Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Cần có chính sách nâng thu nhập cho người trồng rừng
Thứ bảy: 12:42 ngày 07/04/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Để đảm bảo lợi ích cho người trồng rừng và rừng phát triển tốt cần có biện pháp mạnh tay hơn đối với những trường hợp vi phạm, đồng thời phải có chính sách khuyến khích để người dân sống được với việc chăm sóc, bảo vệ rừng.

Từ hơn 20 năm trước đây, Nhà nước có chính sách khuyến khích (cho phép) người dân kết hợp trồng cây nông nghiệp ngắn ngày và cây phụ trợ xen canh với cây lâm nghiệp chính để khôi phục lại rừng đã bị khai thác trắng, thuộc vùng quy hoạch đất lâm nghiệp. Các mô hình trồng xen cây mì, cây tràm, điều… với cây trồng chính là cây dầu, cây sao, cây giá tị; khi cây trồng chính khép tán thì Nhà nước sẽ chi trả phí chăm sóc, bảo vệ rừng cho người dân trồng rừng.

Một khu rừng dầu hơn 20 năm tuổi đang bị bức tử để trồng khoai mì

Theo số liệu của các Ban quản lý rừng (chủ rừng), trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 10.000 ha rừng trồng được phép trồng xen canh cây phụ trợ. Theo hợp đồng ký kết giữa chủ rừng với người dân, trong 3 năm đầu người dân được trồng xen canh cây nông nghiệp, 5 năm tiếp theo được trồng cây phụ trợ như keo, bạch đàn, tràm từ năm thứ 9 trở đi khi cây trồng chính khép tán thì không trồng xen canh, để cây trồng chính phát triển thành rừng. Nhiều diện tích trồng rừng theo mô hình này phát huy hiệu quả khá tốt; khi cây trồng chính khép tán, người dân để nguyên cho cây trồng chính phát triển thành rừng. Điển hình là khu rừng dầu hơn 100 ha tại huyện Dương Minh Châu, hay gần 70 ha tại Tiểu khu 63 trong hồ Dầu Tiếng cây dầu phát triển rất tốt, dưới tàng cây dầu nhiều tầng cây rừng tái sinh phát triển tạo được thảm thực vật, hình thành rừng nhiều tầng, đúng nghĩa là “rừng”.

Tuy nhiên, hiện còn hơn 500 ha rải rác ở nhiều địa phương, người dân không thực hiện đúng hợp đồng trước đây, họ dùng mọi hình thức để cây trồng chính không thể phát triển được như liên tục mé (chặt) trụi cành, chặt đứt rễ, bóc bỏ vỏ, đốt gốc… làm cho cây trồng chính không những không phát triển mà chết dần chết mòn. Sở dĩ người dân làm như vậy là để tận dụng mặt đất dưới tán cây trồng chính để “thâm canh” cây khoai mì, hoặc “xen canh” cây trồng phụ trợ cho thu nhập cao, hơn là để cây rừng khép tán chỉ được nhận 400.000 đồng/1ha/năm như hiện nay đang thực hiện.

Sở dĩ có tình trạng này là do trước đây hợp đồng không rõ ràng, không có điều kiện “bắt buộc” nên nhiều người dân đã lợi dụng sơ hở để liên tiếp trồng xen canh cây nông nghiệp và cây phụ trợ. Ông Vương Quốc Thới, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết: Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh xem xét lại những mô hình không phát huy tác dụng, sửa đổi lại các hợp đồng, quy định rõ mục đích, yêu cầu cho người dân, để khôi phục việc trồng rừng. Khi cây trồng chính khép tán, người dân phải để nguyên trạng để cây trồng chính và cây tái sinh tự phát triển, như vậy người dân mới được hưởng chi phí dịch vụ chăm sóc, bảo vệ rừng. Những trường hợp không chấp hành nghiêm túc sẽ kiến nghị xử lý nghiêm túc, kể cả việc kiến nghị UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất giao cho chủ rừng thực hiện việc trồng rừng.

Để đảm bảo lợi ích cho người trồng rừng và rừng phát triển tốt cần có biện pháp mạnh tay hơn đối với những trường hợp vi phạm, đồng thời phải có chính sách khuyến khích để người dân sống được với việc chăm sóc, bảo vệ rừng. Như hiện nay mỗi ha rừng trồng khi khép tán người dân chỉ được nhận 400.000 đồng, chỉ đủ chi phí cho việc cày phòng cháy một lượt. Nhiều ý kiến đề xuất cần nâng mức chi phí này lên 800.000 đến 1.000.000 đồng/1ha/năm người trồng rừng mới có lợi để tích cực trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.

KHẮC LUÂN

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục