Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cần chú trọng bảo đảm VSATTP mùa dịch
Chủ nhật: 14:04 ngày 10/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau thời gian cách ly toàn xã hội, hiện tại, các hàng quán và một số tụ chơi điểm vui chơi giải trí đã tấp nập trở lại. Việc tụ tập đông người, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm dấy lên nhiều nỗi lo.

Đã có hướng dẫn nhưng thực hiện chưa nghiêm

Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm trong phòng chống dịch Covid-19 đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

Theo đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) khi các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động lại khi nới lỏng giãn cách xã hội, bắt buộc người chế biến thực phẩm, phục vụ đồ ăn phải đeo khẩu trang; giữ khoảng cách tiếp xúc giữa nhân viên chế biến, phục vụ và người sử dụng thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Những người có ít nhất một trong các triệu chứng ho, sốt, khó thở không được bố trí làm việc tại cơ sở.

Quán ăn thực hiện bố trí khoảng cách giữa các thực khách.

Khu vực chế biến thức ăn phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay và có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay cho người sơ chế, chế biến thực phẩm. Đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp hoặc túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển.

Tại khu vực ăn uống cũng phải có bố trí nơi rửa tay, có đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay sạch cho khách. Bên cạnh đó, thực hiện bố trí khoảng cách giữa những người ăn uống, có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng người ăn uống và được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn trước và sau khi sử dụng…

Đối với người ăn uống, yêu cầu phải rửa tay sạch bằng xà phòng, sử dụng dung dịch khử khuẩn bàn tay trước và sau khi ăn uống; giữ vệ sinh, hạn chế di chuyển, không nói to, cười đùa trong khi ăn uống.

Riêng các điểm kinh doanh thức ăn đường phố được yêu cầu không phục vụ cùng lúc quá đông người để bảo đảm khoảng cách an toàn. Cục ATTP cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm VSATTP theo các tiêu chí nêu trên và các quy định pháp luật có liên quan.

Hướng dẫn cũng đã có, tuy nhiên, đến nay việc thực hiện đúng các quy định được cơ quan chức năng đưa ra vẫn còn nhiều hạn chế.

Rảo quanh một số hàng quán, cơ sở kinh doanh ăn uống, không khó để nhận thấy việc mang khẩu trang đối với người trực tiếp chế biến thức ăn và phục vụ vẫn còn chưa nghiêm túc. Ngay sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, nhiều người đã tự cho phép bản thân rời khẩu trang sau những ngày dài dính chặt với nó. Tuy nhiên, điều này làm dấy lên nhiều lo ngại, nhất là đối với những người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người khác, cụ thể là trong ngành ăn uống, dịch vụ…

Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản hướng dẫn yêu cầu người chế biến thực phẩm, phục vụ đồ ăn phải đeo khẩu trang, nhưng ít ai thực hiện đúng quy định.

Tại một nhà hàng hải sản nổi tiếng trên đường Trưng Nữ Vương (TP. Tây Ninh), trong một buổi tối cuối tuần các bàn đều chật cứng khách. Khách thản nhiên cười đùa, giao lưu, phớt lờ việc giữ khoảng cách, lực lượng phục vụ ở đây hầu hết cũng bỏ qua việc mang khẩu trang, tiếp xúc trực tiếp với thực khách.

Tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp nhưng một số người đã lơ là, chủ quan, cho rằng “hết cách ly là hết dịch”. Một số tiệm trà sữa, hàng quán ven đường còn tụ tập đông đúc, cảnh người ngồi san sát nhau không hiếm thấy. Đa phần người chế biến thức ăn và phục vụ quán không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang nhưng để hở mũi và miệng.

Tại một quán chuyên bán đồ ăn vặt trên địa bàn thị xã Hoà Thành, chủ quán không đeo khẩu trang và găng tay khi lấy thức ăn cho khách. Bàn ghế trong quán được kê sát nhau. Theo lời người bán, do quán kinh doanh nhỏ, hết cách ly thì cứ mặc nhiên buôn bán trở lại như ngày thường. Và người bán cũng không cần đeo khẩu trang nữa vì “đâu thấy ai nói gì”. Còn tại một quán bánh hỏi thịt nướng nổi tiếng ở chợ Long Hoa, thực khách không khỏi e ngại khi chứng kiến cảnh chủ quán mình trần, tay không bóc từng phần bánh hỏi.

Vấn đề đảm bảo ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố vẫn còn nhiều hạn chế. Điều dễ dàng nhận thấy hiện nay là một số hộ kinh doanh thức ăn đường phố chưa chú trọng quy định về ATTP. Việc bố trí tủ, kệ, thiết bị, dụng cụ để bày bán thức ăn, che đậy ngăn bụi bẩn, tránh côn trùng vẫn còn lỏng lẻo. Đa phần người bán không sử dụng găng tay, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn…

Một số hàng quán lề đường nhếch nhác lại đặt tại những vị trí kém vệ sinh như gần cống thoát nước, bốc mùi hôi thối. Việc rửa chén bát của những hàng quán này cũng không khá hơn, hầu như tất cả chỉ được tráng sơ qua nước, trong khi đó, thau rửa chén đầy váng mỡ, đóng cặn. Đáng nói là thực khách vẫn mặc kệ những nguy cơ mất VSATTP vô tư thưởng thức, điều đó vô hình chung tiếp tay cho những hàng quán thế này vẫn có cơ hội tồn tại.

Bảo đảm ATTP, bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Anh Phan Văn Tài, ngụ xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu cho biết, do đặc thù công việc nên bản thân anh thường xuyên ra ngoài ăn uống cho tiện lợi. Rất nhiều người cũng giống như anh, phải ăn ngoài thay cho việc nấu nướng tại nhà.

Nhân viên phục vụ ở nhiều hàng quán vẫn còn lơ là trong việc mang khẩu trang.

 “Ăn bên ngoài nhiều nên tôi cũng khá lo lắng về vấn đề vệ sinh thực phẩm, do đó, tôi chỉ lựa chọn ăn uống tại những nơi quen biết để an tâm. Tôi thiết nghĩ người bán cần có ý thức trách nhiệm hơn trong việc sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, chế biến, bảo quản hợp vệ sinh. Nhất là trong tình hình dịch bệnh thì ý thức của những người buôn bán lại càng phải cao hơn nữa vì đây là vấn đề sức khỏe chung của cả cộng đồng”.

Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, bộ, ngành, các địa phương cùng sự tham gia tích cực của toàn dân, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bước đầu được kiểm soát tốt. Biện pháp cách ly toàn xã hội được nới lỏng từng bước và các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần hoạt động trở lại. Khi chính sách nới lỏng giãn cách xã hội được thực hiện, nhiều hàng quán đã mở cửa hoạt động trở lại. Bên cạnh một số cơ sở chưa thực hiện đúng quy định, vẫn có nơi ý thức của người bán đã được nâng lên.

Chị T.T, chủ một quán cơm trên địa bàn TP.Tây Ninh cho biết: “Thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, quán đóng cửa từ ngày 1.4. Khi nhận được thông tin nới lỏng giãn cách xã hội, chúng tôi chủ động dọn dẹp quán để mở cửa trở lại. Quán đã bố trí bàn ghế ở khoảng cách an toàn, trang bị bồn rửa tay, xà phòng sát khuẩn cho khách sử dụng khi đến quán. Từ khi hoạt động trở lại, đa số khách đến quán đều tự động ngồi cách xa nhau, không cần nhắc nhở.

“Lợi nhuận tuy quan trọng nhưng tôi nghĩ đã làm kinh doanh buôn bán thì nên có cái tâm mới mang đến nguồn thu lâu dài, nhất là trong thời điểm hiện tại, sức khỏe của cộng đồng, phòng chống dịch bệnh mới là điều quan trọng nhất” - Chị T. nói.

Thời gian qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã thực hiện một số công tác đảm bảo VSATTP trong mùa dịch, như tăng cường kiểm tra, giám sát bếp ăn tại các khu cách ly tập trung. Đẩy mạnh công tuyên truyền bằng xe loa, phát băng, đĩa truyền thông, nâng cao ý thức người dân trong việc đảm bảo VSATTP.

Sau thời gian giãn cách xã hội các hàng quán đã tấp nập trở lại.

Theo Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP, Tháng hành động vì ATTP năm 2020 bắt đầu từ ngày 15.4 đến 15.5 với chủ đề “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm”.

Ngoài các hoạt động thường xuyên đảm bảo chất lượng VSATTP, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, Tháng hành động vì ATTP năm 2020 đặt mục tiêu có thể tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm.

Qua đó, góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm không an toàn.

Bên cạnh các biện pháp dự phòng lây nhiễm Covid-19, theo khuyến cáo của ngành Y tế, người dân cần tuân thủ các biện pháp bảo đảm VSATTP để góp phần phòng, chống dịch. Trong đó, nên lưu ý đến một số thói quen không tốt khi nấu nướng và ăn uống cũng là nguyên nhân gây ngộ độc, nhất là việc mua thức ăn dự trữ và để đồ ăn quá lâu trong tủ lạnh sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Bên cạnh đó, cần lựa chọn mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; người dân cần sử dụng găng tay, khẩu trang khi đi mua thực phẩm, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn…

Hòa Khang– Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục