Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Trồng và bảo vệ rừng trên đảo Nhím - Hồ Dầu Tiếng:
Cần có giải pháp đồng bộ, quyết liệt
Thứ sáu: 12:00 ngày 19/12/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Nên chăng, huyện DMC cũng áp dụng các biện pháp kiên quyết, đồng bộ trong việc thu hồi đất để thực hiện việc trồng rừng trên đảo Nhím như đã từng thực hiện ở các dự án rừng khác trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, việc trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng trên đảo Nhím nên giao cho một đơn vị có chuyên môn, đủ năng lực, quyền hạn thì sẽ có hiệu quả cao hơn.

Đảo Nhím trong hồ thuỷ lợi Dầu Tiếng được quy hoạch là đất lâm nghiệp (trồng rừng phòng hộ) từ khi hồ nước đưa vào sử dụng (1985). Cho đến năm 1991, ngành chức năng mới trồng được 49,5 ha cây keo, nhập vào tiểu khu 64 thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng.

Diện tích còn lại hơn 320 ha do người dân khai phá, bao chiếm cất nhà, sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2003 đến nay, Nhà nước đã chi hàng chục tỷ đồng hỗ trợ di dời hơn 300 hộ dân ra khỏi đảo Nhím để thực hiện các dự án. Thế nhưng hiện nay người dân lại tiếp tục tái chiếm đất đảo để sản xuất và nạn chặt phá, trộm cắp cây rừng cũng diễn ra phức tạp.

Cây rừng bị bức tử để trồng mì.

THỰC TRẠNG PHỨC TẠP...…

Khi các hộ dân được nhận tiền hỗ trợ, bồi thường tài sản trên đất và được cấp đất tái định cư tại Đồng Kèn, đất và các loại cây trồng trên đảo Nhím được giao cho UBND xã Suối Đá quản lý. Qua thời gian, các dự án trên đảo thực hiện không thành công. Việc trồng và bảo vệ rừng trên đảo được giao cho Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh thực hiện, xã Suối Đá chỉ cử một công an viên phụ trách an ninh, trật tự.

Khi 49,5 ha rừng cây keo được phép thanh lý, khai thác; lợi dụng việc này, nhiều người đã tự ý đến khai thác trái phép hàng loạt cây trồng rải rác trên đảo để lấy gỗ. Khi phát hiện, chính quyền địa phương thu giữ được hơn 100m3 gỗ các loại và lập biên bản một số người vi phạm. Các ngành chức năng của huyện Dương Minh Châu cũng vào cuộc điều tra, làm rõ. Thế nhưng đến nay, sự việc khai thác gỗ trái phép này vẫn chưa được xử lý. Từ khi Bộ CHQS tỉnh bàn giao đất đảo Nhím lại cho huyện, huyện giao cho xã Suối Đá quản lý thì chỉ trong vòng hơn 2 tháng, ở đây tiếp tục phát hiện 7 vụ “lâm tặc” đốn hạ cây rừng (Báo Tây Ninh đã đưa tin).

Trên đảo Nhím hiện có hơn 80 hộ gia đình cất nhà ở để trồng mì và chăn nuôi gia súc gia cầm. Trong đó có 12 hộ dân chưa chịu nhận tiền hỗ trợ, đền bù để di dời. Tổng diện tích sản xuất của 12 hộ này là 22,7 ha, trồng các loại cây ăn trái và khoai mì. Ngoài ra còn có 63 hộ khác tự ý quay lại cất nhà, chòi ở trên đảo, trong số này có 24 hộ ở từ năm 2003 đến nay.

Ông Võ Văn Vui là một trong số hộ thuộc diện di dời ra khỏi đảo, đã 2 lần nhận tiền hỗ trợ, bồi thường và đã nhận 1.000m2 đất thổ cư tại Khu tái định cư Đồng Kèn. Ông đã sang nhượng lại đất thổ cư được cấp cho người khác, tới nay gia đình ông vẫn “bám trụ” trên đảo, không chịu di dời để giao 2 ha đất đang sản xuất cho Nhà nước trồng rừng.

Trong những năm qua, UBND huyện Dương Minh Châu đã nhiều lần tổ chức đoàn cưỡng chế, dùng máy cày phá bỏ hàng chục ha mì do người dân cố tình lấn chiếm đất trồng rừng để canh tác. Tuy nhiên, việc cưỡng chế tháo dỡ nhà, chòi ở trên đất đã bồi thường, hỗ trợ thì chưa thực hiện. Do đó, nhiều hộ cứ “cố lỳ”, các hộ khác thấy vậy làm theo. Cán bộ địa phương đến lập biên bản nhắc nhở phải tháo dỡ, nhưng chẳng thấy ai chấp hành!

CẦN GIẢI PHÁP HỮU HIỆU

Việc trồng rừng do Bộ CHQS tỉnh thực hiện từ năm 2008. Khi có quyết định bàn giao lại cho UBND huyện Dương Minh Châu, thực trạng đảo như sau: diện tích bàn giao là 370,9 ha, trong đó diện tích có rừng là 263,4 ha, gồm: 161,64 ha rừng trồng năm 2008-2009 với tỷ lệ cây sống 75%- 80%; 118,055 ha rừng trồng năm 2012 nhưng thực có rừng chỉ 80,66 ha với tỷ lệ cây sống 40-64%.

Ông Võ Văn Vui trước căn nhà trên đảo Nhím.

Đáng chú ý là trên tổng diện tích đất đã trồng rừng bị người dân lấn chiếm đến 65,72 ha. Việc lấn chiếm đất đi đôi với việc lén lút phá bỏ cây rừng để trồng mì. Trong số đó, chỉ một số rất ít diện tích lấn chiếm đất rừng để trồng mì bị đơn vị trồng rừng dùng máy cày phá bỏ khi mới xuống giống, hầu hết diện tích còn lại chưa bị xử lý.

Bà Trần Mỹ Trang- Chủ tịch UBND xã Suối Đá cho biết, hiện vẫn chưa có quyết định chính thức giao rừng trồng trên đảo Nhím cho xã quản lý. Thực tế, nếu có được giao thì đây cũng sẽ là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, cấp xã khó có thể hoàn thành nhiệm vụ, bởi vì vừa không có lực lượng, không có chuyên môn, vừa không có đủ chức năng, quyền hạn. Trong thực tế, những năm qua, UBND xã Suối Đá cũng đã lập biên bản, xử phạt hành chính khá nhiều trường hợp vi phạm trên đảo Nhím nhưng không đem lại kết quả khả quan nào.

Trong những năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện khá tốt việc thu hồi đất lâm nghiệp bị bao lấn chiếm sử dụng sai mục đích để thực hiện việc trồng rừng. Nên chăng, huyện DMC cũng áp dụng các biện pháp kiên quyết, đồng bộ trong việc thu hồi đất để thực hiện việc trồng rừng trên đảo Nhím như đã từng thực hiện ở các dự án rừng khác trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, việc trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng trên đảo Nhím nên giao cho một đơn vị có chuyên môn, đủ năng lực, quyền hạn thì sẽ có hiệu quả cao hơn.

KHẮC LUÂN - ĐẠI DƯƠNG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục