trình thu hoạch, xử lý, kéo dài thời gian bảo quản trái mãng cầu ta, giúp tăng khả năng thương mại hoá cho cây trồng đặc thù của tỉnh; tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình cho nhiều nông dân.

Ðến nay, ông Huỳnh Biển Chiêu (xã Thạnh Tân) đã ứng dụng thành công việc kéo dài thời gian bảo quản trái mãng cầu và xuất khẩu ra thế giới với giá từ 70.000 - 90.000 đồng/kg. Ông Chiêu cho biết, để bảo quản trái mãng cầu được lâu, khi thu hoạch, người trồng phải tính toán thời gian hái trái sao cho phù hợp với khí hậu ở mỗi quốc gia.

Nơi có khí hậu nóng ẩm thì trái sẽ nhanh chín hơn nơi có khí hậu ôn đới hoặc hàn đới. Ðồng thời, người trồng mãng cầu không được sử dụng thuốc bảo quản, không được làm lạnh trái sau khi thu hoạch vì sẽ gây đen vỏ hoặc làm trái bị sượng.

Trung bình mỗi tháng, ông Chiêu cung cấp khoảng 3 tấn mãng cầu VietGAP cho các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tại thành phố Hồ Chí Minh bán đi các nước như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Canada…

Ông Chiêu còn đưa vào hệ thống siêu thị Co.opMart và một số cửa hàng tự chọn ở các tỉnh, thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… mỗi tuần khoảng 3 đơn hàng với hàng trăm ký mãng cầu “sạch”. So với khoảng 10 năm về trước, hiện nay, trái mãng cầu Tây Ninh đã có thị trường tiêu thụ rộng hơn và có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ.

Ông Huỳnh Biển Chiêu giới thiệu mô hình trồng mãng cầu VietGAP (Ảnh: Vũ Nguyệt)

Còn đó những băn khoăn

Việc xuất bán mãng cầu ra nước ngoài là một trong những nỗ lực lớn và là niềm tự hào của nông dân Tây Ninh. Sản lượng mãng cầu được ông Chiêu liên kết đưa đi xuất khẩu là một trong số ít mãng cầu VietGAP của tỉnh được “ra thế giới”.

Tuy nhiên, trái mãng cầu của tỉnh hầu như chưa bảo đảm các yêu cầu về chất lượng, không đạt các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP và phần lớn sản phẩm không có tem nhãn, logo trên sản phẩm nên thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn ở trong nước với giá bán thấp và phụ thuộc vào thương lái. Ðáng buồn là, có nơi, trái mãng cầu được quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng, giá trị theo hướng phát triển bền vững nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì “chết yểu”.

Cụ thể, gần đây, huyện Dương Minh Châu được chọn thực hiện mô hình sản xuất mãng cầu ta theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 22,7 ha tại xã Suối Ðá. Các cấp ngành, địa phương đã quy hoạch xây dựng vùng sản xuất, thành lập Tổ hợp tác sản xuất mãng cầu Suối Ðá vào cuối năm 2015 và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản cho nông dân… Tổ hợp tác sản xuất mãng cầu Suối Ðá được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí trong 3 năm.

Thế nhưng, đến năm 2018, để dự án được duy trì cần phải có nguồn chi phí tối thiểu vài chục triệu đồng từ “tiền túi” của người trồng mãng cầu. Vậy là, đã có 7/8 nông dân ở Tổ hợp tác sản xuất mãng cầu Suối Ðá xin rút khỏi dự án.

Hiện chỉ còn hộ anh Lê Trung Kiên tiếp tục sản xuất mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 10 ha. Ðây là một “tổn thất” đáng quan tâm trong tiến trình phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao với định hướng phát triển chuỗi giá trị bền vững.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đổ vỡ” của Tổ hợp tác sản xuất mãng cầu Suối Ðá là do công tác tổ chức sản xuất, thúc đẩy thị trường và nâng cao giá trị của sản phẩm chưa có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả còn hạn chế.

Ngoài những đợt quảng bá nông sản tại các hội chợ, Hội xuân Núi Bà Ðen thì hầu như giá trị của sản phẩm này ít được quảng bá, nên người tiêu dùng cho rằng “không khác gì so với trái mãng cầu được sản xuất theo cách thông thường”.

Có khác chăng là ở bộ tem, nhãn được dán trên trái mãng cầu. Trong khi đó, chi phí, quy trình sản xuất trái mãng cầu VietGAP tốn kém và phức tạp hơn rất nhiều so với trồng mãng cầu thông thường. Có thể nói, sản phẩm nông sản VietGAP- không chỉ riêng trái mãng cầu rất cần sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước mới có thể tồn tại và phát triển.

Thiếu sự “bảo bọc” của Nhà nước, nông dân như “trẻ đi lạc” bởi đầu ra sản phẩm chưa ổn định, thiếu kinh phí đầu tư, thiếu người đôn đốc và hỗ trợ trong quá trình sản xuất lẫn tiêu thụ, thiếu hệ thống phân phối với giá thu mua hợp lý.

Theo một số nông dân, để thương hiệu mãng cầu Bà Ðen phát triển bền vững, nâng cao giá trị kinh tế, mang lại lợi ích cho người trồng thì các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu mãng cầu Tây Ninh; tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức đang sở hữu nhãn hiệu tập thể của trái mãng cầu để duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng hệ thống phân phối; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, thương hiệu...

Phân loại, đóng gói mãng cầu VietGAP đưa đi tiêu thụ. (Ảnh: Hoàng Anh)

Khó ngăn “hàng giả, hàng nhái”

Tây Ninh là nơi có diện tích trồng mãng cầu lớn nhất nước (hiện khoảng trên 5.000 ha). Mãng cầu Tây Ninh trái đẹp, chất lượng, năng suất cao nhưng chưa được biết đến nhiều do chưa phát triển được thương hiệu.

Những năm gần đây, sau quá trình điều tra, khảo sát, đánh giá, lấy ý kiến rộng rãi, Sở Khoa học và Công nghệ đã nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý Bà Ðen cho sản phẩm trái mãng cầu Tây Ninh; và được Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 2211/QÐ-SHTT ngày 10.11.2010 về việc chấp nhận đơn hợp lệ cho sản phẩm mãng cầu Bà Ðen.

Ðến ngày 27.5.2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã thẩm định đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý Bà Ðen cho sản phẩm mãng cầu của Tây Ninh. Ngày 10.8.2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã ký Quyết định số 1804/QÐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00027 cho sản phẩm mãng cầu Bà Ðen. Ðây là điều kiện và cơ hội quan trọng để Tây Ninh xây dựng và phát triển thương hiệu trái mãng cầu, làm giàu cho nông dân.

 Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều năm, “số phận” cây mãng cầu vẫn còn lận đận, phụ thuộc nhiều vào yếu tố may rủi của thị trường và dịch hại. Trong khi kênh tiêu thụ chính vẫn là qua thương lái địa phương thu mua đem bán cho các chợ đầu mối với hai phương thức: mua vườn cây khi trái còn non hoặc mua sản phẩm đem bán rồi mới trả tiền cho nông dân với giá do thương lái quyết định.

Cuối tháng 8.2012, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Ðông Nam bộ đã trao giấy chứng nhận “Mô hình sản xuất mãng cầu ta theo tiêu chuẩn VietGAP” cho hộ ông Huỳnh Biển Chiêu với diện tích ban đầu khoảng 5 ha, toạ lạc ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu. Ðây là mô hình trồng mãng cầu ta đầu tiên ở Việt Nam được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Từ khi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, được sử dụng nhãn hiệu tập thể (có thể xem là thương hiệu) mãng cầu Bà Ðen, trái mãng cầu ở vườn nhà ông Chiêu dễ dàng tiêu thụ trên thị trường. Thế nhưng, theo ông Chiêu, cũng từ đó, thị trường mãng cầu ta trở nên biến tướng với đủ trò gian lận. Mãng cầu Bà Ðen, mãng cầu VietGAP Tây Ninh bị giả hiệu tràn lan mà người trồng chưa có biện pháp nào để tự bảo vệ hiệu quả dù cố hết sức phòng tránh.

Ban đầu, gian thương làm giả tem, logo dán lên trái mãng cầu như “hàng chính hãng” để lừa người tiêu dùng. Sau đó, gian thương làm giả bao bì (thùng carton đựng mãng cầu) giống hệt hàng thật. Ông Chiêu và các cộng sự phải nhiều lần vất vả thiết kế đi thiết kế lại mẫu bao bì nhưng vẫn bị photocopy giống hệt.

Ông Chiêu lại phải liên tục thay đổi mẫu mã, quy cách, đặc điểm tem, bao bì cho sản phẩm trái mãng cầu, nhưng theo ông, người trồng mãng cầu hiện nay đang trong cuộc rượt đuổi không mệt mỏi giữa cái “sạch” và “không sạch”.

Tình trạng trên cũng đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng, khiến cho sản phẩm mãng cầu sạch, mãng cầu Bà Ðen gặp trở ngại trong quá trình phát triển thị trường; gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín, thương hiệu của sản phẩm mãng cầu Bà Ðen, mãng cầu VietGAP Tây Ninh.

 HOÀNG THI - VŨ NGUYỆT