BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần có giải pháp quản lý dịch vụ cho thuê dàn âm thanh di động 

Cập nhật ngày: 22/07/2017 - 19:55

BTN - Nhà nào có đám tiệc là người dân thuê dàn âm thanh di động về hát hò. Dịch vụ này đã giúp một số gia đình có đám tiệc thêm vui nhưng cũng gây phiền hà không nhỏ cho những người chung quanh.

Thời gian qua, những dàn âm thanh di động dưới dạng thùng loa có kết nối với điện thoại di động bằng sóng Bluetooth (người dân thường gọi là thùng loa kẹo kéo) hay những dàn âm thanh gồm có cả màn hình, đầu đĩa, bộ phận khuếch đại âm thanh, thùng loa công suất lớn, được thiết kế gọn trên các thùng xe, kéo bằng xe mô tô phát triển rầm rộ. 

Nhà nào có đám tiệc là người dân thuê dàn âm thanh di động về hát hò. Dịch vụ này đã giúp một số gia đình có đám tiệc thêm vui nhưng cũng gây phiền hà không nhỏ cho những người chung quanh.

Anh Thiên Chương, ngụ ấp Hiệp An, xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành cho rằng, việc ca hát là sở thích của từng người nhưng cần phải nghĩ đến những người chung quanh. Có gia đình tổ chức tiệc thôi nôi cho con cũng thuê dàn âm thanh di động về hát cho đến khuya với âm thanh “đinh tai, nhức óc”, làm ảnh hưởng đến những người hàng xóm, nhất là người già và trẻ em. Anh Chương kiến nghị các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có giải pháp chấn chỉnh thực trạng này.

Một chủ cửa hàng kinh doanh thiết bị âm thanh trên đường Cách Mạng Tháng Tám, thành phố Tây Ninh cho biết, thùng loa kết nối với điện thoại có giá từ 1,5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, tặng kèm một cặp micro. Có nhiều người sắm dàn âm thanh di động để cho thuê nên nảy sinh sự cạnh tranh.

Hiện nay, nhiều người đầu tư khoảng 70 đến 80 triệu đồng để có một dàn âm thanh di động. Do được đầu tư mạnh, có bộ khuếch đại âm thanh “xịn”, nên không ít dàn âm thanh di động khi phát lên chẳng khác gì nhạc sống.

Sử dụng loa di động để hát rong (ảnh minh hoạ). Ảnh: Đ.H.T.

Ông Lương Bá Cang- Chủ tịch UBND phường IV, thành phố Tây Ninh cho biết, thời gian qua, không ít người dân đã lên tiếng phàn nàn về tình trạng “ô nhiễm âm thanh” từ những thùng loa đi động.

UBND phường có tổ chức kiểm tra nhưng chưa xử lý hành chính trường hợp nào, chỉ nhắc nhở là chính, đồng thời yêu cầu các khu phố thường xuyên nhắc nhở người dân nếu có tổ chức ca hát không được làm ảnh hưởng đến dân cư chung quanh.

Qua rà soát, hiện nay ở phường IV chỉ có 1 địa điểm cho thuê dàn âm thanh di động, nhưng người dân có nhu cầu có thể đến địa phương khác để thuê.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tánh- Trưởng phòng Văn hoá huyện Hoà Thành cho rằng, vấn đề xử lý các thùng loa kẹo kéo hay dàn âm thanh di động vô cùng phức tạp. Bởi kinh doanh dịch vụ internet hay karaoke có quy định rõ ràng về thời gian, còn các thùng loa di động do người dân tổ chức hát hò không có văn bản quy định thời gian. Riêng tiếng ồn, Phòng phải tổ chức đo độ ồn mới có thể xác định có vi phạm để xử phạt. Tuy nhiên, khi bị người dân phản ánh, chính quyền đến, người sử dụng chỉ cần giảm âm thanh nhỏ lại là xong.

 Theo ông Tánh, cần có quy định cụ thể trong việc quản lý hoạt động cho thuê dàn âm thanh di động, trong đó có quy định về giờ giấc, độ ồn. Ðồng thời, chính quyền cấp xã, thị trấn cần phải thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân nhận thức được hệ luỵ của tiếng ồn quá lớn, từ đó tự giác điều chỉnh âm thanh cho phù hợp.

Mới đây, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương- đơn vị tỉnh Tây Ninh đã phát biểu về thực trạng sử dụng dàn âm thanh di động và sự lúng túng của chính quyền địa phương trong việc xử lý vì chưa có quy định. Ðại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết giải pháp ngăn chặn tình trạng trên.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trả lời như sau: theo quy định của pháp luật hiện hành, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch không cấp giấy phép hoạt động đối với dịch vụ cho thuê dàn âm thanh di động.

Nếu hoạt động này gây tiếng ồn, làm mất trật tự, ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khoẻ của người dân đến mức vi phạm các quy định của pháp luật sẽ bị xử lý theo các quy định về an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.

Luật xử lý vi phạm hành chính quy định chỉ xử phạt hành chính khi có hành vi vi phạm, nếu hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt hành chính của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.

Các hoạt động nêu trên vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, do vậy đề nghị Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ động tham mưu xây dựng quy chế phối hợp liên ngành tại địa phương để xử lý các vi phạm đối với loại hình trên.

Hy vọng trong thời gian tới, khi tỉnh ban hành quy chế phối hợp liên ngành để xử lý các vi phạm đối với hoạt động dịch vụ cho thuê dàn âm thanh di động, tình trạng gây “ô nhiễm tiếng ồn” này sẽ từng bước được chấn chỉnh.

      THIÊN TÂM - PHƯƠNG THẢO