Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thiếu hụt lao động ở các khu công nghiệp:
Cần có chính sách tốt để “giữ chân”và thu hút công nhân
Thứ hai: 09:41 ngày 30/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngoài thu nhập, tiền lương, doanh nghiệp còn có các phúc lợi khác như chuẩn bị ký túc xá để công nhân có nơi ở ổn định; với lao động ở vùng sâu, vùng xa thì bố trí xe đưa đón để họ đi làm được thuận lợi hơn.

Công nhân tại một doanh nghiệp dệt may (ảnh minh hoạ).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 khu công nghiệp được thành lập và đang hoạt động, gồm: Trảng Bàng, Linh Trung III, Thành Thành Công, Phước Đông, Chà Là và 2 khu kinh tế cửa khẩu là Mộc Bài và Xa Mát. Tính đến cuối tháng 5.2019, tại các KCN, KCX, KKTCK có trên 119.300 lao động, trong đó, lao động Việt Nam là 116.605 người, lao động nước ngoài trên 2.700 người.

Đa phần doanh nghiệp trong các khu KCN, KCX, KKT thu hút lao động số lượng lớn thuộc các ngành dệt da, may, giày... với nhu cầu chủ yếu là lao động phổ thông. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động vào các khu công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.

Một doanh nghiệp chuyên sản xuất giày thể thao xuất khẩu ở xã Chà Là (huyện Dương Minh Châu) cho biết, năm 2017, công ty có trên 14.000 lao động; năm 2018 khoảng 15.600 lao động. Hiện tại, số lao động khoảng 13.900 người, giảm nhiều so với những năm trước đây. Công ty còn đang thiếu khoảng 2.000 lao động và gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tuyển dụng, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đại diện công ty chia sẻ, trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều doanh nghiệp nên có sự cạnh tranh về nguồn lao động. Người lao động sẽ lưu chuyển sang những doanh nghiệp có nhiều chế độ, chính sách có lợi cho họ.

Một doanh nghiệp khác ở xã Truông Mít (cũng thuộc huyện Dương Minh Châu) cho biết, số lao động hiện nay của công ty khoảng 9.900 người, trong đó, công nhân là  8.032 người, còn lại là nhân viên, kỹ sư, cán bộ, quản lý... Qua thống kê, năm 2018, tỷ lệ nghỉ việc của công ty khoảng 3,3%, đến 8 tháng đầu năm 2019 là 4,7%.

Trong đó, các tháng có tỷ lệ người lao động nghỉ việc cao như tháng hai (8,51%), tháng ba (6,67%). Tháng 8 vừa qua, tỷ lệ này khoảng 3,32%. Do đó, để tuyển dụng được lao động đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, công ty sẽ cố gắng đẩy mạnh thực hiện các chính sách thu hút lao động trong thời gian tới.

Theo Ban Quản lý KKT, doanh nghiệp đa phần tuyển dụng trực tiếp nguồn lao động là người ở địa bàn doanh nghiệp đóng và từ các huyện, thành phố trong tỉnh. Số lượng lao động được tuyển dụng tại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở là 41.964 người, chiếm 37,04%.

Đối với lao động tại các huyện khác trong tỉnh, nhiều doanh nghiệp tổ chức hoạt động tuyển dụng, đưa đón công nhân từ địa phương đến nơi làm việc. Địa bàn xa nhất mà doanh nghiệp tuyển dụng khoảng 70 km. Số lượng người lao động trong nhóm này gần 41.400 người, chiếm 36,51%. Ngoài ra, doanh nghiệp còn tuyển dụng lao động địa phương khác ngoài tỉnh vào làm việc với gần 30.000 người, chiếm tỷ lệ 26,45%.

Thực hiện đề án “Giải quyết lao động cho các khu công nghiệp, khu kinh tế giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030”, năm 2019, Ban Quản lý KKT đã tiến hành khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, có 57 doanh nghiệp phản hồi. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng năm 2019 là 33.009 lao động (có 21.569 lao động nữ), tập trung ở các doanh nghiệp FDI với ngành nghề may mặc, giày da, dệt sợi.

