Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Cán bộ không chuyên trách ở xã: Còn lắm thiệt thòi
Thứ sáu: 02:19 ngày 25/11/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đây là những người đóng góp không ít vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ hiện vẫn sống rất khó khăn vì mức thu nhập quá thấp.

Theo thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Tây Ninh, lực lượng cán bộ không chuyên trách trong toàn tỉnh có hơn 6.300 người. Đây là những người đã đóng góp không ít vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ hiện vẫn sống rất khó khăn vì mức thu nhập quá thấp.

Không đủ sống, lấy đâu tích luỹ!

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Diễm Châu ở xã Long Phước, huyện Bến Cầu. Căn nhà bằng thiếc đơn sơ là mái ấm của đôi vợ chồng trẻ mới ra riêng hơn một năm nay. Vợ chồng chị Diễm Châu đều là cán bộ không chuyên trách ở xã. Anh Trần Hồng Ngân, chồng chị Châu là cán bộ Trung tâm Văn hoá-Thể thao-Học tập cộng đồng, còn chị là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc. Mức trợ cấp của cả hai vợ chồng cộng lại chỉ hơn 2,7 triệu đồng/tháng.

Với số tiền ít ỏi như vậy tất nhiên không thể trang trải nổi cuộc sống của 3 con người- hai vợ chồng và đứa con gái vừa tròn 3 tuổi chuẩn bị đến trường. Anh Ngân cho biết: “Ngày nào cũng vậy, cứ 4 giờ rưỡi sáng là vợ em thức dậy chuẩn bị đi lấy bánh mì bán dạo trong xóm. Đến hơn 6 giờ sáng mới về nhà chuẩn bị đi làm. Em ở nhà lo cho mấy con gà, con vịt và đưa con gái đi gửi nhà bà nội”. Chị Châu góp lời: “Tụi em cũng muốn ráng làm để có dư chút đỉnh nhưng mà tiền trợ cấp công việc thấp quá nên cuộc sống khó khăn lắm, lấy đâu ra dư dả. Đôi khi em cũng muốn nghỉ việc ở xã để tìm việc làm khác, nhưng nghĩ lại mình là đảng viên nên phải ráng. Em mong sao Nhà nước có chế độ khá hơn cho cán bộ không chuyên trách để tụi em an tâm công tác”.

Ông Nguyễn Quang Nghĩa với công việc hằng ngày

Điều mong mỏi của vợ chồng Ngân- Châu cũng là khát vọng của chị Nguyễn Thị Kim Luôn, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng. Chị Luôn làm tổ trưởng phụ nữ ấp năm 1996. 3 năm sau, chị chuyển sang làm cán bộ dân số của xã rồi đảm nhiệm vị trí hiện tại đã hơn 1 năm. Khoản trợ cấp hằng tháng của chị là hơn 1,2 triệu đồng.

 Vợ chồng chị Luôn đang ở cùng với mẹ trong căn nhà tình nghĩa khá khang trang nhưng cuộc sống còn rất chật vật. Chồng chị làm thợ hồ bữa có, bữa không. Chị Luôn phải chăn nuôi thêm gà, vịt để có tiền nuôi hai đứa con ăn học. Hiện con trai lớn của chị đang học lớp 12, đứa nhỏ mới học lớp 4. Những tấm giấy khen của hai đứa con chị được treo ngay ngắn trên tường. Chị nhìn tôi, nói có một chút hãnh diện: “Nhà em còn khó khăn lắm, nhưng được cái hai đứa con em đều học khá, nên em ráng hết sức để tụi nó được học hành cho có tương lai như người ta”.

Không còn trẻ như anh Ngân, chị Châu, chị Luôn, người có thâm niên công tác như ông Nguyễn Quang Nghĩa, trưởng ban Mặt trận ấp Trường Cửu, xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành có cuộc sống chẳng khá hơn gì.

Ông Nghĩa gắn bó với công tác Mặt trận từ năm 1997 cho đến nay. Ông còn kiêm nhiệm vai trò tổ trưởng tổ tự quản, chi hội trưởng chi hội Người cao tuổi của ấp. Kinh tế gia đình ông chủ yếu trông cậy vào mấy công ruộng. Căn nhà thiếc đã mấy mươi năm tuổi rồi mà ông vẫn chưa có điều kiện để làm lại. Cuộc sống mỗi ngày một khó khăn hơn, khi các con ông mỗi ngày một lớn. Tiền học, tiền trường trăm thứ trăm tốn nên ông đành phải… cắt đất bán dần để lo cho các con ăn học. Các con vào đại học thì ba, bốn công đất ruộng cũng ra đi.

Cuộc sống tuy khó khăn như vậy nhưng ông Nghĩa vẫn cố gắng làm tốt công việc được giao. Ông nói: “Ở địa phương làm việc lâu năm ai cũng biết, nên mỗi khi đi vận động xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương hoặc trợ giúp các gia đình khó khăn cũng gặp thuận lợi. Bà con người ta tin tưởng mình nên làm việc cũng thấy vui. Vả lại tôi nghĩ mình mang đến niềm vui cho người khác là hạnh phúc rồi”. Ông nhìn tôi cười, rồi nói tiếp vẻ trầm ngâm: “Nói thì nói vậy nhưng đôi lúc cũng thấy buồn vì mức trợ cấp ít quá. Như tôi một tháng chỉ có 730.000 đồng, chỉ đủ tiền xăng chạy tới chạy lui, có đâu đến lo cái ăn cái mặc. Vì vậy tôi mong sao Nhà nước có chế độ đãi ngộ mới phù hợp hơn”.

Thu nhập thấp, điều kiện kinh tế chật vật, không phải ai cũng đủ sức trụ lại với công việc của người cán bộ không chuyên trách như ông Nghĩa. Chẳng hạn như ông Trần Văn Dạnh, ngụ ấp Trường Thiện, xã Trường Hoà (Hoà Thành). Ông Dạnh trước là trưởng công an ấp, sau chuyển sang làm phó chủ tịch Mặt trận. Cuộc sống gia đình ông hầu như chỉ nhờ vào cái quán tạp hoá nhỏ của vợ ông trước nhà. Nhưng con cái mỗi ngày một lớn, thu nhập ít mà chi phí nhiều, chịu không thấu, ông Dạnh đành xin thôi việc để có thời gian phụ vợ lo cho gia đình và chăm sóc mẹ già đang đau ốm. Hiện ông đang hành nghề chạy xe ôm.

Không chỉ có ông Dạnh, mà theo ghi nhận của phóng viên, tại một số xã, số cán bộ không chuyên trách xin nghỉ việc khá nhiều. 

Nhiều bất cập

Nghị định 92 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2010, quy định: cán bộ không chuyên trách được hưởng mức phụ cấp không quá 1 so với hệ số lương tối thiểu. Tức là mức trợ cấp họ được hưởng không quá 830.000 đồng một tháng. Điều 15 của nghị định này cũng quy định, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Để thực hiện Nghị định 92 của Chính phủ, UBND tỉnh Tây Ninh đã ra Quyết định số 37 ngày 5.8.2010 quy định chức danh, số lượng và một số chế độ chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn và có mức hỗ trợ thêm cho cán bộ không chuyên trách cấp xã cao nhất 511.000 đồng một tháng, ở ấp, khu phố là 219.000 đồng một tháng.

 Như vậy, hiện nay mức phụ cấp của những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn cao nhất là 1.341.000đ và thấp nhất là dưới 800.000đ/tháng.

Chị Thi Thị Bé Loan, cán bộ văn phòng Đảng Uỷ xã Phước Chỉ bày tỏ nguyện vọng: “Nhà nước nên có mức trợ cấp khá hơn, vì nếu cán bộ làm việc mà cứ phải chạy chân trong chân ngoài thì công việc khó mà hoàn thành tốt, cũng khó mà an tâm công tác”.

Cùng chung mối băn khoăn về chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, ông Trang Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Long Phước (Bến Cầu) cho biết: “UBND xã quan tâm kết nạp vào tổ chức Đoàn, Đảng những cán bộ không chuyên trách năng nổ, nhiệt tình, động viên họ làm tốt nhiệm vụ của mình. Bởi ít ra họ cũng được hưởng quyền lợi chính trị”. Tuy nhiên, đó không phải cách tốt nhất để giữ chân người làm việc khi mà khoản thù lao công sức dành cho họ quá thấp. Vì vậy trong những năm qua, chỉ riêng ở xã Long Phước (Bến Cầu) đã có gần 10 cán bộ không chuyên trách nghỉ việc. Theo lời ông Kiên, có nguy cơ tình hình sẽ không dừng lại ở con số đó.

Chị Kim Luôn nuôi gà để kiếm thêm thu nhập

Nỗi lo của ông Chủ tịch xã Long Phước, có lẽ cũng là nỗi lo chung của lãnh đạo các xã khác. Bởi nếu không có sự tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ không chuyên trách, các mặt công tác ở địa phương sao có thể hoàn thành tốt? Ông Nguyễn Hoàng Đức, Bí thư xã Trường Hoà (Hoà Thành) khẳng định: “Vai trò của cán bộ không chuyên trách rất quan trọng. Họ như cánh tay phải của chính quyền địa phương, nếu không có họ, địa phương cũng khó hoàn thành nhiệm vụ”.

Cán bộ không chuyên trách luôn song hành cùng đội ngũ chuyên trách ở cấp xã trong việc làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giúp ổn định chính trị, giữ gìn an ninh, trật tự và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn dân cư. Họ chính là lực lượng tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến dân nhanh chóng và hiệu quả nhất. Điều đáng nói là tuy cả hai lực lượng cán bộ chuyên trách và không chuyên trách đều được cấp trên ra quyết định công nhận chức danh, nhiệm vụ rõ ràng nhưng chế độ chính sách thì lại có sự cách biệt khá xa.

Mức lương của cán bộ chuyên trách được tính theo hệ số lương, tuỳ theo bậc 1 hoặc bậc 2. Mức lương thấp nhất với cán bộ chuyên trách là chủ tịch Hội Phụ nữ hay chủ tịch Hội Cựu chiến binh được tính bằng 1,75, đồng thời chủ tịch còn được hưởng một số chế độ phụ cấp khác và được tham gia bảo hiểm xã hội. Còn Phó chủ tịch chỉ được xếp vào loại cán bộ không chuyên trách, không được hưởng lương, chỉ được hưởng chế độ phụ cấp, hoàn toàn không được hưởng phụ cấp chức vụ và các chế độ khác, kể cả bảo hiểm xã hội.

Ở cấp xã đã vậy, ở ấp khoản trợ cấp còn khiêm tốn hơn nhiều. Cô Trần Thị Thuỷ Thọ, trưởng khu phố 3, phường 2  (Thị xã) cho biết: “Tôi lãnh chưa đến 1 triệu đồng/tháng. Vì thấy bà con ở địa phương yêu mến nên tôi cố gắng làm, coi như làm công tác xã hội vậy thôi. Giúp được mọi người tôi cũng cảm thấy vui”.

Để kết lại bài báo này, xin nêu lên đây ý kiến của ông Bí thư xã Trường Hoà Nguyễn Hoàng Đức như một sự đồng cảm, chia sẻ: “Đã là cán bộ ở xã thì không nên phân biệt cán bộ chuyên trách hay không chuyên trách, mà nên cho họ hưởng lương theo bằng cấp. Và họ cũng phải có quyền tham gia bảo hiểm xã hội. Đây là quyền lợi chính đáng mà họ phải được hưởng, có như vậy mới mong họ gắn bó và hết lòng với công việc”.

HuỆ Trí

 

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục