BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thực hiện tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.1.2015:

Cần chủ động ổn định hoạt động sản xuất ở các khu, cụm công nghiệp

Cập nhật ngày: 04/01/2015 - 10:40

Công nhân làm việc ở một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Trảng Bàng (ảnh minh hoạ).

Năm 2014, giới doanh nghiệp ở Trảng Bàng trả lương cho công nhân theo mức tối thiểu vùng 3 là 2,1 triệu đồng/tháng. Từ ngày 1.1.2015, áp dụng Nghị định số 103/2014/NĐ-CP, các doanh nghiệp sẽ phải trả lương cho công nhân theo mức tối thiểu vùng là 2.750.000 đồng/tháng, tăng 650.000 đồng/người/tháng.

Một số doanh nghiệp cho biết, thu nhập thực tế của công nhân mới vào làm tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Trảng Bàng, Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung 3 ở thời điểm năm 2014 là trên dưới 3 triệu đồng, cao hơn mức Nhà nước quy định (2,1 triệu đồng). Thu nhập này bao gồm tiền lương và một số khoản tiền do doanh nghiệp hỗ trợ, phụ cấp xăng xe, tiền nhà trọ cho công nhân. Nay nếu phải tăng thêm 650.000 đồng/người/tháng thì nhiều doanh nghiệp “kham không nổi”.

Một số doanh nghiệp cho rằng, Nghị định số 103/2014/NĐ-CP được ban hành từ tháng 11.2014 nhưng đến đầu năm 2015 đã có hiệu lực khiến doanh nghiệp… bị bất ngờ (?). “Thường thì chúng tôi ký đơn hàng với đối tác trước khi tiến hành các giao dịch gia công, cung ứng hàng hoá khoảng 6 tháng.

Một trong những yếu tố quyết định đến giá trị hợp đồng giao dịch thời điểm chúng tôi ký là tiền lương của công nhân. Như vậy, để tiến hành các giao dịch vào đầu năm 2015, chúng tôi đã ký hợp đồng từ khoảng giữa năm 2014. Thế nhưng, đến nay thì mức lương tối thiểu vùng tăng kèm theo chuyển đổi vùng nên số tiền chúng tôi phải chi trả cho công nhân tăng rất lớn, khiến doanh nghiệp có nguy cơ thua lỗ”, một doanh nghiệp nói.

Để giảm bớt áp lực do chi phí tăng đột biến, một số doanh nghiệp cho biết sẽ cắt giảm một số khoản phụ cấp, hỗ trợ ngoài mức lương Nhà nước quy định để bù vào khoản tăng lương. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không khỏi lo ngại việc cắt giảm này sẽ khiến công nhân bất bình, có thể dẫn đến xung đột lao động.

Mặt khác, một số doanh nghiệp trước đây có mức phụ cấp tương đối thấp sẽ chi trả đủ mức lương mới (tăng thêm 650.000 đồng), một số khác tăng ít hơn và một số khác còn tăng ít hơn nữa. Điều này sẽ gây tâm lý so sánh ở người lao động, từ đó dẫn đến một số diễn biến bất lợi cho hoạt động sản xuất.

Khoản 4, điều 5 Nghị định số 103/2014/NĐ-CP về áp dụng mức lương tối thiểu vùng có nêu: “Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này, doanh nghiệp không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động”. Như vậy, các doanh nghiệp muốn cắt giảm các khoản phụ cấp, trợ cấp trước đây để bù vào khoản tăng lương là điều không dễ thực hiện ổn thoả.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng, tổ chức Công đoàn cần sớm phối hợp với doanh nghiệp kịp thời đề ra giải pháp xử lý ổn thoả những vướng mắc như đã nêu, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất.

BẢO TÂM