Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cần có giải pháp nâng cao chất lượng xe buýt
Thứ tư: 06:05 ngày 27/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không thể phủ nhận hiệu quả của xe buýt- phương tiện vận tải chở khách công cộng, đó là giảm áp lực lên hạ tầng giao thông, giảm được phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe mô tô, hạn chế tai nạn giao thông. Thế nhưng, để xe buýt phát triển và thu hút được người dân sử dụng trong điều kiện hiện nay lại là chuyện không hề đơn giản.

Hành khách đứng chờ đón xe buýt tuyến thành phố Tây Ninh - Kà Tum tại nhà chờ xe buýt trước Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

NHIỀU MẶT… CHẤT LƯỢNG KÉM  

Theo quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt với Quyết định số 1263/QĐ-UBND ngày 5.6.2014, ngoài 7 tuyến xe buýt đang hoạt động, sẽ xem xét mở mới thêm 9 tuyến, trong đó có 6 tuyến nội tỉnh và 3 tuyến đi đến các tỉnh liền kề như Bình Phước, Bình Dương, Long An.

Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều hành khách, với chất lượng hoạt động của xe buýt trên các tuyến hiện nay, nếu không có chính sách khuyến khích các chủ phương tiện nâng cao chất lượng phục vụ, khó có thể đưa loại hình vận tải hành khách công cộng này phát triển mạnh.

Anh Lê Minh Cường- ngụ xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu đang đón xe buýt tại trạm đón khách trước Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, ngày trước khi chưa có xe buýt, anh đi xuống thị xã Tây Ninh, giờ là thành phố, hay huyện Hoà Thành bằng xe lam, ngồi chật và ngột ngạt, không được thoải mái. Giờ có xe buýt,  đi lại khá thuận tiện và thoải mái, có nhiều điểm để đón lại có nhiều chuyến xe hoạt động trong ngày.

Tuy nhiên, anh Cường kiến nghị, các chủ phương tiện xe buýt nên bật máy lạnh vào buổi trưa để hành khách đỡ nóng bức. Đồng thời cũng không nhận hàng gửi theo xe, vì có chuyến, hàng gửi có mùi hôi rất khó chịu. Anh cho rằng, ngành Giao thông có thể xem xét lại địa điểm bố trí các nhà chờ xe buýt được thuận tiện hơn.

Ví dụ như nhà chờ xe buýt trước Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh vào buổi chiều bị nắng chiếu gay gắt, không có bóng mát, nên việc hành khách phải đợi xe dưới trời nắng nóng như thế chẳng khác nào cực hình.

Tại sao không là xe điện?

Theo ý kiến của một bạn đọc ở phường IV, tại sao những trung tâm, thị tứ như thành phố Tây Ninh, huyện Hoà Thành không xây dựng hệ thống xe điện làm phương tiện vận tải hành khách công cộng? Bởi xe điện có tính thẩm mỹ và thân thiện môi trường hơn xe buýt.

Để cảm nhận được những gì hành khách mô tả, phóng viên đón chuyến xe buýt tuyến thành phố Tây Ninh - Kà Tum (huyện Tân Châu). Lúc ấy đã là 15 giờ, bên ngoài trời nắng gắt, xe lại không có máy lạnh, nhiều hành khách nữ, ngồi ở những hàng ghế bị nắng chiếu thẳng vào phải lấy áo khoác trùm lên đầu để che nắng. Bên trong, nhiều dãy ghế đã bị bong tróc nước sơn, vỏ nệm trông rất nhếch nhác. Dưới sàn xe, gầm ghế, nhà xe còn nhận chở hàng hoá ký gửi. Trời đã nóng lại lắm mùi khó ngửi.

Một hành khách đi cùng xe cho biết, dù đi xe buýt không được thoải mái lắm nhưng nếu không chọn phương tiện này, anh chỉ còn cách mua vé xe chất lượng cao với giá khá đắt cho một chặng đường ngắn, hoặc phải đi bằng mô tô cá nhân. Vị hành khách mong muốn, thời gian tới, chất lượng xe buýt sẽ được nâng lên để hành khách thoải mái hơn khi chọn phương tiện đi lại công cộng này.

Theo một cán bộ ngành Giao thông - Vận tải, xe buýt ở Tây Ninh không được trợ giá như một số tỉnh, thành khác nên hầu hết chủ phương tiện không cho bật máy lạnh để tiết kiệm nhiên liệu. Phần lớn các phương tiện đang hoạt động các tuyến xe buýt nội tỉnh, liên tỉnh đều đã cũ, mặc dù về cơ bản vẫn đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm điều kiện vận chuyển hành khách an toàn.

XE BUÝT NỘI THÀNH, TẠI SAO KHÔNG ?  

Một phụ nữ sống tại ấp Hiệp Hoà, xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành, bản thân chị cũng có nhu cầu sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại hằng ngày từ nhà riêng đến cơ quan ở trung tâm thành phố Tây Ninh. Thế nhưng, con đường phía trước nhà không có tuyến xe buýt đi qua, nên chị phải sử dụng phương tiện cá nhân với tâm trạng nơm nớp lo sợ mất an toàn giao thông.

Em Nguyên- học viên một trường chuyên nghiệp trên địa bàn Thành phố cho biết, nếu có xe buýt nội thành chạy ngang trường em học, Nguyên sẽ chọn phương tiện này đi học hằng ngày cho chặng đường từ xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành đến trường và ngược lại. Em Nguyên cho rằng, đi xe buýt vừa an toàn, vừa tiết kiệm, nhưng hiện nay, xe buýt chỉ chạy qua một số tuyến đường chính ở Hoà Thành và thành phố Tây Ninh.

  Được biết, Sở Giao thông - Vận tải đã có chủ trương kêu gọi đầu tư xã hội hoá các tuyến xe buýt gồm: Hoà Thành - thành phố Tây Ninh - xã Biên Giới (huyện Châu Thành); thành phố Tây Ninh - Dương Minh Châu; tuyến thành phố Tây Ninh-Bến Đình - Mộc Bài (huyện Bến Cầu); Hoà Thành - xã Hoà Hiệp (huyện Tân Biên); Tân Biên - Tống Lê Chân (tỉnh Bình Phước); thành phố Tây Ninh - Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương); Gò Dầu - Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng); Lộc Hưng - An Hoà - Đức Hoà (tỉnh Long An) và Xa Mát - Chàng Riệc (huyện Tân Biên). Tuy nhiên, việc phát triển thêm các tuyến xe buýt hoạt động trong nội thành thành phố Tây Ninh và huyện Hoà Thành lại không thấy đề cập đến.

Sắp tới, khi các tuyến xe buýt đang kêu gọi xã hội hoá đi vào hoạt động, hệ thống vận tải chở khách công cộng sẽ phủ rộng khắp các tuyến giao thông quan trọng của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lựa chọn loại phương tiện này để đi lại giữa các huyện, thành phố trong tỉnh, kể cả sang các tỉnh lân cận được thuận lợi hơn.

Để người dân có thói quen sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại, có ý kiến kiến nghị, tỉnh có thể nghiên cứu xây dựng thêm các tuyến xe buýt hoạt động trong nội thành thành phố Tây Ninh và huyện Hoà Thành. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương, các trường học, doanh nghiệp vận động người dân, học sinh, công nhân... nên sử dụng phương tiện xe buýt để đi lại hằng ngày.

Song song đó, cũng cần có chính sách khuyến khích phát triển loại hình vận tải hành khách bằng xe buýt, có sự ưu đãi cho nhà đầu tư tham gia khai thác các tuyến xe buýt, nhất là các tuyến xe buýt nội thành. Đồng thời cần có giải pháp hỗ trợ chủ phương tiện xe buýt nâng cao chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ hành khách.

Bởi thực tế trước đó, đã có các tuyến như Hoà Thành - Biên Giới (huyện Châu Thành) sau một thời gian hoạt động đã phải tạm dừng vì chất lượng kỹ thuật phương tiện cũng như chất lượng phục vụ quá kém, không thu hút được hành khách đi xe buýt trên tuyến này.

Hy vọng trong thời gian tới, tỉnh sẽ có những chính sách, khuyến khích hỗ trợ thiết thực để phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, qua đó thu hút ngày càng nhiều người dân lựa chọn sử dụng loại phương tiện nhiều tiện ích này trong tiến trình đô thị hoá.

THIÊN TÂM

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh