Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng cánh đồng lớn mía:
Cần có chính sách phù hợp
Thứ hai: 06:07 ngày 22/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, mía trồng tại Tây Ninh đa số có diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu còn sản xuất thủ công, đan xen với các loại cây trồng khác nên khó khăn trong áp dụng cơ giới hoá. Do đó, việc xây dựng cánh đồng lớn trên cây mía để làm tiền đề phát triển ngành mía đường bền vững là rất cần thiết.

Thu hoạch mía.

Trong vụ Đông Xuân 2016-2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã thực hiện thí điểm xây dựng cánh đồng lớn, liên kết sản xuất và tiêu thụ mía trên địa bàn tỉnh. Các cánh đồng mía thí điểm có diện tích từ 20 ha trở lên, áp dụng đồng bộ giống, quy trình sản xuất và cơ giới hoá đồng bộ từ trồng đến thu hoạch; nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ vốn sản xuất.

Ông Đặng Công Tiến (ngụ ấp Cây Ổi, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành) là một trong những nông dân tham gia thực hiện thí điểm mô hình cánh đồng lớn trên cây mía. Ông Tiến cho biết, gia đình ông có 6,2 ha mía. Vụ mía 2016-2017, ông liên kết cùng 2 nông dân khác có diện tích đất liền kề để làm cánh đồng lớn. Theo ông, việc sản xuất theo cánh đồng lớn rất hiệu quả, do có áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất, chất lượng cao hơn và giảm chi phí đầu tư. Vụ vừa qua, năng suất thu hoạch trên cánh đồng ông tham gia trồng đạt khoảng 100 tấn/ha.

Trong vụ mía 2016-2017, Nhà máy đường TTC Biên Hoà Tây Ninh đã xây dựng được 2 cánh đồng lớn ở huyện Châu Thành, gồm 1 cánh đồng ở xã Hoà Thạnh (diện tích 20 ha với 3 nông dân tham gia), 1 cánh đồng ở xã Ninh Điền (24 ha với 4 nông dân tham gia).

Anh Phạm Công Nghiệp, cán bộ Nhà máy đường TTC Biên Hoà Tây Ninh cho biết, nông dân được nhà máy hỗ trợ đầu tư vốn, cơ giới hoá sản xuất 100% và có thêm bảo hiểm lợi nhuận. Năng suất dự kiến năm đầu 100 tấn/ha, năm thứ hai 90 tấn/ha, năm thứ ba 80 tấn/ha. Bảo hiểm lợi nhuận cho vụ 1 (mía tơ) 20 triệu đồng/ha, vụ 2 (gốc 1) 25 triệu đồng/ha, vụ ba (gốc 2) 20 triệu đồng/ha.

Anh Nghiệp đánh giá, việc sản xuất mía theo cánh đồng lớn giúp tiết kiệm được chi phí, nông dân nắm bắt được quy trình canh tác tiên tiến do nhà máy chuyển giao. Đồng thời, cánh đồng lớn rất thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hoá, bảo đảm tính thời vụ và yêu cầu kỹ thuật.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cánh đồng lớn còn “vướng” ở chỗ phá bờ lô thửa, vì nông dân sợ sau này khi không còn liên kết trồng mía, việc phân định ranh đất sẽ gặp khó khăn. Vấn đề này, Nhà máy đường TTC Biên Hoà Tây Ninh cho biết, khi thực hiện cánh đồng lớn thì bộ phận kỹ thuật đã định vị GPS để xác định diện tích rồi mới ký kết hợp đồng.

Anh Nguyễn Hồng Sơn, cán bộ Công ty cổ phần Đường Nước Trong cho biết, năm vừa rồi, công ty xây dựng được 1 cánh đồng lớn với diện tích 31,32 ha; tổng sản lượng thu hoạch 3.195 tấn; năng suất trung bình 102 tấn/ha; chữ đường 9,16 CCS. Theo anh Sơn, trong vụ trước, do chi phí đầu tư nhiều nên lợi nhuận nông dân thu về không cao.

Thời điểm thu hoạch mía vào tháng 11.2017 nhưng thời tiết không thuận lợi, mưa bão nhiều nên không thể thu hoạch bằng máy, dẫn đến phát sinh thêm chi phí (chi phí đầu tư cho vụ mía 2016-2017 là trên 60 triệu đồng/ha). Ngoài ra, nông dân còn đầu tư thêm đường điện trung thế, trạm biến áp 50 kVA, đường điện hạ thế, giếng khoan với chi phí khoảng 365 triệu đồng (trong đó, nhà máy hỗ trợ đầu tư khoảng 60 triệu đồng). Nếu chỉ tính trên chi phí đầu tư cơ bản thì nông dân còn lời khoảng 8 triệu đồng/ha.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, vụ Đông Xuân 2016-2017, toàn tỉnh đã xây dựng được 3 cánh đồng lớn trên cây mía, gồm 1 cánh đồng ở xã Tân Hội (huyện Tân Châu), 2 cánh đồng ở xã Hoà Thạnh và Ninh Điền (huyện Châu Thành).

Các cánh đồng được trồng thống nhất một giống mía (giống VN84-4137 ở Tân Châu và giống KK3 ở Châu Thành). Vào vụ trồng, nông dân xuống giống đồng loạt, lắp đặt hệ thống tưới béc phun, áp dụng 100% cơ giới trong khâu làm đất, trồng mía, bón phân và thu hoạch.

Các công ty mía đường cho nông dân ứng vốn đầu tư sản xuất, chi phí cải tạo kênh mương nội đồng, chi phí áp dụng cơ giới hoá (lắp đặt hệ thống tưới béc phun, chi phí cày sâu không lật và trồng mía bằng máy); hỗ trợ cung cấp dịch vụ cơ giới; ký hợp đồng tiêu thụ toàn bộ sản lượng mía và bảo hiểm lợi nhuận cho nông dân tham gia cánh đồng lớn. Lợi nhuận sản xuất trong vụ mía vừa qua ước khoảng 25 triệu đồng/ha, cao hơn từ 10-15% so với sản xuất đại trà.

Trồng mía.

Tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng trong quá trình thực hiện thí điểm xây dựng cánh đồng lớn mía còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Nông dân tham gia mô hình không đồng ý phá bờ ranh đất, do đó, nông dân và các công ty mía đường đã thống nhất không thực hiện phá bờ, mà chỉ hạ thấp bờ để dễ thực hiện đồng bộ về cơ giới hoá, tưới tiêu cho cánh đồng.

Được biết, kế hoạch thí điểm xây dựng cánh đồng lớn, liên kết sản xuất và tiêu thụ mía năm 2016, tỉnh tập trung xây dựng cánh đồng lớn, liên kết sản xuất mía tại 5 huyện trọng điểm trồng mía của tỉnh là Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Bến Cầu và Dương Minh Châu.

Tuy nhiên, trong vụ 2016-2017, tỉnh chưa triển khai thực hiện được mô hình ở các huyện Bến Cầu, Dương Minh Châu và Tân Biên do khó khăn trong quá trình vận động nông dân tham gia. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ cho nông dân tham gia cánh đồng lớn cũng chưa thật sự khuyến khích.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người trồng mía thay đổi tư duy, tập quán canh tác cũ; khuyến khích nông dân liên kết với nhau thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, hình thành các cánh đồng lớn trên cây mía để thuận lợi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng cơ giới hoá.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn theo chủ trương của Trung ương và địa phương để hỗ trợ, khuyến khích nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia xây dựng cánh đồng lớn.

TRÚC LY

 

Từ khóa:
Tin liên quan