Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đất lúa nhưng không… trồng lúa:
Cần có giải pháp hợp lý, hợp tình
Thứ hai: 06:27 ngày 26/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, khi có chủ trương bảo vệ đất lúa để bảo đảm an ninh lương thực, việc chuyển mục đích sử dụng đất được siết chặt hơn. Thế nhưng, thực tế có không ít diện tích đất trồng lúa người dân tự chuyển đổi sang trồng cây hằng năm, lâu năm.


Vườn dừa, vườn cam nằm xen kẽ cánh đồng bưng Trao Trảo, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu.

Đất lúa nhưng trồng lúa không hiệu quả
Dọc theo các tuyến đường lớn như quốc lộ 22B, đường 784, đường 781... không khó bắt gặp hình ảnh những vườn dừa, vườn cam, sầu riêng… thậm chí là cao su nằm xen trong những cánh đồng lúa. 

Trên cánh đồng khu vực cầu Cây Quéo, ấp Thuận Bình, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, nhìn từ đường 784, có thể thấy phần lớn diện tích đất trồng lúa đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn trái như sầu riêng hay cây có múi khác. Một người dân cho biết, trước đây người dân trồng lúa, tỉa đậu trên cánh đồng này nhưng không hiệu quả nên cải tạo đất để làm vườn. Bản thân anh cũng cải tạo gần 1 ha đất trồng lúa để trồng sầu riêng với hy vọng hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ở khu vực bưng Trao Trảo, ấp Cẩm An, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, cách đây khoảng 10 năm, người dân chỉ chuyên trồng lúa. Thế nhưng hiện tại, có không ít vườn cây ăn trái, cây cao su nằm xen kẽ. 

Điều này cũng diễn ra trên các cánh đồng xã Đồng Khởi, Ninh Điền hay thị trấn huyện Châu Thành và nhiều nơi khác trong tỉnh. Hầu hết lãnh đạo các địa phương đều cho biết, người dân tự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, còn trên giấy chứng nhận QSDĐ vẫn còn là đất lúa.

Ông Trần Huỳnh Thanh- Chủ tịch UBND xã Truông Mít cho biết, trước đây, khi người dân tự ý ào ạt chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng nhãn, UBND xã cũng đã xử phạt vài trường hợp. Do nhu cầu của người dân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa nhiều, xã đã báo cáo về trên. Sau đó, cơ quan chức năng xuống kiểm tra thực tế tại địa phương và cho ý kiến có thể xem xét cho người dân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa chứ không cho chuyển mục đích. 

Theo một lãnh đạo UBND xã Cẩm Giang, diện tích đất lúa mà người dân tự ý chuyển đổi cây trồng phần lớn là ruộng gò, canh tác lúa không đạt hiệu quả. Ở góc độ địa phương, nếu phát hiện người dân tự ý chuyển đổi cây trồng trên đất lúa cũng chỉ nhắc nhở là chính, bởi không thể buộc người dân canh tác lúa không có hiệu quả.

Lãnh đạo UBND xã Ninh Điền cho biết, những vườn cây cao su, cây ăn quả tại địa phương do người dân tự chuyển đổi vì đất xấu, thiếu hệ thống thuỷ lợi, trồng lúa không hiệu quả… Việc này diễn ra khá lâu nên hiện nay khó xử lý.

Cần hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định 

Theo Thông tư 19, ngày 9.11.2017 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19 ngày 27.6.2016 hướng dẫn chi tiết Điều 4 Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13.4.2015 về quản lý sử dụng đất trồng lúa và hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, UBND cấp xã có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa cấp xã trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi cấp huyện theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo thông tư này; tổ chức lấy ý kiến của hộ gia đình, cá nhân có liên quan trong việc xác định vùng chuyển đổi; thông báo công khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại trụ sở UBND vào quý IV của năm, trong thời hạn 60 ngày; tiếp nhận, xử lý đơn đăng ký chuyển đổi; lập sổ theo dõi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.

Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trồng lúa hợp pháp (người sử dụng đất) có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, gửi tới UBND cấp xã (phường, thị trấn) đơn đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, theo mẫu tại phụ lục IA ban hành kèm theo thông tư. Trường hợp không đồng ý cho chuyển đổi, UBND cấp xã phải trả lời bằng văn bản cho người sử dụng đất, nêu rõ lý do, theo mẫu tại phụ lục IIA ban hành kèm theo thông tư.

Thông tư 19/2017/TT-BNNPTNT cũng quy định rõ nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm: chuyển đổi phải theo vùng để hình thành các vùng sản xuất tập trung và bảo đảm phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại để trồng lúa; việc chuyển đổi phải bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có, phù hợp với định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương; việc chuyển đổi phải bảo đảm công khai, minh bạch.

Riêng nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản: cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thuỷ sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120cm, nhưng phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại để trồng lúa.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 25.12.2017, nhiều lãnh đạo UBND xã nắm được quy định, nhưng khá lúng túng khi hướng dẫn, xem xét giải quyết cho người dân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa sang cây lâu năm.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu cho biết, thực hiện theo hướng dẫn của  Thông tư, xã cũng chỉ mới giải quyết cho 1 trường hợp, hiện đang xem xét giải quyết tiếp 2 trường hợp. Cả 3 trường hợp này đều có hợp đồng trồng cây lâu năm với doanh nghiệp sản xuất trái cây trong tỉnh.

Riêng các trường hợp người dân trước đây đã tự ý chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa, UBND xã đang rà soát lại để báo cáo UBND huyện, đồng thời sẽ hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục theo quy định. 

Trước thực trạng người dân tự ý chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng loại cây khác, ngày 6.11, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố về việc đề nghị báo cáo kết quả rà soát, thống kê lại hiện trạng đất trồng lúa tại các địa phương.

Theo Sở TN&MT, thực hiện Công văn số 1332 ngày 5.6.2018 của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra, rà soát, thống kê lại hiện trạng đất lúa; xác định rõ tổng diện tích trồng đất lúa, đất lúa 2 vụ và đất lúa 1 vụ, số tờ, số thửa theo từng đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện trên địa bàn. 

Trong thời gian rà soát, xác định lại hiện trạng đất trồng lúa, những trường hợp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất là đất trồng lúa nhưng hiện trạng không phải là đất trồng lúa, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vẫn phải tuân thủ các quy định. 

Trên cơ sở kết quả rà soát, thống kê lại của các địa phương, Sở TN&MT có nhiệm vụ thẩm định, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và trình HĐND tỉnh xem xét cho ý kiến điều chỉnh lại hiện trạng đất lúa theo hướng:

Đối với diện tích ghi trong giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là đất trồng lúa nhưng hiện trạng không phải đất trồng lúa hoặc không đủ điều kiện trồng lúa và nằm ngoài quy hoạch sử dụng đất trồng lúa phải cắm mốc bảo vệ theo Thông tư 17/2014/TT-BTNMT, thì sẽ thực hiện điều chỉnh dần thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của từng địa phương.

Đối với diện tích ghi trong giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là đất trồng lúa, Qua rà soát hiện trạng đúng là đất trồng lúa thì được khoanh vùng để quản lý, sử dụng theo quy định pháp luật…

THIÊN TÂM

 

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh