BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cán bộ Trạm Y tế xã Tân Lập, huyện Tân Biên: Hết lòng vì sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân 

Cập nhật ngày: 27/08/2022 - 00:36

BTN - Từ một người không chịu nổi cảnh xa nhà, thế mà có thời điểm nữ cán bộ Trạm Y tế xã Tân Lập (huyện Tân Biên) nửa năm dài không gặp cha mẹ, vì phải ở lại trạm y tế cùng với người dân vượt qua đại dịch Covid- 19.

Chị Lê Thị Tú Trinh khám bệnh cho người dân xã Tân Lập.

Đã quá giờ nghỉ trưa, nhưng chị Lê Thị Tú Trinh chưa nghĩ tới chuyện cơm nước. Chị vẫn ngồi bên bàn trực, ghi chép hoạt động của trạm vào quyển sổ. Một nữ bệnh nhân bị đau bụng đến khám. Chị Trinh lập tức hướng dẫn bệnh nhân vào phòng khám, rồi thăm khám, đo huyết áp, hỏi han tình trạng sức khoẻ, chế độ ăn, uống, nghỉ ngơi, công việc hằng ngày. Sau khi chẩn đoán được nguyên nhân gây đau bụng và nhận thấy sức khoẻ bệnh nhân đã ổn, chị Trinh cho về nhà uống thuốc, kèm theo một số lời khuyên về việc giữ gìn sức khoẻ.

Nói về chuyện đến với nghề y và những trải nghiệm đáng nhớ, nữ cán bộ y tế này chia sẻ, nhà chị ở xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành. Chị là con gái lớn trong gia đình có 2 chị em. Từ trước đến nay, trong gia đình không có ai công tác trong ngành y. Từ khi còn nhỏ đến lúc học xong cấp 3, chị chưa từng đi xa nhà và không chịu nổi cảnh nhớ nhà.

“Vì vậy em chọn thi vào học ngành y sĩ đa khoa của Trường trung cấp Y tế Tây Ninh để hằng ngày được về thăm cha mẹ. Trường trung cấp Y tế tỉnh cách nhà em khoảng 10km, trong khi hầu hết các bạn đều ở nội trú để thuận tiện cho việc học hành thì ngày nào học xong em cũng về nhà với mẹ”- Trinh bẽn lẽn kể.

“Xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng và cần thiết trong tu dưỡng, rèn luyện. Vì thế em luôn gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau trong công tác. Theo gương Bác, em luôn làm việc hết mình, thực hiện đúng y đức và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”- Trinh khẳng định.

Biết tình hình chung ở các xã biên giới thiếu hụt nhân sự, Trinh đã có ý định sau khi tốt nghiệp sẽ tình nguyện đi xa nhà để cống hiến sức trẻ, góp phần xây dựng quê hương. Tháng 6.2016, khi cầm tấm bằng tốt nghiệp trung cấp y tế trong tay, nữ y sĩ này mạnh dạn đăng ký về công tác ở Trạm Y tế xã Tân Lập.

“Lúc đó em chưa biết Tân Lập ở đâu”- Trinh nói. Những năm đầu đến đây công tác, cuối tuần Trinh đều chạy xe gắn máy vượt hơn 50km để về thăm cha mẹ. Thế nhưng trong những đợt dịch Covid- 19 vừa qua, khi cả nước đều chung tay “chống dịch như chống giặc”, nữ y sĩ tạm gác chuyện nhớ người thân, dành hết tâm sức cho công việc.

Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên địa bàn, Trinh tham mưu UBND xã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch với đầy đủ các thành phần trong ban, ngành của xã; tham mưu thành lập tổ kiểm tra, xử lý tình huống tụ tập đông người, không đeo khẩu trang nơi công cộng; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện công tác phòng, chống dịch ở địa phương.

Hướng dẫn nhân dân khai báo y tế, điều tra dịch bệnh, công tác tiêm ngừa Covid-19 cho người dân trên địa bàn. Bảo đảm công tác phòng, chống dịch, không xảy ra sai sót chuyên môn cũng như lây nhiễm chéo. Điều tra lập hồ sơ và ký cam kết cách ly y tế. Điều trị tại hộ gia đình 1.217 trường hợp theo quy định của ngành.

Trong đợt cao điểm dịch bùng phát năm 2021, vì tiếp xúc nhiều với bệnh nhân Covid- 19 nên Trinh và tất cả đồng nghiệp trong Trạm Y tế đều bị lây nhiễm Covid-19. “Tụi em tự cách ly y tế tại trạm. Vừa tự chữa trị cho mình, vừa làm nhiệm vụ chữa trị cho các bệnh nhân Covid- 19 khác. Suốt 6 tháng em không về thăm cha mẹ, đến đầu năm 2022, khi tình hình dịch Covid- 19 đã được kiểm soát, em mới về thăm nhà”- nữ cán bộ y tế bộc bạch. Hiện Trạm Y tế xã Tân Lập đang tổ chức tiêm vaccine phòng Covid- 19 mũi thứ 4 cho người dân trong xã. Những ngày cao điểm, có từ 500-600 người đến tiêm, những ngày bình thường từ 100 đến 200 người/ngày.

Ngoài công tác chuyên môn tại trạm, nhiều năm qua, cơ sở y tế công lập này còn giúp nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật trên địa bàn xã phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (theo Chương trình y tế quốc gia). Từ năm 2016 đến nay, Trinh luôn tích cực tham gia hoạt động này. “Hiện nay có 7 người bị tật bẩm sinh và bệnh tai biến.

Có nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã phục hồi chức năng, biết tự chăm sóc bản thân, biết lao động kiếm sống, không còn nhờ Trạm Y tế hỗ trợ nữa”- Trinh cho hay. Để phục vụ tốt việc chăm sóc bệnh nhân, ngoài việc tham dự đầy đủ các lớp tập huấn do ngành Y tế tỉnh tổ chức, trong năm qua, Trinh cùng với 8 người khác trong tỉnh tham gia học lớp cao đẳng phục hồi chức năng tại Trường trung cấp Y tế tỉnh Đồng Nai, do Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH) tổ chức. “Chương trình kéo dài 2,5 năm. Sau khi tốt nghiệp khoá học này, em mới tính tiếp việc học nâng cao chuyên môn lên đại học hay không”- Trinh nói. 

Càng yêu nghề, Trinh càng trăn trở trước thực trạng về nhân lực, thuốc men của ngành Y tế hiện nay. Theo lời nữ cán bộ y tế này cho hay, Trạm Y tế xã Tân Lập hiện không có bác sĩ, chỉ có 1 y sĩ, 2 điều dưỡng, 1 nữ hộ sinh đại học và 1 trung cấp dược sĩ, nhưng phụ trách đến 2 cơ sở: trạm y tế tại xã và trạm y tế khu dân cư Tân Khai (ấp Tân Khai, xã Tân Lập)- cách Trạm Y tế xã Tân Lập khoảng 25km.

Ở trạm hiện chỉ có những thuốc điều trị bệnh thông thường và đang thiếu những loại thuốc đặc trị. Trạm Y tế xã hiện không có khoa Đông y nhưng có kết hợp với một cơ sở Đông y trên địa bàn xã Tân Lập. Những bệnh nhân có nhu cầu điều trị theo phương pháp Đông y đều được giới thiệu đến cơ sở Đông y Được Hồi để điều trị.

Với những nỗ lực nêu trên, chị Lê Thị Tú Trinh là một trong những cá nhân của huyện Tân Biên được đề xuất Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ khen thưởng gương tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022.

“Cha mẹ em gọi điện thoại hỏi thăm tình hình sức khoẻ con gái. Có lần, em đi lấy mẫu xét nghiệm Covid- 19 cộng đồng trên biên giới. Trong thời gian công tác ở đó, bị mất sóng điện thoại, gia đình không liên lạc được. Sau đó em gọi điện thoại về nhà, mới biết cha mẹ lo lắng quá chừng”- Trinh kể. 

Đại Dương