Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cần chú trọng giáo dục nhân cách văn hoá cho học sinh, sinh viên
Thứ tư: 18:32 ngày 31/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo ý kiến của một số chuyên gia giáo dục, dạy người của nhà trường hiện nay là giáo dục nhân cách văn hoá cho người học để họ có đủ những phẩm chất, bản lĩnh tham gia vào quá trình hội nhập, phát triển.

Trường học có sứ mạng quan trọng là dạy chữ và dạy người. Hai nhiệm vụ này gắn bó mật thiết và xuyên suốt mọi thời đại, mọi nền giáo dục. Trong thời đại công nghệ 4.0, sự nghiệp dạy chữ, dạy người trở nên khó khăn, phức tạp hơn. Theo ý kiến của một số chuyên gia giáo dục, dạy người của nhà trường hiện nay là giáo dục nhân cách văn hoá cho người học để họ có đủ những phẩm chất, bản lĩnh tham gia vào quá trình hội nhập, phát triển.

Lứa tuổi học sinh, sinh viên là lứa tuổi đẹp nhất, sung sức nhất của một đời người, với đầy hoài bão và khát vọng. Ở lứa tuổi này, tâm sinh lý diễn biến, chuyển hoá khá phức tạp nhưng xu hướng chung là rạo rực, thăng hoa, yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống. Các em từng bước trưởng thành và đến lúc sẽ có đủ tư cách công dân để thực hiện và chịu trách nhiệm về mình. Sự hình thành tài năng và phát triển nhân cách phụ thuộc vào sự giáo dục của gia đình - nhà trường và xã hội, trong đó nhà trường có vai trò quan trọng vì “phần nhiều do giáo dục mà nên” (Hồ Chí Minh).

Thế nhưng, lứa tuổi này cũng tiềm ẩn nhiều “điểm yếu”. Trẻ trung, khoẻ mạnh nhưng sức dẻo dai, chịu đựng chưa cao. Hiếu động, năng động, nhiệt tình, xông xáo nhưng cũng dễ nản, dễ chán, buông xuôi. Nhiều ý tưởng, mộng mơ, mong ước, khát vọng nhưng cũng dễ bị lôi kéo, rủ rê, mất phương hướng... Theo kết quả điều tra xã hội học, học sinh, sinh viên hiện nay có sự phân hoá: Có bộ phận chăm ngoan, sống tốt, có lý tưởng, mong muốn khẳng định cá nhân, mong muốn được học hành đến nơi đến chốn để cống hiến cho đất nước, xã hội.

Có bộ phận trung bình, ít ước mơ, hoài bão, có những nhu cầu đời sống gắn với cá nhân, ít quan tâm đến những vấn đề lớn của đất nước, xã hội. Có bộ phận chậm tiến, có nhiều biểu hiện đáng lo ngại về nhân cách, thiếu ý chí vươn lên, thiếu lý tưởng, đua đòi, có nhiều biểu hiện thiếu lành mạnh trong đạo đức, lối sống...

Nhiều người cho rằng học sinh, sinh viên thời nay thuận lợi hơn, sướng hơn học sinh, sinh viên thế hệ trước. Điều này chỉ đúng một phần. Học sinh, sinh viên thời nay hơn về mặt vật chất: được sống trong hoà bình; đa số được ăn ngon, mặc đẹp, phương tiện đi lại, nghe nhìn, liên lạc hiện đại; giáo trình, thiết bị phục vụ học tập, nghiên cứu tốt hơn, có nhiều điều để lựa chọn hơn... Nhưng họ cũng đứng trước không ít thách thức: sự phân hoá giàu nghèo mạnh mẽ hơn, sự tác động của môi trường xã hội hết sức gay gắt, các tệ nạn tiêu cực thường xuyên cám dỗ, việc lựa chọn ngành nghề và tìm kiếm công ăn việc làm sau khi ra trường khó khăn hơn, có sự cạnh tranh khốc liệt hơn... khiến họ dễ mất phương hướng, mất niềm tin... Và do nhiều nguyên nhân, học sinh, sinh viên ngày nay cũng thực tế và thực dụng hơn.

Khi thực hiện nhiệm vụ dạy người cho học sinh, sinh viên, có hai điều cần quan tâm: ở lứa tuổi này, nhân cách chưa định hình, đang phát triển, có khả năng xuất hiện những đặc điểm, những cá tính bất ngờ, cả hay lẫn dở, cả tích cực lẫn tiêu cực. Những giá trị nhân cách đang được hình thành về cơ bản chưa được trải nghiệm trong đời sống thực tế. Chính vì vậy, đây là giai đoạn cơ sở, chuẩn bị cần được nuôi dưỡng, chăm sóc một cách chu đáo. Giáo dục nhân cách là giáo dục giá trị đạo đức, lối sống, kỹ năng sống.

Nhưng cần phải hiểu rằng nhân cách là sự tổng hợp những giá trị ấy bao gồm tư duy, đạo đức, văn hoá... được thể hiện trong toàn bộ cuộc sống của học sinh, sinh viên. Đó là thái độ sống, lối sống, năng lực và hành động sống. Giáo dục nhân cách là giáo dục lý tưởng sống: sống phải có ước mơ, hoài bão, khát vọng và sự cống hiến cho cộng đồng, cho đất nước. Phải nuôi dưỡng năng lực trí tuệ, biết học hỏi và tiếp nhận những tri thức cần thiết, biến quá trình giáo dục, đào tạo thành quá trình tự giáo dục, đào tạo để sau khi rời nhà trường có thể thực hành nghề nghiệp của mình một cách tự tin, có hiệu quả..

Điều căn cốt nhất là chú trọng giáo dục đức tính trung thực cho học sinh, sinh viên. Trung thực trong học tập, thi cử, lao động; trung thực với bạn bè, thầy cô, tổ chức, tập thể... Để khi họ trưởng thành là tấm gương tốt về lòng trung thực trong quan hệ, ứng xử và công việc. Điều đáng lo và đáng buồn về đức tính trung thực của học sinh, sinh viên hiện nay là theo điều tra của Giáo sư - Viện sĩ Trần Ngọc Thêm - ĐHKHXH&NV TP. Hồ Chí Minh, có 22% học sinh tiểu học nói dối, tỷ lệ này ở THCS, THPT là khoảng 64% và ở CĐ, ĐH lên đến 82%. Bên cạnh đó, cần xây dựng cho học sinh, sinh viên có bản lĩnh văn hoá. Biết kế thừa những tinh hoa văn hoá truyền thống nhưng sẵn sàng tiếp thu văn hoá hiện đại, tốt đẹp của thế giới, tẩy chay văn hoá lai căng, độc hại, phản động...

 Trong giáo dục, nhân cách của người thầy đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình giáo dục dạy học. Thầy phải giỏi về chuyên môn, thành thạo về phương pháp giáo dục và dạy học, có tinh thần trách nhiệm cao và có lòng yêu thương, bao dung đối với học trò. Thực tế hiện nay, không ít giáo viên còn non kém về chuyên môn nhưng ngại nghiên cứu, học hỏi. Có giáo viên đến trường trút hết bực dọc riêng tư… vào học trò. Vẫn còn giáo viên chưa mẫu mực trong đạo đức, lối sống. Và còn bao nhiêu biểu hiện không đẹp khác đang làm xói mòn niềm tin của học sinh và xã hội.

Đối với nhà trường, dạy chữ, dạy người là những nhiệm vụ có mối quan hệ mật thiết với nhau. Điều này càng quan trọng và có ý nghĩa vô cùng to lớn trong giai đoạn hiện nay. Thực trạng việc dạy người - giáo dục nhân cách văn hoá cho người học hiện nay như thế nào, đạt đến mức độ nào, có thể an tâm hay không, chắc mỗi người sẽ có câu trả lời cho riêng mình. Nhà trường, các lực lượng giáo dục cần nắm được thực trạng này để có quyết sách, phương pháp và biện pháp giáo dục phù hợp nhằm đạt được mục tiêu chung là hình thành, phát triển nhân cách văn hoá cho học sinh, sinh viên; giúp họ trở thành những công dân tốt, những người lao động tốt, những cán bộ tốt cho đất nước.

DIỆU MAI

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục