Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tuyển đủ giáo viên mầm non:
Cần cơ chế
Thứ ba: 23:13 ngày 30/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Người lao động không mặn mà với hình thức tạm tuyển trong các trường mầm non công lập, vậy phải làm gì để thu hút họ? Câu trả lời thật ra khá đơn giản: tuyển dụng họ chính thức vào biên chế. Khác với các ngành nghề khác thường có thể “nhảy việc”, đặc điểm lao động của nhà giáo là tính ổn định.

Học sinh mầm non Trường mẫu giáo Chàng Riệc, xã Tân Lập, huyện Tân Biên.

Như tin đã đưa, cuối tháng 4 vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình công tác tuyển dụng và sử dụng đội ngũ giáo viên mầm non gắn với phát triển hệ thống cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh. Trong phiên giải trình, các nội dung như kết quả thực hiện đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non ở vùng nông thôn (Đề án 642), tình hình thiếu giáo viên mầm non và cách giải quyết vấn đề này như thế nào đã được tập trung làm rõ.

HỢP ĐỒNG 3 NĂM - GIÁO VIÊN KHÔNG AN TÂM

Tại phiên giải trình, bà Phan Thị Điệp- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh ủng hộ phương án đào tạo giáo viên mầm non theo địa chỉ do Sở GD-ĐT đề xuất.

Ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị làm rõ nguyên nhân thẩm quyền và trách nhiệm trong vấn đề thiếu giáo viên mầm non; tại sao xã hội hoá giáo dục mầm non phát triển chậm; một số trường mầm non công lập đủ điều kiện, sao không chuyển ra ngoài công lập? Theo ông Phương, việc hợp đồng 3 năm đối với giáo viên mầm non chỉ là giải pháp tình thế, khó ổn định đội ngũ. Lãnh đạo UBND huyện Tân Biên cho biết, địa phương đã sử dụng hết số biên chế được giao, nếu sau 3 năm hết thời hạn hợp đồng, muốn tuyển dụng chính chính thức cũng không đơn giản.

Ông Phạm Văn Đặng- Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị lãnh đạo Sở GD-ĐT thông tin cụ thể về chính sách của Chính phủ đối với bậc học mầm non, cả giáo viên lẫn học sinh. Trong đó, ông Đặng cho rằng ngành Giáo dục hoàn toàn có thể áp dụng Nghị định 06 năm 2018 để giải quyết những khó khăn của bậc học mầm non.

Bà Nguyễn Đài Thy- Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, ngành Giáo dục còn 502 biên chế chưa sử dụng, nhưng trên thực tế con số này đã được phân bổ. Đối với quyết định tuyển hợp đồng giáo viên mầm non, Tỉnh uỷ đã cho phép tuyển 375 chỉ tiêu nhưng kết quả chỉ tuyển được 35 người. Lãnh đạo Sở Nội vụ đề nghị Sở GD-ĐT tính toán cụ thể các thông số liên quan đến việc thực hiện đề án nói riêng, giáo dục mầm non nói chung, ví dụ như thống kê số trẻ cần đến trường, ở địa phương nào... từ đó có kế hoạch cụ thể.

Theo bà Kim Thị Hạnh, Phó Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, nếu muốn xã hội hoá thì có dự án, kế hoạch riêng, không thể bỏ tiền ngân sách xây dựng rồi cho tư nhân thuê. Ông Mai Văn Hải, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách đề xuất giảm số chỉ tiêu biên chế chưa sử dụng của các bậc học khác để tăng thêm biên chế cho bậc học mầm non. “Nên xây dựng chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non từ nguồn ngân sách”- ông Hải hiến kế.

Trước các ý kiến nêu trên, Giám đốc Sở GD-ĐT Mai Thị Lệ cho biết, không thể giảm biên chế của bậc học này để  tăng biên chế cho bậc học khác. Lý giải nguyên nhân biên chế chưa sử dụng hết trong khi thiếu giáo viên, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, chính các địa phương không dám tuyển hết chỉ tiêu, vì còn tính toán cho năm sau.

“Chế độ dành cho giáo viên mầm non ngoài công lập khác với trường công, do đó, trường tư dễ thu hút, tuyển dụng giáo viên hơn trường công”- bà Lệ trả lời nội dung vì sao trường tư không gặp phải những vấn đề của trường công. “Việc hợp đồng giáo viên mầm non, không phải không có nguồn tuyển nhưng chỉ ký 3 năm, các em không yên tâm”- Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin.

CHÍNH SÁCH, CHỦ TRƯƠNG THIẾU THỐNG NHẤT

Với những thông tin nêu trên, hoàn toàn dễ nhận thấy, giáo dục mầm non đang tồn tại nhiều bất cập cần được giải quyết, tháo gỡ càng sớm càng tốt. Thế nhưng, việc giải những bài toán đặt ra cho giáo dục mầm non không đơn giản.

Trước tiên là câu chuyện biên chế hay hợp đồng đối với giáo viên. Như đã biết, đối chiếu quy định hiện hành, Tây Ninh đang thiếu hàng trăm giáo viên mầm non, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Dù không phải là tất cả nhưng việc thiếu người, khối lượng công việc nhiều là một trong những nguyên nhân dẫn đến những điều đáng tiếc, không nên có trong bậc học này.

 Trước tình hình đó, đầu năm học này, cấp có thẩm quyền đã quyết định tuyển dụng 375 giáo viên để bổ sung cho từng địa phương, căn cứ vào nhu cầu, quy mô trường lớp. Kết quả, mặc dù được thông báo rộng rãi nhưng chỉ tuyển được tổng cộng 35 người- một con số rất thấp. Khi kết quả tuyển dụng được công bố, cũng có ý kiến bất ngờ, bởi vì nguồn tuyển giáo viên không thiếu, tại sao tuyển không đủ? Câu trả lời không khó nếu có đủ thông tin và cách nhìn toàn diện.

 Đầu năm học này (2018-2019), khi cấp thẩm quyền có quyết định chính thức tuyển 375 giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng 3 năm, bên hành lang một hội nghị của ngành Giáo dục, chúng tôi- người viết bài này đã đặt câu hỏi với một lãnh đạo ngành rằng, thời gian hợp đồng 3 năm liệu ứng viên có dự tuyển không? Sau thời gian đó, số lao động hợp đồng này có tiếp tục được đứng lớp hay không? Trao đổi với tư cách cá nhân, vị lãnh đạo ngành cho biết: “Nói là hợp đồng 3 năm nhưng sau đó mình cũng phải tính toán để các em có chỗ làm chính thức, ai bỏ rơi các em được”.

Mong muốn của vị lãnh đạo ngành là đồng nghiệp của mình có chỗ làm việc lâu dài. Tuy vậy, những gì diễn ra sau đó cho thấy, mong muốn đó không thành hiện thực. Trước khi ký hợp đồng 3 năm, các ứng viên không thể không cân nhắc về tính bền vững, ổn định và cơ hội tìm việc làm sau thời gian đó. Cho rằng thời gian lao động 3 năm, sau đó không biết thế nào nên nhiều sinh viên tốt nghiệp sư phạm mầm non cảm thấy bất an, do đó họ đã lựa chọn con đường đi khác. Như, đầu quân cho cơ sở mầm non ngoài công lập, tìm chỗ làm trong trường mầm non ở các tỉnh, thành phố khác hoặc đi làm công nhân (Báo Tây Ninh đã thông tin).

Đúng như lãnh đạo Sở GD-ĐT đã nói trong phiên giải trình, nguồn tuyển giáo viên không thiếu nhưng cái khó là vướng các quy định hiện hành. Đơn cử như vấn đề thu nhập. Ví dụ, tổng thu nhập của một giáo viên có bằng trung cấp hoặc cao đẳng sư phạm mầm non làm trong trường công lập chỉ khoảng 2,5 đến 2,7 triệu đồng một tháng, chưa trừ “linh tinh phí”.

Tiền thực lãnh của một giáo viên mầm non công tác năm đầu tiên chỉ còn lại khoảng 2,3 triệu đồng. Trong khi đó, đồng nghiệp của họ ở trường ngoài công lập, có thể hưởng mức lương gần 5 triệu đồng, tuỳ vào từng cơ sở giáo dục. Nói ngắn gọn, thu nhập chính là một trong nguyên nhân quan trọng khiến sinh viên quyết định chọn trường trong hay ngoài công lập để đi dạy (hình thức hợp đồng).

Người lao động không mặn mà với hình thức tạm tuyển trong các trường mầm non công lập, vậy phải làm gì để thu hút họ? Câu trả lời thật ra khá đơn giản: tuyển dụng họ chính thức vào biên chế. Khác với các ngành nghề khác thường có thể “nhảy việc”, đặc điểm lao động của nhà giáo là tính ổn định. Ngành Giáo dục và UBND các cấp không phải không biết điều đó, song lại không thể tuyển dụng chính thức do liên quan đến biên chế.

Vậy vướng mắc biên chế nằm ở chỗ nào? Có thể khẳng định rằng, các thông tư, nghị định của Chính phủ và cả nghị quyết của Đảng hiện nay… thiếu sự thống nhất. Năm 2015, liên bộ GD-ĐT và Nội vụ ban hành Thông tư số 06 quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Để cho dễ hiểu, xin được nói ngắn gọn, theo quy định của Thông tư 06, Tây Ninh đang thiếu hàng trăm giáo viên mầm non.

Theo nguyên tắc, đã thiếu là được quyền tuyển cho đủ. Ngoài Thông tư 06 năm 2015, tháng 1.2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 06 quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non. Nghị định 06 có nội dung liên quan đến giáo viên hợp đồng: “Giáo viên mầm non (bao gồm cả phó hiệu trưởng) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong định mức giáo viên được cấp có thẩm quyền phê duyệt ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập”.

Tại phiên giải trình, có ý kiến đề xuất Sở GD-ĐT và UBND các cấp vận dụng nội dung này để tuyển giáo viên. Căn cứ Nghị định 06, đề xuất nêu trên không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, Bộ Nội vụ từng trả lời rằng, việc tuyển dụng giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng trong thời điểm này là không đúng. Ở đây cần phải thấy, câu trả lời của Bộ Nội vụ là có căn cứ. Bởi vì theo Nghị quyết 19 năm 2017 của Trung ương Đảng, các đơn vị sự nghiệp công lập chẳng những không được hợp đồng với các vị trí làm công tác chuyên môn mà còn phải tinh giản biên chế.

Đến thời điểm này, Thông tư 06, Nghị định 06, Nghị quyết 19 đều đang có hiệu lực, do đó, không khó để nhận thấy, giữa ba văn bản về chính sách, chủ trương này đang tồn tại những mâu thuẫn. Nguyên nhân nào, giải pháp đó, muốn giải quyết được bài toán thiếu giáo viên mầm non thì phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh ba văn bản nêu trên.

Sự hy vọng đã “loé lên” khi trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cách nay chưa lâu, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ Chính trị đã đồng ý cho phép 17 tỉnh, thành phố được tuyển giáo viên mầm non, trong đó có Tây Ninh. Tuy vậy, quãng đường từ chủ trương cho đến khi thực hiện cũng tương đối dài. Năm học 2018-2019 đã gần đến ngày bế giảng, do đó, tháo gỡ những bất cập ở bậc giáo dục mầm non cho năm học tới phải được đặt ra ngay từ bây giờ.

VIỆT ĐÔNG

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục