Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cán bộ, chiến sĩ người dân tộc Khmer quyết tâm bảo vệ biên giới bình yên 

Cập nhật ngày: 16/05/2023 - 07:58

BTNO - Ở trong chốt, anh em động viên, bảo ban, giúp đỡ cùng nhau bảo vệ thật tốt cho bà con mình, giúp gia đình mình, giữ cho đường biên luôn ổn định, cho nhân dân yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống.

 Chốt dân quân thường trực Bố Lớn (xã Hoà Hội, huyện Châu Thành) tuyên truyền cho đồng bào dân tộc Khmer về nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc.

Từ con đường biên giới xã Hoà Hội, huyện Châu Thành giáp với xã Thna Thnong, huyện Romdoul, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia, rẽ vào gần 3km là đến Chốt dân quân thường trực Bố Lớn, thuộc Ban CHQS xã Hoà Hội. Trên mảnh đất biên cương này, màu xanh đã phủ kín bởi những rẫy mía, mì và những vườn cao su xanh tốt.

Dân cư ở đây phần đông là bà con dân tộc Khmer đã sinh sống rất lâu đời. Bà con sống rất đoàn kết và thương yêu nhau như một gia đình lớn, chia ngọt sẻ bùi cùng nhau. Mặc dù đời sống còn không ít khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ Chốt dân quân Bố Lớn được bà con rất thương mến, xem như người con, người cháu trong gia đình.

Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Hoà Hội Kim Hoàng Kha cho biết: “Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy xanh, sạch, đẹp, bảo đảm tốt công tác đời sống hậu cần, cán bộ, chiến sĩ còn phối hợp với Đồn Biên phòng Phước Tân tuần tra, canh gác, tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để cùng cảnh giác, ý thức hơn trong việc bảo vệ biên giới. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới trên địa bàn được giữ vững, không xảy ra tình trạng xâm canh, xâm cư”.

Khuôn viên doanh trại được thiết kế liên hoàn, khép kín, thuận lợi cho bộ đội sinh hoạt, công tác. Chốt được biên chế đủ quân số, là 1 trong 29 chốt trên tuyến biên giới có 240km đường biên của tỉnh Tây Ninh có tỷ lệ dân quân thường trực là người dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ cao. Tất cả cán bộ, chiến sĩ trong chốt đều có vợ, con, kinh tế gia đình tương đối ổn định.

Đặc biệt, trong chốt có 2 anh em ruột người dân tộc Khmer là Keo Rinh và Keo Ran. Cha mẹ mất sớm, nhưng hai anh em sớm có ý thức tự lập cuộc sống. Người anh là đảng viên, chốt trưởng, từng là lính biên phòng, công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát.

Được hỏi tại sao khi xuất ngũ, Keo Ran lại tình nguyện vào công tác tại chốt dân quân? Anh nói: “Thấy đứa em mình làm trong này vui lắm, đoàn kết, thương yêu nhau, nên xin vào tham gia lực lượng dân quân của xã Hoà Hội.

Ở trong chốt, anh em động viên, bảo ban, giúp đỡ cùng nhau bảo vệ thật tốt cho bà con mình, giúp gia đình mình, giữ cho đường biên luôn ổn định, cho nhân dân yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống”. Từ đó đã góp phần thắt chặt hơn tình đoàn kết quân - dân.

Bà Keo On- người có uy tín của đồng bào Khmer, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Bố Lớn, tổ trưởng tổ tự quản số 4, ấp Bố Lớn, xã Hoà Hội, chia sẻ: “Bộ đội của dân làm được nhiều việc cho đồng bào dân tộc, chúng tôi cảm ơn nhiều”.

Cán bộ, chiến sĩ dân quân chốt Bố Lớn triển khai nhiệm vụ tuần tra biên giới.

Bà Keo On vừa nói vừa lấy ra các bằng khen, giấy khen được các cấp khen thưởng cho chúng tôi xem và nói thêm: “Những việc làm hữu ích của Bộ đội Cụ Hồ thật là thắm tình quân dân cá nước trên tuyến biên giới. Đó là bức tường thành vững chắc không kẻ thù nào phá nổi”.

Chốt dân quân thường trực Bố Lớn cách biên giới không xa lắm. Các anh luôn phải đối mặt với tình hình an ninh chính trị có thời điểm phức tạp. Trong thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ trong chốt đã mưu trí, dũng cảm truy bắt nhiều tên cướp. Trên đường đi tuần tra canh gác biên giới vào ban đêm, lực lượng dân quân còn bắt được kẻ gian là người Campuchia bắt trộm trâu bò của bà con ấp Bố Lớn…

Với những thành tích xuất sắc đạt được của các anh, Chốt dân quân thường trực Bố Lớn vinh dự thay mặt cho cán bộ, chiến sĩ dân quân thường trực tỉnh Tây Ninh báo cáo thành tích tại Hà Nội.

Huy Thường