Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
PHÁT TRIỂN TRƯỜNG PHỔ THÔNG CHẤT LƯỢNG CAO:
Cần có lộ trình
Thứ tư: 15:32 ngày 01/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo thông tin người viết nắm được, đến thời điểm này, đề án vẫn chưa chính thức được lãnh đạo UBND tỉnh thông qua, trong khi năm học mới đang đến rất gần.

Học sinh Trường THPT Tây Ninh- một trong 8 trường tham gia thí điểm giáo dục chất lượng cao.

Như tin đã đưa, Sở Giáo dục-Ðào tạo Tây Ninh vừa hoàn thiện đề án thí điểm phát triển trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020. 

Tổng kinh phí (dự kiến) thực hiện đề án là 17.750 triệu đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước 10.400 triệu đồng, xã hội hoá 7.350 triệu đồng. Cách nay ít ngày, Sở GD-ÐT đã tổ chức cho một số cán bộ quản lý của các trường có trong danh sách xây dựng trường chất lượng cao đi học tập mô hình tại TP. Hồ Chí Minh.

 

Theo ý kiến của một vị lãnh đạo trường phổ thông, phát triển trường phổ thông chất lượng cao ở Tây Ninh có thể là một hướng đi đúng nhưng triển khai không hề đơn giản. Vị lãnh đạo này cho biết: “Vừa qua, Sở GD-ÐT tổ chức cho anh em đi học tập mô hình trường chất lượng cao ở TP. Hồ Chí Minh, tôi thấy người ta làm khác mình.

Ðó là trong trường chất lượng cao, họ tổ chức theo hình thức cuốn chiếu, tức nhà trường tổ chức lớp chất lượng cao cho nguyên cả một khối lớp. Ví dụ, toàn bộ học sinh lớp 10 được tổ chức cho học lớp chất lượng cao chứ không chỉ một hai lớp.

Số học sinh này sẽ học cho đến khi tốt nghiệp. Còn ở Tây Ninh, nếu trong một khối lớp mà chỉ tổ chức cho một vài lớp học thì có những điều bất cập nảy sinh”. Ðiều quan trọng, theo vị lãnh đạo này, điều kiện chung cũng như môi trường, tình hình giáo dục ở Tây Ninh khác TP. Hồ Chí Minh.

Mặc dù kế hoạch của Sở GD-ÐT Tây Ninh là triển khai thí điểm lớp chất lượng cao ngay trong năm học 2018-2019, nhưng đến giờ, trường có tên trong danh sách vẫn chưa biết phải triển khai như thế nào và còn nhiều chuyện phải cân nhắc.

Chẳng hạn, chuyện tổ chức cho học sinh học bán trú, nội trú tại nhà trường. Khác với học sinh tiểu học hay mầm non, học sinh trung học phổ thông đã lớn, việc nghỉ ngơi cần bảo đảm tính riêng tư, nên tổ chức cũng không đơn giản.

Một vấn đề cốt lõi liên quan đến xây dựng, phát triển trường chất lượng cao là đội ngũ giáo viên và công tác tổ chức, nội bộ của nhà trường. Theo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý tại các trường, chỉ riêng việc bố trí giáo viên nào dạy lớp chất lượng cao cũng là cả một vấn đề.

Nếu làm không khéo, mọi rắc rối có thể sẽ nảy sinh từ khâu này. Bởi theo tinh thần của đề án, giáo viên dạy lớp chất lượng cao là những người được đánh giá có trình độ chuyên môn vững, thu nhập cũng cao hơn các đồng nghiệp khác trong cùng một ngôi trường. Một lãnh đạo trường lo lắng: “Tiếng Anh là một trong những ưu tiên của lớp chất lượng cao, nhưng tình hình dạy và học môn ngoại ngữ đang có nhiều vấn đề”.

 Có nên triển khai lớp chất lượng cao ở 8 trường phổ thông ngay trong năm học tới đây hay không? Trả lời câu hỏi trên, một hiệu trưởng đề xuất, chỉ nên mở thí điểm ở một trường phổ thông nào đó có điều kiện tốt nhất với ba yếu tố, gồm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và mức sống của người dân.

Vị này nói: “Khi mở lớp chất lượng cao, nên tổ chức cho toàn bộ số lớp học của khối học đó. Ví dụ khối lớp 10 chẳng hạn. Ðiều này nhằm bảo đảm tính đồng bộ trong tất cả các khâu. Trong cùng một khối học nhưng lớp này chất lượng cao, lớp kia lại là lớp học bình thường thì không ổn, dễ mang lại cảm giác phân biệt, chưa kể nếu toàn khối học chỉ tổ chức lớp chất lượng cao ở một, hai lớp sẽ ảnh hưởng đến công tác giảng dạy và lựa chọn nghề nghiệp của học sinh.

Lấy ví dụ, không cần phải đợi đến khi lên lớp 11 hay 12 mà ngay từ lớp 10, các em đã bắt đầu đầu tư cho một số môn học để đăng ký tuyển sinh đại học sau khi hoàn thành chương trình phổ thông. Như vậy, trong lớp chất lượng cao thể cùng lúc tồn tại nhiều nhóm môn học với những lựa chọn, xu hướng khác nhau. Khi đó, công tác tổ chức, điều hành lớp học này sẽ như thế nào?”.

Một hiệu trưởng khác cho rằng: “Tôi biết là lãnh đạo cấp trên quyết tâm xây dựng mô hình lớp chất lượng cao. Chủ trương đó cũng vì mục đích chung, nhưng việc triển khai ngay trong năm học 2018-2019 là không thể được vì quá gấp gáp”.

Theo ý kiến này, nếu muốn xây dựng lớp chất lượng cao trong trường phổ thông, cơ quan quản lý cần ít nhất một năm để "xây dựng kịch bản, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm giảm thiểu rủi ro, đồng thời tăng yếu tố thành công”.

Ông nói: “Chỉ còn vài ba tuần nữa năm học mới đã bắt đầu, nhưng đến giờ, đề án vẫn chưa thông qua, vậy cơ sở nào để triển khai? Nhiều trường phổ thông đã bắt đầu xếp lớp cho học sinh lớp 10.

Vậy giờ triển khai liệu có kịp không, bởi vì nhà trường chưa có buổi họp nào với phụ huynh để thông báo về chủ trương xây dựng lớp chất lượng cao. Ðể hình thành lớp học chất lượng cao, có nhiều yếu tố, nhiều điều kiện “cần và đủ”, nhưng quan trọng là cha mẹ các em có đồng ý chi tiền cho con học hay không.

Tôi được biết, hình như chưa có trường nào trong danh sách 8 trường dự kiến triển khai lớp chất lượng cao bàn với phụ huynh về vấn đề này. Vả lại, nếu có tổ chức họp phụ huynh để thông báo, có người đồng ý, có người không đồng ý cho con theo học, lại có người đồng ý nhưng sau đó, vì điều kiện kinh tế chẳng hạn, họ lại không đồng ý nữa.

Xây dựng lớp chất lượng cao thực chất là cung cấp dịch vụ giữa “khách hàng” với nhà cung cấp. Do vậy, nếu thiếu sự chuẩn bị nghiêm túc thì khó có thể thành công. Học sinh, người nhà của các em không tin tưởng, khi đó, chuyện thí điểm thất bại sẽ làm giảm uy tín của nhà trường.

Một vị hiệu trưởng bày tỏ: “Theo tôi, cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nên lùi lại ít nhất một năm, tức là chưa nên triển khai trong năm học 2018-2019, vì điều kiện chưa chín muồi, làm quá gấp, trong khi để bảo đảm thành công cần có lộ trình với những bước đi phù hợp, bài bản”.

Một vị hiệu trưởng có thâm niên khác cho biết, các lớp chất lượng cao chỉ có trong trường đại học, nơi đào tạo nghề nghiệp. Ở đó, người ta gọi lớp chất lượng cao là lớp cử nhân tài năng. Còn với trường phổ thông, lớp chất lượng cao có lẽ không phù hợp, không cần thiết.

Ở TP. Hồ Chí Minh, họ không gọi lớp chất lượng cao mà là lớp học tiên tiến gắn với hội nhập quốc tế. Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động để đào tạo học sinh thích nghi với điều kiện xã hội phát triển và hội nhập, còn các hoạt động chuyên môn cũng bình thường.

“Nói thật, với cương vị đứng đầu nhà trường, tôi đang rất lo về chủ trương này. Hiện tại, mọi thứ đang bị động, chưa sẵn sàng để bắt tay thực hiện”- người này nêu. Tán thành ý kiến của đồng nghiệp nêu ở phần trên, vị lãnh đạo nhà trường kiến nghị, nếu có xây dựng lớp chất lượng cao chỉ nên thí điểm tại một trường nào đó, làm cuốn chiếu. Sau khi thí điểm, nếu các chỉ số cho thấy thành công thì nhân rộng ra cũng chưa muộn.

Một ý kiến khác lại nhìn nhận chủ trương xây dựng lớp học chất lượng cao với tầm nhìn “vĩ mô hơn”. Với hơn 30 năm trong nghề, người này đặt câu hỏi: “Thế nào là lớp học chất lượng cao? Chất lượng cao trong trường phổ thông là định tính hay định lượng? Trong đề án có đề cập đến đầu tư cơ sở vật chất nhưng thật ra, trường phổ thông ngoài phòng học, phòng thí nghiệm, phòng học ngoại ngữ ra, còn xây dựng gì nữa”? Vẫn theo ý kiến này, cơ sở vật chất khang trang là quan trọng, là cần thiết, nhưng nói đầu tư cơ sở vật chất để có lớp chất lượng cao là chưa thuyết phục.

Người này cũng đặt câu hỏi, vì sao đề án chỉ thí điểm có hai năm mà không phải là ba năm? Bởi vì, ở cấp trung học phổ thông, nếu muốn đo lường “giáo dục chất lượng cao, ít nhất phải có thời gian ba năm, đến năm học cuối cùng là lớp 12.

Sau khi kết thúc ba năm, các chỉ số (khách quan) thu được mới có thể cho thấy có hay không sự vượt trội của lớp chất lượng cao. Theo ý kiến này, nếu chỉ thí điểm có hai năm thì chưa đủ cơ sở để đánh giá mức độ thành công của mô hình giáo dục chất lượng cao.

Liên quan đến những vấn đề thuần tuý kỹ thuật, chuyên môn, vị này nói:  “Hiện nay, nhiều trường đại học tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển qua học bạ của học sinh. Vậy, học bạ của lớp chất lượng cao sẽ ghi như thế nào, không lẽ ghi là: “học sinh lớp chất lượng cao trong trường bình thường”? Thêm vào đó, nếu khâu tổ chức, điều hành, phân công chuyên môn không khéo sẽ nảy sinh những vấn đề nội bộ, vì thu nhập của giáo viên chênh lệch nhau khá lớn.

Cách nay gần một tháng, bên hành lang của một hội nghị, trao đổi với người viết về chủ trương xây dựng lớp học chất lượng cao, một lãnh đạo ngành Giáo dục cho biết, chủ trương xây dựng lớp học chất lượng cao đã được chuẩn bị, có tính toán. Theo ý kiến này, trong giáo dục, không thể dàn hàng ngang để cùng tiến mà phải có những mũi nhọn, những sự đột phá trong từng bước đi. Nếu thí điểm thành công, đây sẽ là tiền đề, là cơ sở để cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông.

Chủ trương xây dựng lớp học chất lượng cao còn rất nhiều vấn đề đáng quan tâm, từ cơ chế, chính sách cho đến những vấn đề cụ thể. Ví dụ như chuyện học phí cao hơn nhiều so với mặt bằng chung, cộng với hàng loạt chi phí khác, liệu sẽ có bao nhiêu gia đình đủ điều kiện cho con em mình theo học? Chủ trương xây dựng lớp học chất lượng cao cũng không ngoài mục đích tạo ra bước ngoặt về chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, để bảo đảm thành công không thể vội vàng. Theo thông tin người viết nắm được, đến thời điểm này, đề án vẫn chưa chính thức được lãnh đạo UBND tỉnh thông qua, trong khi năm học mới đang đến rất gần.

VIỆT ÐÔNG

Tin cùng chuyên mục