BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần có giải pháp hạn chế tình trạng trẻ em bán vé số

Cập nhật ngày: 28/07/2016 - 06:06

2 đứa trẻ bán vé số ngủ tại quốc lộ 22B vào khuya ngày 2.7.2016

Vào khoảng 1 giờ 30 ngày 2.7.2016, Đội cứu nạn giao thông tình nguyện thành phố Tây Ninh đã đưa 2 chị em 9 và 11 tuổi ngủ ở khu vực cầu Rạch Rễ (huyện Hoà Thành) về nhà tại khu phố Ninh Thọ, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh. Cha của 2 cháu nhỏ này cho biết 2 cháu đi bán vé số và dường như ông chẳng hề lo lắng khi 2 đứa con của mình cả đêm không về nhà. Nhiều người biết được chuyện này đã rất bức xúc, không hiểu sao lại có người cha nhẫn tâm như vậy.

Hiện nay, có không ít trẻ em phải đi bán vé số. Trong đó có em do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp, các bậc cha mẹ buộc con em đi bán vé số vì trẻ con dễ gợi lòng thương, khiến mọi người mua giúp. Không hiếm trường hợp cha mẹ chở con đi bán vé số rồi ngồi chờ… lấy tiền!

Theo quy định của pháp luật, việc cha mẹ buộc con mình phải đi bán vé số kiếm tiền, bỏ mặc sự an toàn của các em như trường hợp trên là vi phạm pháp luật. Thế nhưng, tình trạng cha mẹ ép buộc con đi bán vé số vẫn diễn ra hằng ngày, chẳng thấy cơ quan chức năng nào quan tâm.

Theo một luật gia, nếu chính quyền địa phương nắm bắt kịp thời các trường hợp trẻ em bị cha mẹ lạm dụng sức lao động để giáo dục, nhắc nhở thì chắc chắn tình trạng này sẽ được hạn chế. Chế tài xử lý hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em cũng đã có, nhưng ít được các địa phương đem ra áp dụng. Chỉ đến khi báo chí và dư luận lên tiếng như trường hợp của cháu bé bán vé số ở phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh bị mẹ nuôi hành hạ, chính quyền địa phương mới tiến hành xử lý. Lúc đó, các em đã bị tổn thương về tinh thần hoặc thể xác.

Hy vọng trong thời gian tới, các ngành chức năng, chính quyền địa phương sẽ có nhiều giải pháp thiết thực để hạn chế được tình trạng trẻ em bị cha mẹ buộc phải đi bán vé số như hiện nay.

THIÊN TÂM

Điều 5 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 quy định trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Theo đó, việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Nhà nước, xã hội và công dân. Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu.

Tại Điều 6 quy định về thực hiện quyền của trẻ em thì các quyền của trẻ em phải được tôn trọng và thực hiện; mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật.


Liên kết hữu ích