Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
5 năm qua, toàn tỉnh thành lập mới 31 hợp tác xã (HTX - bao gồm quỹ tín dụng nhân dân), thu hút 230,3 tỷ đồng vốn điều lệ (tăng 11 tỷ đồng), thu hút thêm 575 thành viên và tạo thêm việc làm thường xuyên cho hơn 2.660 lao động. Có 22 HTX được củng cố, giải thể 5 HTX theo quy định.
Trồng rau sạch theo công nghệ Aquaponic. (Ảnh: Lê Văn Hải)
Đến nay, trong tỉnh có 138 HTX với 39.146 thành viên, 100% HTX là thành viên của Liên minh HTX tỉnh. Các HTX hoạt động chủ yếu trong 5 lĩnh vực: nông nghiệp, công thương, vệ sinh môi trường, giao thông vận tải, tín dụng.
Hiện toàn tỉnh có 113 tổ hợp tác (THT) với trên 2.000 thành viên. Doanh thu bình quân khoảng 380 triệu đồng/THT/năm, có 8 THT là thành viên của Liên minh HTX tỉnh.
Liên minh Hợp tác xã cho biết, các HTX tập trung hơn vào việc hỗ trợ thành viên phát triển, cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên, nhất là HTX nông nghiệp. HTX tạo động lực thúc đẩy kinh tế hộ thành viên phát triển thông qua dịch vụ cho vay vốn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh hoạt động chủ yếu là phục vụ nhu cầu kinh tế, đời sống của thành viên, hộ thành viên, HTX còn tạo ra lượng sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của xã hội.
Vai trò HTX ngoài yếu tố lợi ích kinh tế cho các thành viên còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo, ổn định xã hội, đề cao tinh thần tương thân tương ái, vì cộng đồng, góp phần với các cấp chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể xây dựng nông thôn mới.
Các HTX, THT và quỹ tín dụng nhân dân đã có nhiều cố gắng, vươn lên từ nội lực chính mình, có định hướng hoạt động đúng, phù hợp, không trông chờ, ỷ lại. Nhiều HTX, THT đã mạnh dạn mở rộng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sắp xếp củng cố lại tổ chức để hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ. Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, của các ngành chức năng, các tổ chức hỗ trợ phát triển cũng như hoạt động của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT các cấp đã có tác dụng nhất định đối với các HTX.
Dù vậy, hoạt động của HTX vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Năng lực nội tại của các HTX còn yếu, cơ sở vật chất còn thiếu, trình độ công nghệ lạc hậu, thiếu vốn. Số HTX hoạt động cầm chừng, hiệu quả thấp, được xếp loại trung bình chiếm tỷ lệ lớn (47,3% tổng số HTX). Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX có lãi tăng nhưng thấp, không có khả năng tích luỹ để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất- nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đa số các HTX lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ lợi có vốn hoạt động thấp, chưa có trụ sở làm việc; chưa đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành sản xuất; phương tiện thiết bị máy móc lạc hậu, ít được đầu tư mới... Đáng chú ý nữa là hiện còn nhiều HTX không có phương tiện, máy móc.
Bên cạnh đó, trình độ cán bộ quản lý của HTX còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường; chính sách cán bộ HTX chưa đi vào cuộc sống. Trình độ cán bộ quản lý ở các HTX còn thấp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm, nhiệt tình, chưa đáp ứng được phát triển HTX trong giai đoạn mới.
Mặt khác, cho đến nay, vẫn còn một số HTX chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Hợp tác xã 2012. Nhiều HTX hoạt động chưa tuân theo nguyên tắc của HTX, thành viên chưa thực sự thể hiện là người làm chủ của HTX. Có HTX chưa chú trọng mở rộng kết nạp thành viên, còn hạn chế đối tượng, số lượng thành viên tham gia.
Có HTX được thành lập nhưng hoạt động không đúng với bản chất HTX, chạy theo mục tiêu lợi nhuận đơn thuần, trông chờ chính sách của Nhà nước. Một số HTX chưa hướng tới lợi ích kinh tế của thành viên, thành viên chưa gắn bó với HTX; dịch vụ HTX cung cấp cho thành viên chiếm tỷ trọng thấp, không có sự ràng buộc kinh tế giữa HTX với thành viên qua hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ. Nhiều HTX chưa chủ động liên kết với các đơn vị kinh tế khác nhằm cung cấp các dịch vụ cả đầu vào và đầu ra trong sản xuất, phục vụ thành viên...
Sự liên kết, hợp tác của hợp tác xã chưa được phát huy trong sản xuất, kinh doanh, trong khi hoạt động liên kết của các HTX với nhau và giữa HTX với các doanh nghiệp là hoạt động tất yếu trong kinh tế thị trường nhưng chưa được hầu hết các HTX quan tâm, chủ động thực hiện, dẫn đến không cung cấp được các dịch vụ thiết yếu cho thành viên.
ĐÌNH CHUNG
Về định hướng phát triển kinh tế tập thể, Liên minh HTX cho biết, HTX phải vươn lên từ nội lực của chính mình, chủ động thích nghi với cơ chế thị trường, đổi mới cách nghĩ, cách làm để tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hiệu quả, gắn với lợi ích của thành viên và người lao động.
HTX phải quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, cán bộ chủ chốt HTX phải là những người thực sự có năng lực, tâm huyết và gắn bó với sự nghiệp phát triển hợp tác xã.
Việc củng cố, phát triển HTX phải dựa trên cơ sở tập hợp, liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế. Đồng thời, phát triển KTTT phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, lấy lợi ích của tập thể làm động lực phát triển, lợi ích càng nhiều thì sự gắn kết giữa thành viên với HTX càng bền chặt. Nơi nào cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo các ngành quan tâm đúng mức, nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của KTTT, đồng thời tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của mô hình, thì ở đó HTX phát triển.