Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thanh toán không dùng tiền mặt là mục tiêu hướng tới của Chính phủ nhằm hạn chế khối lượng tiền mặt lưu thông và minh bạch hoá các dòng tiền trong nền kinh tế.
Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán xuống dưới mức 10% vào cuối năm 2020 và rút xuống còn 8% vào cuối năm 2025.
Nhân viên một siêu thị thanh toán qua máy POS cho khách hàng.
Trong thời gian qua, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh dần gia tăng, nhiều chính sách ưu đãi như giảm phí dịch vụ, giảm lãi vay đối với các khoản vay mới phát sinh… nhưng tỷ lệ người sử dụng tiền mặt vẫn còn cao.
Hiện nay, đa phần người tiêu dùng vẫn chưa quen về các phương thức thanh toán mới và vẫn giữ thói quen chi tiêu bằng tiền mặt, nhất là ở khu vực nông thôn, lao động phổ thông, nên còn dè dặt với các hình thức thanh toán qua thẻ, ví điện tử... Ngoài ra, các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt đòi hỏi người dùng am hiểu về công nghệ, có tài khoản tại các ngân hàng liên kết.
Ðại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) cho biết, 100% quân nhân đã thực hiện chi lương, nhận lương qua tài khoản và sử dụng các dịch vụ tiện ích như thanh toán tiền điện, tiền nước... Ðối với các doanh nghiệp giao dịch tại MB, ngân hàng cũng đang từng bước thuyết phục khách hàng sử dụng kênh thanh toán này. Tuy nhiên, khi chi lương, nhận lương qua tài khoản, và đã tư vấn có thể dùng thẻ để thanh toán được, người lao động vẫn rút tiền mặt để sử dụng.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Tây Ninh, 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh có 501 POS (máy thanh toán tiền qua thẻ), tăng 52 POS so với 3 tháng đầu năm, giao dịch không sử dụng tiền mặt hơn 207.379 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 49,2% doanh số. Trên thực tế, số lượng giao dịch không sử dụng tiền mặt thời gian qua đã tăng lên đáng kể; nhưng tỷ lệ sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn cao do thói quen tiêu dùng và những lo ngại về các loại phí phát sinh...
Tại các siêu thị Co.opMart, Bách Hoá Xanh, Thế giới di động… hầu hết đều đã bố trí máy quẹt thẻ POS (hỗ trợ ATM thanh toán tiền hoá đơn/dịch vụ hàng hoá) ở các quầy tính tiền để hỗ trợ khách hàng sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ của tất cả các ngân hàng. Tuy nhiên, rất ít khách hàng sử dụng dịch vụ này. Thậm chí khi mua hàng hoá có giá trị hàng chục triệu đồng, người dân vẫn sử dụng tiền mặt.
Theo một nhân viên thu ngân của siêu thị Co.opMart Tây Ninh, tỷ lệ giao dịch bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại siêu thị chiếm khoảng 5%-10%, tập trung ở nhóm khách hàng là cơ quan, tổ chức. Nhóm khách hàng lớn tuổi và nhiều người dân vẫn sử dụng tiền mặt là chủ yếu.
Chị Ngọc Mai (ngụ phường 3, TP.Tây Ninh) cho rằng, người dân vẫn còn sử dụng tiền mặt vì chỉ khi sử dụng máy quẹt thẻ mới không phải trả phí. Trong khi đó, thanh toán qua các kênh thanh toán, thanh toán trực tuyến thì đều yêu cầu phải đăng ký dịch vụ internet banking hoặc Mobile banking, mức phí duy trì từ 8.000 - 10.000 đồng/dịch vụ, tuỳ ngân hàng.
Chị Mai tạm tính: “Nếu khách hàng phải trả tiền trung bình khoảng 20.000 - 30.000 đồng cho các dịch vụ thông báo SMS, internet banking hoặc Mobile banking mà chưa tính đến các khoản phí giao dịch nếu có, khách hàng có thể trả phí lên đến khoảng 50.000 đồng/tháng. Nhưng nếu giao dịch bằng tiền mặt, chỉ phải trả phí rút tiền tại ATM 1 lần với mức phí là 1.100 đồng/giao dịch. Vì vậy, tôi cho rằng, Nhà nước cần khuyến khích, có chính sách ưu đãi hơn nữa đối với cá nhân dùng thẻ và các phương tiện hiện đại trong thanh toán dịch vụ”.
Vũ Nguyệt