Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cán bộ đoàn sáng tạo hệ thống xử lý rác thải hữu cơ từ ruồi lính đen
Thứ hai: 18:05 ngày 01/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trăn trở tìm mô hình xử lý rác trong gia đình hiệu quả, thân thiện với môi trường, người cán bộ đoàn Lại Thị Thơm (Huyện đoàn Dương Minh Châu) đã mày mò tìm tòi, học hỏi và sáng tạo thành công Hệ thống xử lý rác thải hữu cơ từ ruồi lính đen.

Cận cảnh ấu trùng ruồi lính đen xử lý rác hữu cơ

Chị Thơm chia sẻ: “Hàng ngày, một lượng không nhỏ rác thải hữu cơ và các loại thực phẩm dư thừa được thải ra từ các hộ gia đình, hàng quán, nếu xử lý không tốt chúng sẽ bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường xung quanh. Hiện nay, trên thị trường cũng đang có rất nhiều sản phẩm góp phần xử lý rác, nhưng đều có những hạn chế nhất định như giá thành sản phẩm cao, quá trình xử lý rác chậm, tạo ra mùi khó chịu hoặc khó sử dụng”.

Một trong những phương pháp xử lý rác thải hữu cơ triệt để là dùng ấu trùng ruồi lính đen, hiện nhiều nơi đã áp dụng và mang nhiều lợi ích về môi trường và kinh tế.

“Đối với các hộ chăn nuôi hoặc kinh doanh từ mô hình ruồi lính đen, họ sẽ nuôi số lượng lớn trong nhà màng, theo từng ô và khá tốn công trong việc dọn dẹp, phân loại ấu trùng theo từng giai đoạn. Vì vậy mình đã thiết kế một hệ thống nhỏ gọn, khép kín, phù hợp hơn khi sử dụng trong gia đình. Ưu điểm của hệ thống là tích hợp được khả năng xử lý rác của ấu trùng ruồi lính đen, bảo đảm quá trình phát triển các giai đoạn của ruồi”- Thơm nói.

Bạn Lại Thị Thơm với Hệ thống xử lý rác thải hữu cơ từ ruồi lính đen

Theo đó, hệ thống xử lý rác thải hữu cơ từ ruồi lính đen của cô bạn cán bộ đoàn này tận dụng thùng nhựa tái chế lớn khoảng 60 lít. Một hệ thống như thế này có thể sử dụng xử lý rác hữu cơ trong gia đình có từ 5-7 người. Phần trên của thùng có nắp đậy để đổ rác hữu cơ, bên trong chia làm 2 khu vực: lưới đón nắng là nơi ruồi lính đen trưởng thành, đẻ trứng và khu vực ấu trùng phát triển thành nhộng đen và kén. Ngoài ra, thùng còn có một nắp nhỏ để lấy phân và ấu trùng ruồi lính đen.

Bên trong hệ thống xử lý rác này, ấu trùng trắng sau khi tiêu thụ rác hữu cơ thì dần phát triển thành nhộng đen. Chúng sẽ tìm đến khoảng không khô ráo để tạo kén và tiến hoá thành ruồi. Ruồi đẻ trứng trên những nhánh cây giả được bố trí bên trong. Khi trứng nở thành ấu trùng, chúng sẽ nhanh chóng tìm thức ăn đang phân huỷ gần đó. Cứ thế, ruồi lính đen sinh sản và tiến hoá trong khu vực hoàn toàn khép kín.

Ấu trùng ruồi có khả năng xử lý rác triệt để, tuỳ vào kích thước ấu trùng ruồi càng lớn, hay chất lượng rác hữu cơ mà tốc độ xử lý rác càng nhanh. Trung bình 1kg ấu trùng ruồi lính đen sẽ tiêu thụ 3kg thức ăn thừa/ngày. Quá trình xử lý rác hữu cơ từ ruồi lính đen không tạo ra mùi khó chịu.

“Trong khoảng 4 ngày là trứng ruồi đen tiếp tục nở thành ấu trùng và rơi xuống. Do trứng nở nhiều đợt nên quá trình phân huỷ rác thải hữu cơ và quá trình hình thành ấu trùng ruồi được diễn ra song song. Khi thấy màu sắc rác hữu cơ chuyển sang màu nâu đất, đây là hiện tượng lượng phân thải ra của ấu trùng đã nhiều, vì vậy, tôi có thiết kế một cánh cửa nhỏ phía dưới để thuận tiện lấy đất, hoặc ấu trùng ra”- chị Thơm chia sẻ.

Thơm giới thiệu Hệ thống xử lý rác thải hữu cơ từ ruồi lính đen cho đoàn viên, thanh niên

Ruồi lính đen có vòng đời ngắn, khoảng 45 ngày. Thức ăn của loài ruồi này rất đa dạng, từ những loại thực phẩm thừa trong gia đình cho đến cám, bã đậu hay xác động vật, chúng cũng dễ dàng tiêu thụ, giúp phân huỷ nhanh chóng. Vì vậy, ấu trùng ruồi lính đen giúp xử lý rác hữu cơ triệt để, không gây mùi hôi. 

Từng là cựu sinh viên chuyên ngành Công nghệ sinh học tại trường Đại học Đà Lạt, Thơm dành nhiều thời gian tìm hiểu về giống ruồi lính đen này. Bạn nhận xét, so với nuôi trùn quế xử lý rác hữu cơ, nuôi ruồi lính đen có tốc độ xử lý rác nhanh hơn gấp 3 lần và không kén thức ăn. Đặc điểm nổi trội của ruồi lính đen là không gây hại môi trường. Ruồi trưởng thành chỉ sống trong vòng 5-8 ngày, thời điểm này chùng không ăn gì, chỉ uống nước và đẻ trứng. Ruồi lính đen không bám vào thức ăn của con người để lây truyền mầm bệnh. Đồng thời, giống ruồi này không có vòi nên không gây hại cho các loại hoa quả.

Bên cạnh đó, ruồi lính đen còn mang lại nhiều giá trị về kinh tế, trứng của ruồi lính đen có giá bán trên thị trường khá cao, có khi lên đến 20 triệu đồng/kg. Việc nuôi ruồi lính đen lại không tốn nhiều công sức, có thể kết hợp với các mô hình chăn nuôi khác, nhất là phân của chúng bảo đảm đủ tiêu chuẩn phân vi sinh, rất tốt cho cây trồng. Ấu trùng của ruồi lính đen có hàm lượng dinh dưỡng cao, là nguồn thức ăn bổ dưỡng đối với nhiều loài vật nuôi như gia cầm, thuỷ hải sản...

Được biết, dự án “Hệ thống xử lý rác thải hữu cơ từ ruồi lính đen” của Lại Thị Thơm lọt vào vòng bán kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo nông thôn” năm 2020 do Trung ương Đoàn tổ chức. Tại địa phương, dự án cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ đoàn viên, thanh niên tìm đến tham quan, học hỏi.

Hoà Khang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục