Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Lợi ích của việc thuê chuyên gia y tế từ các đơn vị y tế tuyến trên về hỗ trợ cho các cơ sở y tế trong tỉnh, với nhiều hình thức làm việc linh hoạt, là vừa thuận tiện cho chuyên gia, vừa tạo điều kiện cho cán bộ y tế trong tỉnh tiếp thu kiến thức tại chỗ, thực hành ngay tại chỗ như tham gia phẫu thuật, thủ thuật, chủ trì chuyển giao kỹ thuật, giảng dạy, làm việc ngắn hạn.
Cùng với việc nâng cấp toàn diện Bệnh viện Ða khoa Tây Ninh, ngành Y tế tỉnh nhà đã và đang xây dựng nhiều kế hoạch để từng bước cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ người dân. Ðể làm rõ thêm những thông tin liên quan về đầu tư cho y tế, Báo Tây Ninh có cuộc trò chuyện với bác sĩ Hoa Công Hậu- Giám đốc Sở Y tế (ảnh bên).
Phóng viên: Thưa ông, trong buổi làm việc mới đây giữa Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc với Sở Y tế, lãnh đạo tỉnh có nhận định, thời gian qua, ngành Y tế đã làm được nhiều việc, xã hội ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Một cách ngắn gọn nhất, ông có thể cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngành Y tế đã thu được những kết quả gì?
Bác sĩ Hoa Công Hậu: Qua 25 năm thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 4- BCHTW Ðảng (khoá VII) về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị; năng lực chuyên môn, tinh thần và thái độ phục vụ của cán bộ y tế được chấn chỉnh và từng bước nâng lên.
Công tác y tế dự phòng được chú trọng, không để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng. Các chương trình y tế quốc gia, hoạt động hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào vùng sâu, dân tộc thiểu số đạt kết quả khá tốt. Vấn đề an toàn thực phẩm được quan tâm thường xuyên. Duy trì 100% trạm y tế có bác sĩ luân phiên hoạt động, 100% ấp có nhân viên y tế cộng đồng, đạt 6,3 bác sĩ và 18,8 giường bệnh trên vạn dân; 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến 2020; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng theo cân nặng giảm còn 11,8%; gần 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế; xã hội hoá trong lĩnh vực y tế đạt một số kết quả tích cực.
Ðể có kết quả đó, lãnh đạo ngành và chính quyền các cấp đã quán triệt, vận dụng sáng tạo những chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Tỉnh đã tập trung đầu tư có chọn lọc, có trọng điểm phù hợp với thực tế, ưu tiên hướng về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Phóng viên: Ngoài những mặt đã làm được, là người đứng đầu ngành Y tế tỉnh nhà, ông nhận thấy còn những tồn tại, hạn chế nào cần giải quyết?
Bác sĩ Hoa Công Hậu: Chất lượng môi trường sống, làm việc, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thân thể, văn hoá tinh thần... ở nhiều nơi chưa được chú trọng, bảo đảm. Nhiều hành vi, thói quen ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ chưa được khắc phục căn bản. Hệ thống tổ chức y tế còn thiếu ổn định, hoạt động chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở và chăm sóc sức khoẻ ban đầu.
Chất lượng dịch vụ, nhất là ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến trên chậm được khắc phục. Thái độ phục vụ thiếu chuẩn mực của một bộ phận cán bộ y tế; một số vụ việc, sự cố y khoa gây phản cảm, bức xúc trong xã hội. Lợi thế của y, dược cổ truyền, dược liệu dân tộc chưa được phát huy tốt.
Quản lý Nhà nước về y tế tư nhân, cung ứng thuốc, thiết bị y tế còn nhiều yếu kém. Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế. Việc đổi mới cơ chế hoạt động, quản lý trong các cơ sở y tế công lập còn lúng túng. Công tác đào tạo, sử dụng, cơ cấu, chế độ đãi ngộ cán bộ y tế còn nhiều bất cập. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn cao, tầm vóc người dân chậm được cải thiện, số năm sống khoẻ chưa tăng tương ứng với tuổi thọ.
Ngày 2.11.2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2680/QÐ-UBND phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng Bệnh viện Ðiều dưỡng và phục hồi chức năng. Công trình này có tổng diện tích xây dựng gần 6.500 mét vuông, được xây tại đường Nguyễn Hữu Thọ, khu phố 5, phường 3, TP. Tây Ninh với tổng mức đầu tư hơn 124 tỷ đồng. Công trình được thi công trong thời gian từ năm 2018 - 2020. |
Phóng viên: Ðược biết, Bệnh viện Ða khoa tỉnh đang xây dựng đề án thu hút các chuyên gia trình độ cao trong một số lĩnh vực quan trọng của ngành nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Chủ trương thu hút chuyên gia trình độ cao về hỗ trợ Bệnh viện Ða khoa là cần thiết, song cũng có ý kiến hoài nghi về tính khả thi, vì ngay cả chuyện thu hút bác sĩ chính quy cũng đã khó. Là người đứng đầu ngành Y tế tỉnh nhà, ông nhìn nhận vấn đề trên như thế nào?
Bác sĩ Hoa Công Hậu: Ðội ngũ bác sĩ của tỉnh phần lớn chưa được đào tạo chuyên sâu lĩnh vực y học, tay nghề còn hạn chế; ngành Y tế của tỉnh chưa có nhiều bác sĩ chuyên khoa đầu ngành ở các lĩnh vực chuyên khoa quan trọng. Lợi ích của việc thuê chuyên gia y tế từ các đơn vị y tế tuyến trên về hỗ trợ cho các cơ sở y tế trong tỉnh, với nhiều hình thức làm việc linh hoạt, là vừa thuận tiện cho chuyên gia, vừa tạo điều kiện cho cán bộ y tế trong tỉnh tiếp thu kiến thức tại chỗ, thực hành ngay tại chỗ như tham gia phẫu thuật, thủ thuật, chủ trì chuyển giao kỹ thuật, giảng dạy, làm việc ngắn hạn.
Qua đó, người dân được tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ y tế cao do các chuyên gia đầu ngành của tuyến trên thực hiện tại tỉnh nhà, tạo điều kiện thuận lợi và giảm bớt chi phí cho việc đi lại, chăm sóc người thân, về lâu dài sẽ góp phần giảm tải cho tuyến trên. Nếu có cơ chế linh hoạt, nhất là về tài chính thì việc làm này là phổ biến giữa các bệnh viện. Bằng chứng là, các bệnh viện tư nhân trong tỉnh và nhất là Trung tâm Y tế Gò Dầu là cơ sở công lập thực hiện trong nhiều năm qua đã có kết quả rất đáng khích lệ.
Ông Hoa Công Hậu tại lễ ký kết hợp tác với Khoa Y- Ðại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh về đào tạo nhận lực cho ngành Y tế Tây Ninh.
Phóng viên: Trong báo cáo 9 tháng năm 2018, Sở Y tế có nêu dự án đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Ðiều dưỡng và Phục hồi chức năng đã được UBND tỉnh phê duyệt, đơn vị chuẩn bị bàn giao mặt bằng thi công. Ông vui lòng cho bạn đọc biết, vì sao phải xây mới Bệnh viện Ðiều dưỡng và Phục hồi chức năng?
Bác sĩ Hoa Công Hậu: Làng Hoà Bình Tây Ninh (nay là Bệnh viện Phục hồi chức năng Tây Ninh) được thành lập từ năm 1994 theo Quyết định số 07/QÐ-UBND ngày 26.2.1994 của UBND tỉnh Tây Ninh. Ðây là đơn vị do tổ chức phi Chính phủ Làng Hoà Bình quốc tế Cộng hoà Liên bang Ðức tài trợ cơ sở vật chất ban đầu; có chức năng nuôi dưỡng, điều trị, giáo dục, hướng nghiệp cho trẻ em khuyết tật và tham gia nghiên cứu khoa học.
Hoạt động của Làng Hoà Bình đã đem lại hiệu quả đáng kể trong điều trị phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật. Làng Hoà Bình đã đưa nhiều bệnh nhi đi phẫu thuật trong và ngoài nước đều miễn phí hoàn toàn. Nhằm đáp ứng một phần nhu cầu cấp bách trong công tác chăm sóc, điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho người dân trong tỉnh, Làng Hoà Bình Tây Ninh được chính thức chuyển đổi thành Bệnh viện Ðiều dưỡng - Phục hồi chức năng Tây Ninh theo Quyết định số 162/QÐ-UBND ngày 15.11.2006 của UBND tỉnh (trên cơ sở tổ chức lại hoạt động từ Làng Hoà Bình).
Trong những năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo ngành, cùng với đội ngũ thầy thuốc tận tâm, Bệnh viện Ðiều dưỡng và Phục hồi chức năng đã tích cực phục vụ bệnh nhân và ngày càng được tín nhiệm, thể hiện qua số người khám, chữa bệnh hằng năm ngày càng gia tăng. Mỗi năm, bệnh viện đã phục vụ 10.000 - 15.000 lượt người khám, điều trị phục hồi chức năng. Ðể phục vụ số bệnh nhân ngày càng tăng, bệnh viện đã tổ chức cải tạo, sửa chữa khắc phục, kê thêm giường, thu hẹp tối đa nơi làm việc của thầy thuốc…
Ðầu tiên, bệnh viện được giao 40 giường bệnh, kế đến được nâng lên 50 giường bệnh. Hiện tại, Bệnh viện đang sử dụng đến 94 giường bệnh để phục vụ bệnh nhân. Song, người bệnh vẫn ở trong tình trạng chật chội, không thoáng khí. Bệnh nhân không chỉ bị hạn chế nơi nằm mà còn không có khuôn viên đi lại, tập luyện, thư giãn, giải trí nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị, phục hồi chức năng.
Do quá chật hẹp nên bệnh viện không còn có diện tích triển khai thêm máy móc thiết bị. Khu làm việc của bệnh viện trước đây là khu nhà cấp IV, riêng nhà làm việc chính là cấp III, một trệt và một lầu, tuổi thọ đã lâu nên xuống cấp trầm trọng, diện tích làm việc chật hẹp, không đủ để bố trí các khu chức năng. Mặc dù được cải tạo nhưng vẫn chắp vá, không đáp ứng được nhu cầu của một bệnh viện.
Vì vậy, xây mới cơ sở Bệnh viện và nâng quy mô giường bệnh từ 50 lên 100 giường là rất cần thiết. Dự án xây dựng Bệnh viện được UBND tỉnh phê duyệt căn cứ trên các quy định hiện hành, trong phạm vi khu vực đất công và giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, đang ở giai đoạn triển khai thực hiện. Còn việc cấp quyền sử dụng đất và tạo điều kiện về lối đi cho người dân xung quanh thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của UBND TP. Tây Ninh.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này.
VIỆT ÐÔNG