Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Nếu quan sát, không khó để nhận thấy kịch bản khai giảng năm học tại các trường từ mầm non cho đến giáo dục chuyên nghiệp, đại học na ná như nhau, nghĩa là nặng tính hình thức, phô trương. Khai giảng năm học là ngày của học sinh, dành cho học sinh nhưng nhà trường lại biến thành ngày của người lớn.

Một hình ảnh trong ngày khai giảng (ảnh minh hoạ).
“Từ nhiều năm nay tôi đã đi dự khai giảng nhưng có một điều tôi thấy, ngày giờ khai giảng của các trường lại phải phụ thuộc vào thời gian của các lãnh đạo cấp trên. Bất kể thời tiết nắng hay mưa, học sinh, nhất là các cháu tiểu học phải tập dượt để chuẩn bị khai giảng.
Tôi đến dự khai giảng và nhà trường yêu cầu phát biểu nhưng phần lớn các cháu có để ý tôi phát biểu gì đâu. Đề nghị chúng ta phải làm hết sức vì học sinh, nhất định không để các cháu nhỏ phải đứng xếp hàng dưới nắng...” - đoạn văn vừa nêu là của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi tổng kết năm học do Bộ GD-ĐT tổ chức cách nay chỉ ít ngày.
Phát biểu của Phó Thủ tướng lập tức trở thành đề tài bàn luận sôi nổi trên báo chí trong mấy ngày qua. Xét về nội dung, ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng hoàn toàn đúng (vì thế dư luận, báo giới mới bày tỏ sự đồng tình cao với chỉ đạo của ông), thế nhưng nói rằng đó là một điều mới mẻ thì không hẳn.
Trong số những lãnh đạo cấp cao đề nghị thay đổi hình thức, nội dung ngày khai giảng năm học, ngoài Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lúc còn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kiêm Phó Thủ tướng - ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đã từng yêu cầu: ngày khai giảng năm học phải có cả phần lễ và phần hội.
Nếu quan sát, không khó để nhận thấy kịch bản khai giảng năm học tại các trường từ mầm non cho đến giáo dục chuyên nghiệp, đại học na ná như nhau, nghĩa là nặng tính hình thức, phô trương. Khai giảng năm học là ngày của học sinh, dành cho học sinh nhưng nhà trường lại biến thành ngày của người lớn.
Đọc thư của Chủ tịch nước là phần đương nhiên, vì truyền thống này có từ lâu, khi Bác Hồ gửi thư cho các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của chế độ mới sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Những nội dung khác, nếu có chỉ nên làm ngắn gọn, phần thời gian còn lại thì dành cho học sinh.
Tiếc là, hầu như trường nào cũng tranh thủ ngày khai giảng để báo cáo thành tích của đơn vị, cá nhân: trường có bao nhiêu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, thi tốt nghiệp đậu bao nhiêu, tỷ lệ học sinh khá giỏi... Tiếp đó là những bài phát biểu khô khan, công thức, sáo mòn của lãnh đạo các cấp ở địa phương được chấp bút bởi các “thợ viết”.
Phát biểu chỉ đạo ở trường tiểu học, thậm chí trường mầm non mà cứ chỉ thị này, nghị quyết nọ - làm sao các cháu hiểu? Không thể trách học sinh khi có em vô tư ngủ, ngáp trong giờ khai giảng, bởi nó chẳng có gì hấp dẫn. Có trường còn nhân dịp lễ khai giảng mời cả một vài nhà tài trợ, mạnh thường quân lên phát biểu… bày tỏ cảm xúc.
Những ai đã từng học phổ thông, sẽ được học một trong hai tác phẩm văn học viết rất hay về ngày khai giảng (dù chủ đề chính của tác phẩm không phải để nói về lễ khai giảng), đó là bài văn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh (lớp 8) và bài “Cổng trường mở ra” của Lý Lan (lớp 7).
Trong tác phẩm “Cổng trường mở ra” có đoạn: “Mẹ nghe nói ở Nhật, ngày khai trường là ngày lễ của toàn xã hội. Người lớn nghỉ việc để đưa trẻ con đến trường, đường phố được dọn quang đãng và trang trí vui tươi… Các quan chức không chỉ ngồi trên hàng ghế danh dự mà nhân dịp này còn xem xét ngôi trường, gặp gỡ ban giám hiệu, thầy cô giáo và phụ huynh học sinh để điều chỉnh kịp thời những chính sách về giáo dục”.
Còn trong tác phẩm “Tôi đi học” có đoạn viết về nhân vật ông đốc: “Thế là các em được vào lớp 5 (lớp 1 hiện nay - PV). Các em phải gắng học để thầy mẹ được vui lòng và để thầy dạy các em được sung sướng. Các em đã nghe chưa. (Các em đều nghe nhưng không em nào dám trả lời. Cũng may có một tiếng dạ ran của phụ huynh đáp lại)”. Mong rằng, lễ khai giảng năm nay, tất cả sẽ diễn ra một cách giản dị và gần gũi.
Những hình ảnh không cần thiết phải có trong ngày khai giảng năm học đã tồn tại hàng chục năm nay. Đa số người trong ngành giáo dục đều biết nhưng rất ít người lên tiếng phê phán.
LÃO HỦ