Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tây Ninh đang triển khai tiêm 4.820 liều vaccine dại cho đàn vật nuôi. Theo thống kê, có 5.739 người dân được tiêm phòng vaccine dại từ đầu năm 2024 đến nay.
Khám sàng lọc trước tiêm vaccine dại cho người dân tại Tanimed Tây Ninh.
Thời tiết nắng nóng là điều kiện để bệnh dại từ chó, mèo gia tăng. Để phòng ngừa nguy cơ bùng phát ca bệnh, Tây Ninh đang triển khai tiêm phòng vaccine dại trên vật nuôi; đồng thời, vận động người dân tiêm chủ động vaccine phòng dại.
Khó quản lý đàn vật nuôi
Trên địa bàn tỉnh ước tính có khoảng 81.607 con chó, chủ yếu được nuôi để giữ nhà và phần lớn là giống chó nội, giá trị kinh tế thấp nên tổng đàn thường xuyên thay đổi. Bên cạnh chó, mèo cũng là vật nuôi phổ biến để diệt chuột. Việc nuôi chó, mèo nếu không được quản lý chặt chẽ có thể dẫn đến nguy cơ lây lan một số dịch bệnh từ động vật sang người, trong đó có bệnh dại.
Về nguyên nhân xảy ra bệnh dại, bác sĩ Vũ Gia Phương- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, nhiều địa phương vẫn chưa quản lý tốt đàn chó nuôi- nhất là chó mới phát sinh. Việc quản lý đàn chó nuôi hiện chủ yếu là thống kê để thực hiện tiêm vaccine phòng dại, chưa có thống kê chính xác số lượng cũng như chưa lập sổ quản lý theo quy định. Bên cạnh đó, phần lớn người nuôi chó không bảo đảm về chuồng nhốt, dây xích, rọ mõm cho vật nuôi của mình; không khai báo với chính quyền địa phương, nhất là các xã biên giới, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý và phòng, chống bệnh dại. Cùng với đó là tình trạng chó thả rông, virus dại đã lưu hành nhiều năm trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ tiêm phòng thấp.
Ông cung cấp thêm, theo báo cáo của ngành Y tế, trong năm 2023, toàn quốc có 82 người chết vì bệnh dại tại 30 tỉnh, thành phố (tăng 12 trường hợp so với năm 2022), nhiều nhất là tại các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Bến Tre, Nghệ An, Điện Biên. Từ đầu năm 2024 đến ngày 24.3.2024, cả nước đã xảy ra 27 ca tử vong do bệnh dại tại 15 tỉnh, thành phố (tăng 12 ca so với cùng kỳ năm 2023); có trên 100.000 người phải điều trị dự phòng bệnh dại sau khi bị động vật cắn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Trước tình hình này, Sở Y tế đã chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các đơn vị tăng cường truyền thông, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật. Lập kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra, hậu kiểm về công tác tiêm chủng, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vaccine dại nói riêng và các bệnh truyền nhiễm nói chung.
Thời tiết nắng nóng là điều kiện để bệnh dại từ chó, mèo gia tăng.
Cần sự phối hợp của người dân
Theo Sở Y tế, năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 trường hợp bệnh dại liên quan đến chó, trong đó có 3 ca tại thị xã Hoà Thành, 1 ca tại thành phố Tây Ninh và 2 trường hợp tại các huyện Gò Dầu, Bến Cầu (đều đã tử vong).
Tháng 3.2024, toàn tỉnh ghi nhận 1 ca tử vong vì bệnh dại tại huyện Dương Minh Châu. Nạn nhân tên T.T.V (sinh năm 1976) bị chó nhà cắn (khoảng tháng 10.2023), nhưng không tiêm vaccine mà tự rửa vết thương bằng nước và đắp tỏi. Cuối tháng 3.2024, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng mệt, khó thở, hụt hơi, sợ nước, rùng mình, tri giác lơ mơ, khó thở, tăng tiết đàm, tay chân gồng cứng, đồng tử giãn to, được chẩn đoán theo dõi bệnh dại và tử vong sau đó.
Mới đây, bà N.T.X (84 tuổi, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) bị mèo cắn gây nhiều vết thương, chảy máu ở tay. Bà X ngay sau đó được bác sĩ chỉ định tiêm phòng vaccine và huyết thanh kháng dại, đồng thời hướng dẫn đến bệnh viện khâu các vết thương hở. Cùng thời điểm, một bé gái 11 tuổi (xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành) được người nhà đưa đến tiêm chủng sau khi bị mèo nuôi cào rách da. Ngoài tiêm ngừa vaccine dại, cả hai trường hợp đều được chỉ định tiêm vaccine phòng uốn ván để phòng ngừa sau khi phơi nhiễm. Theo bác sĩ Vũ Gia Phương, khi bị chó, mèo cắn, cần rửa ngay vết thương thật kỹ bằng xà phòng, sau đó rửa lại bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn i-ốt để làm giảm lượng virus tại vết cắn và đến ngay cơ sở y tế để được khám và tiêm phòng.
Người dân tiêm phòng vaccine dại.
Hiện toàn tỉnh có 105 cơ sở y tế công lập và 24 cơ sở ngoài công lập đủ điều kiện tiêm chủng vaccine. Trong năm 2023, có 34.294 liều vaccine dại được tiêm cho đàn chó nuôi trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2024 đến nay, ngành Y tế đã tiêm phòng vaccine dại cho 5.739 người. “Để công tác tiêm phòng vaccine bệnh dại cho chó, mèo trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, rất cần sự phối hợp và chủ động của người dân, vì đây biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất”- bác sĩ Vũ Gia Phương- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết.
Bên cạnh đó, để bảo đảm chỉ tiêu đạt 100% kế hoạch (từ 15.3 đến 31.5.2024), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tiêm phòng 4.820 liều vaccine dại cho đàn chó nuôi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời,vận động người dân nuôi chó, mèo chủ động tiêm vaccine dại với 18.757 liều.
Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính (Rhabdovirus) từ động vật sang người.
Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Thời gian ủ bệnh dại thường là 2 - 3 tháng, có thể thay đổi từ 1 tuần đến 1 năm, tuỳ thuộc vào các yếu tố như vị trí xâm nhập của virus và tải lượng virus.
Ngành Y tế tỉnh Tây Ninh khuyến cáo, khi bị chó, mèo cắn, cào hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh dại, vết thương phải được rửa thật kỹ bằng xà phòng, sau đó rửa lại bằng nước muối, bôi chất sát trùng và đến cơ sở y tế để được khám và tiêm phòng vaccine dại hoặc vaccine và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không điều trị bằng thuốc Nam.
Tâm Giang