Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Để thúc đẩy việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngày 28.6.2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 23 quy định hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 -2025.
Từ vụ Mùa năm 2020, HTX Giống cây trồng và DVNN Bàu Đồn thực hiện dự án phát triển vùng nguyên liệu trồng lúa gắn tiêu thụ sản phẩm.
Việc ban hành quyết định mang đến nhiều điều kiện thuận lợi để các cá nhân, tổ chức được thụ hưởng chính sách ưu đãi của tỉnh. Tuy nhiên, nhiều HTX, cá nhân cho rằng khó tiếp cận được chính sách vì còn vướng mắc ở khâu lập dự án đầu tư; bởi họ không có cán bộ chuyên môn có khả năng lập dự án đầu tư.
Hơn 1 năm, chỉ có 2 dự án được hỗ trợ
Thực hiện Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2020, Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhà đầu tư có nhu cầu thụ hưởng chính sách lập dự án đầu tư (hồ sơ chính sách), tổ chức thẩm định. Đến nay, qua hơn 1 năm triển khai quyết định, cấp tỉnh chưa phê duyệt hỗ trợ dự án liên kết, cấp huyện đã có 2 dự án được phê duyệt hỗ trợ liên kết.
Tại thị xã Trảng Bàng, năm 2020, địa phương có 1 dự án được hỗ trợ. Đó là dự án phát triển chăn nuôi gắn với tiêu thụ bò thịt, bò sinh sản tại 3 phường Lộc Hưng, An Tịnh, Gia Lộc. Chủ đầu tư dự án liên kết là Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi, trồng trọt, sơ chế và đóng gói Hiệp Phát.
Tổng kinh phí hỗ trợ cho dự án khoảng 1,9 tỷ đồng, trong đó, năm 2020 hỗ trợ hơn 690 triệu đồng, năm 2021 trên 1 tỷ đồng, năm 2022 là 161 triệu đồng. Theo Phòng Kinh tế thị xã Trảng Bàng, năm 2021, địa phương sẽ nhân rộng mô hình liên kết chuỗi này ở xã Phước Chỉ.
Từ vụ Mùa năm 2020, HTX Giống cây trồng và DVNN Bàu Đồn thực hiện dự án phát triển vùng nguyên liệu trồng lúa gắn tiêu thụ sản phẩm.
Huyện Gò Dầu cũng là địa phương có dự án được hỗ trợ từ chính sách này. Ông Nguyễn Văn Nhành – Giám đốc HTX Giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn cho biết, vừa qua, thực hiện dự án phát triển vùng nguyên liệu trồng lúa gắn tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn ấp 2 (xã Bàu Đồn), HTX có 17 hộ nông dân tham gia sản xuất với diện tích 34 ha.
Tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 1,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ trên 253 triệu đồng (chi phí mua giống và vật tư thiết yếu); nguồn vốn đối ứng là 1,3 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 36 tháng, kể từ vụ Mùa 2020.
Các thành viên HTX rất phấn khởi vì có chính sách hỗ trợ nông dân và HTX phát triển sản xuất. Tuy nhiên, ông Nhành cho rằng quy trình để thực hiện hưởng chính sách ưu đãi theo Quyết định 23 có quá nhiều thủ tục đối với nông dân; đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần hỗ trợ thực hiện thủ tục một cách nhanh, gọn, để các HTX, cá nhân được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định.
Thiếu nhân lực- bài toán khó cho các HXX, cá nhân
Bà Nguyễn Thị Gái Liên - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Gò Dầu cho biết, triển khai thực hiện Quyết định số 23 của UBND tỉnh, phòng đã hỗ trợ, hướng dẫn HTX các thủ tục thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, do khó khăn chung của các HTX hiện nay là thiếu nhân lực có trình độ, chuyên môn về nông nghiệp, có khả năng tự xây dựng kế hoạch, chuẩn bị hồ sơ theo quy định, do đó, việc xây dựng kế hoạch hỗ trợ liên kết của các HTX còn gặp khó khăn.
Bà Liên cho biết thêm, điều kiện quan trọng để thụ hưởng hỗ trợ từ Quyết định 23 là phải có hợp đồng liên kết ổn định (tối thiểu 3 năm đối với cây hàng năm và 5 năm đối với cây lâu năm). Ngoài cây lúa có thể tìm được hợp đồng tiêu thụ, đến thời điểm này, các HTX có các loại cây trồng khác như rau, nhãn, sầu riêng chưa có hợp đồng tiêu thụ nên rất khó để lập hồ sơ hỗ trợ.
Bên cạnh đó, một số hạng mục hỗ trợ phải thông qua dịch vụ tập trung của HTX, trong khi đó, nếu một cá nhân hay tổ hợp tác có hợp đồng tiêu thụ nhưng không sử dụng dịch vụ của HTX thì rất khó để được hỗ trợ đúng thủ tục. Thời gian tới, địa phương đề nghị Sở NN&PTNT hỗ trợ kết nối với những đơn vị tiêu thụ để các HTX trên địa bàn có thể liên kết và được hưởng chính sách hỗ trợ.
HTX Giống cây trồng và DVNN Bàu Đồn vận chuyển lúa thu hoạch.
Quyết định 23 có hướng dẫn đầy đủ các biểu mẫu, hồ sơ để cá nhân, tổ chức dễ dàng tìm hiểu. Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề này đang là “rào cản” đối với các cá nhân, HTX nông nghiệp muốn thụ hưởng chính sách để phát triển sản xuất, vì họ không có nhân lực có trình độ chuyên môn để thực hiện việc xây dựng kế hoạch, dự án… theo quy định.
Theo Sở NN&PTNT, sau thời gian triển khai thực hiện chính sách theo Quyết định 23, Sở nhận thấy có những bất cập trong qua trình áp dụng thực tế chính sách trên. Trong đó, khó khăn cho các HTX và cá nhân là chi phí đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao lớn nhưng định mức hỗ trợ của Nhà nước có hạn, đòi hỏi chủ đầu tư cần phải có nguồn vốn đối ứng nhất định. Phần lớn HTX và cá nhân hạn chế về nguồn vốn, dẫn đến số lượng dự án đăng ký thụ hưởng chính sách không nhiều.
Thế Nhân - Trúc Ly