Trong đó, nhu cầu chủ yếu là lao động phổ thông với khoảng 22.800 người, lao động tay nghề khoảng 8.900 người, kỹ sư/kỹ thuật 231 người; thông dịch/hành chính 332 người; quản lý sản xuất 224 người; quản lý chất lượng 234 người; mua hàng/xuất nhập khẩu 57 người; nhân sự/kế toán 63 người…

Cũng theo Ban Quản lý KKT, trong quý II và quý III năm 2019, nguồn nhân lực tại các KCN đang thiếu, do nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng dịch chuyển địa điểm đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI có xuất xứ từ Trung Quốc đang chuyển đơn hàng sang Việt Nam để tránh thiệt hại trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, từ đó, gây ra tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại các doanh nghiệp.

Nền kinh tế tỉnh Tây Ninh cơ bản chia thành hai khu vực riêng biệt, nếu phía Nam dành cho phát triển công nghiệp thì phía Bắc dành cho phát triển nông nghiệp (trồng và chế biến các loại cây mì, mía, cao su), trong đó nhân lực cung ứng cho ngành nông nghiệp ở khu vực này rất lớn. Chính sách tiền lương khu vực công nghiệp chưa thật sự hấp dẫn.

Người lao động, đặc biệt ở khu vực nông nghiệp phía Bắc Tây Ninh có nhiều chọn lựa nghề nghiệp phù hợp với cuộc sống hơn so với đi làm tại khu vực công nghiệp. Chi phí sinh hoạt đối với công nhân ở xa là một vấn đề mà doanh nghiệp khó giữ chân được họ. Trong khi đó, thiết chế hạ tầng phục vụ phát triển KCN chưa có hoặc chưa hoàn thiện.

Trong thời gian qua, để giải quyết vấn đề lao động cho các KCN, Ban Quản lý KKT đã thực hiện nhiều giải pháp trong công tác quản lý lao động tại địa phương như: hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động kết nối thông tin cung cầu lao động; dự báo nhu cầu lao động cho KCN, KKT; phối hợp tham mưu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng, đào tạo nghề cho người lao động; mời gọi đầu tư hạ tầng xã hội, thiết chế văn hoá phục vụ cho đời sống người lao động - đặc biệt là vấn đề nhà ở, khu sinh hoạt thể thao, nhà trẻ, trường mẫu giáo cho công nhân.

Trong thời gian tới, để giải quyết tốt hơn mối quan hệ về cung, cầu lao động, Ban Quản lý KKT sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, quảng bá nhu cầu lao động, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm. Đơn vị này cho biết thêm, thực hiện đề án giải quyết lao động tại các KCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2030, Ban đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu chung, nhưng xác định không phát triển bằng mọi giá mà định hướng phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Đối với các KCN, cần chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội (trường học, nhà trẻ…) nhằm phát triển các KCN theo hướng bền vững; ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành ít thâm dụng lao động, ngành công nghiệp phụ trợ sử dụng công nghệ tiên tiến tự động hoá cao; cơ cấu thu hút vốn đầu tư đi vào chiều sâu, chú trọng vào các giá trị tăng thêm, tiết kiệm đất đai và nhân lực.

Tham gia trong đợt khảo sát, lấy ý kiến doanh nghiệp của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, ông Nguyễn Đức Hạnh - Trưởng Phòng Dạy nghề, lao động việc làm và an toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, nguồn lao động của tỉnh nói chung có xu hướng đang thiếu hụt.

Một số doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư FDI trong thời gian này đã đi tìm để tuyển dụng thêm nguồn lao động ở tỉnh ngoài, nhất là các tỉnh miền Tây Nam bộ. Ngành chức năng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ và sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Chia sẻ kinh nghiệm của một số doanh nghiệp tuyển được lao động và giữ chân được người lao động lâu dài, ông Hạnh cho rằng, doanh nghiệp cần có những chính sách tốt để giữ chân và thu hút lao động. Ngoài thu nhập, tiền lương, doanh nghiệp còn có các phúc lợi khác như chuẩn bị ký túc xá để công nhân có nơi ở ổn định; với lao động ở vùng sâu, vùng xa thì bố trí xe đưa đón để họ đi làm được thuận lợi hơn.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục