BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần chấn chỉnh tình trạng tự ý móc đất, đắp mặt bằng 

Cập nhật ngày: 10/05/2020 - 23:57

BTN - Không chỉ tại xã Ninh Điền, tình trạng móc đất để đắp nền trên đất nông nghiệp sai quy định còn xảy ra tại hai xã Phước Vinh và Hoà Hội, huyện Châu Thành. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có biện pháp để xử lý và ngăn chặn triệt để.

Ao đất của một hộ dân tại xã Phước Vinh tự ý móc để đổ mặt bằng.

Vừa qua, Báo Tây Ninh có bài viết phản ánh về tình trạng một số hộ dân tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành móc đất để đắp nền trên đất nông nghiệp sai quy định. Các vụ việc trên hiện đang được UBND xã Ninh Điền xử lý.

Thế nhưng qua tìm hiểu, không chỉ tại xã Ninh Điền, tình trạng này còn xảy ra tại hai xã Phước Vinh và Hoà Hội, huyện Châu Thành. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có biện pháp để xử lý và ngăn chặn triệt để.

Nhỏ móc theo nhỏ 

Khi bị UBND xã Ninh Điền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, một chủ đất cho biết, do không có tiền mua đất nên lấy đất nhà để đổ nền, không biết đây là hành vi vi phạm pháp luật. Chủ đất này đã thuê xe kobe và 2 xe tải móc đất tại phần đất vi phạm chở đến 1 địa điểm khác đắp nền.

Diện tích móc đất khoảng 200m2 (10x20) với độ sâu khoảng 1,5m. Ngoài ra, trên địa bàn xã Ninh Điền có 2 trường hợp vi phạm khác. Tất cả đều đã bị UBND xã xử lý theo quy định pháp luật.

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đến ấp Phước Lộc, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, phát hiện có 4 thửa đất được đào phía sau nhà để đổ nền phía trước. Cụ thể, một hộ dân đào một cái ao ngang 4m, dài khoảng 8m, sâu 2,5m.

3 trường hợp khác, do diện tích nhỏ nên các hộ dân này móc ao chiều ngang khoảng 6m, chiều dài khoảng 6m, nhưng sâu đến 2,5m. Đất được các họ dân trên thuê xe kobe móc đổ ra phía trước rồi thuê xe ủi san lấp mặt bằng mà không hề được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Lớn móc theo lớn

Điều làm chúng tôi bất ngờ nhất là, tại một khu đất lớn nằm giáp mặt tiền đường Hoà Bình - Hoà Hội, ấp Bố Lớn, xã Hoà Hội, huyện Châu Thành, chủ khu đất thuê kobe, xe tải, xe ủi móc một cái ao có diện tích khá lớn phía sau đất để đổ đất lên phía trước, làm mặt bằng. 

Người dân thắc mắc, không biết chủ khu đất trên có được cơ quan chức năng cho phép hay không, cả một diện tích đất rộng lớn được đổ mặt bằng rầm rộ, xe di chuyển đất từ vị trí đào lên phía trước công khai.

Người dân cho rằng, nếu cơ quan chức năng cho phép người dân được đào ao phía sau đất như thế để san lấp mặt bằng, nhiều người sẽ làm theo. Hiện nay, nhiều vị trí đất nông nghiệp nằm sát mặt tiền đường nhựa, người dân phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích đất sang đất ở rồi mới được đổ mặt bằng. 

Với giá hơn 1 triệu đồng một xe đất khoảng 10m3 thì số tiền mà người dân mua để san lấp mặt bằng khá lớn. Do vậy, việc thuê móc đất từ phía sau để đổ lên phía trước rẻ hơn rất nhiều. Nếu như thế, khi đó chính quyền địa phương, cũng như các ngành chức năng sẽ khó khăn hơn trong việc xử lý.

Theo hồ sơ do UBND xã Hoà Hội cung cấp, khu đất trên của một người tên H, ngụ thị trấn huyện Châu Thành. Ngày 24.4.2020, bà H có thuê máy để móc đất tại thửa đất có diện tích khoảng 6.500m2 ở phía sau để đổ ra phía trước nhằm cải tạo và san lấp mặt bằng. Đến ngày 28.4.2020, UBND xã Hoà Hội phát hiện, lập biên bản kiểm tra hiện trạng và tạm đình chỉ hành vi móc đất của bà H.

Tại thời điểm UBND xã kiểm tra, các phương tiện đã móc một cái ao có chiều ngang hướng Nam khoảng 20m, chiều ngang hướng Bắc khoảng 15m; sâu nhất là 2,5m, cạn nhất 1,5m. Tổng diện tích ao đất bị móc là 1.750m2, tổng khối lượng đất được móc lên để đổ san lấp, cải tạo mặt bằng phía trước khoảng 3.587,5m3. Qua trao đổi với cá nhân thuê xe kobe móc, ông này có hợp đồng miệng với bà H, tiền công 100 triệu đồng, đã chuyển đất được khoảng 100 xe, san lấp diện tích khoảng 1.600m2.

Chế tài quá nhẹ, liệu có đủ sức răn đe?

Theo UBND xã Ninh Điền, các trường hợp vi phạm tự ý đào đất để san lấp mặt bằng, UBND xã đã lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi huỷ hoại đất theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai với số tiền 3,5 triệu đồng. Đồng thời bắt buộc các cá nhân vi phạm phải khôi phục lại hiện trạng. Hiện nay, UBND xã đang theo dõi việc khắc phục hậu quả của các cá nhân trên.

Một lãnh đạo UBND xã Phước Vinh cho biết, sau khi nhận được thông tin về các cá nhân vi phạm để san lấp mặt bằng, UBND xã đã lập biên bản đình chỉ hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính, cũng như ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với mỗi cá nhân trên về hành vi huỷ hoại đất.

Trong vụ việc này, địa phương cương quyết yêu cầu các cá nhân vi phạm phải khôi phục lại hiện trạng của đất và yêu cầu các cá nhân trên cam kết thời hạn khôi phục. Nếu các cá nhân trên không thực hiện, UBND xã sẽ xử lý tiếp theo đúng quy định pháp luật nhằm chấn chỉnh, răn đe tình trạng cá nhân tự phát móc đất để san lấp mặt bằng trên địa bàn.

Riêng UBND xã Hoà Hội, sau khi phát hiện hành vi vi phạm của bà H đã lập biên bản đình chỉ, ghi nhận hiện trạng đất bị xâm hại. UBND xã đã có báo cáo để UBND huyện tiếp tục xử lý theo thẩm quyền do mức độ vi phạm của bà H, vượt ngoài thẩm quyền xử lý của UBND xã. Hiện UBND xã đang chờ kết quả xử lý của UBND huyện.

Hầu hết các cá nhân có hành vi vi phạm đều chấp hành các quyết định xử phạt hành chính của chính quyền địa phương, đã nộp tiền vi phạm hành chính theo quy định. Như vậy, các khu đất vi phạm trong thời gian tới như thế nào, chính quyền địa phương sẽ có những biện pháp gì để các hộ dân vi phạm khắc phục hậu quả.

Thế Nhân