BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt:

Cần cộng đồng trách nhiệm của chính quyền và người dân 

Cập nhật ngày: 12/01/2024 - 13:34

BTN - Một số địa phương còn khó khăn trong lựa chọn đơn vị có năng lực để đấu thầu thực hiện công tác thu gom, vận chuyển rác thải đến nơi xử lý...

Thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt trong khu dân cư thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện và cấp xã. Tuy nhiên, một số địa phương còn khó khăn trong lựa chọn đơn vị có năng lực để đấu thầu thực hiện công tác thu gom, vận chuyển rác thải đến nơi xử lý; công tác tuyên truyền vận động người dân phân loại rác tại nguồn, tham gia đăng ký thu gom rác thải đạt tỷ lệ chưa cao.

Xe thu gom rác trên địa bàn thị xã Hoà Thành. Ảnh: Trúc Ly

Vứt rác bừa bãi, “gửi” rác, đổ trộm rác

Tại điểm tập kết rác thải sinh hoạt trên địa bàn ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành, có khá nhiều túi nylon rác bị vứt bừa bãi ven lề đường. Số rác này do một số người dân trong và ngoài địa bàn ấp thường đổ trộm vào ban đêm. Ông Võ Thành Thuỷ- ngụ ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam cho biết: “Nhiều người dân vẫn còn thiếu ý thức quá. Cứ đêm xuống là họ mang rác đến vứt trước bãi tập kết rác của gia đình tôi. Sáng ra, khi nào cũng thấy rất nhiều bao rác vứt bừa bãi, gia đình tôi lại phải dọn dẹp gọn gàng rồi xúc lên xe rác công ty chở đi. Thời gian gần đây, khi chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động, danh sách hộ đăng ký thu gom rác đã bổ sung thêm được vài hộ. Tuy nhiên, tình trạng người dân bỏ ké rác thải vào khu tập kết rác của gia đình tôi vẫn còn, cần có biện pháp mạnh để xử phạt”.

Để hạn chế tình trạng này, gia đình ông Thuỷ lắp camera giám sát, song vẫn còn người tiếp tục đổ trộm rác ở những khu vực ngoài phạm vi quan sát của camera.

Đổ rác bừa bãi, đổ trộm rác là tình trạng chung của một số khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh, kể cả khu vực nông thôn và thành thị, đặc biệt là những địa bàn giáp ranh, ngoại ô. Không khó để bắt gặp những bao rác, nylon, các loại rác thải bị vứt bừa hai bên lề đường, thậm chí chất đống bốc mùi hôi.

Nhận định về thực trạng này, theo ông Văn Tiến Dũng- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, việc thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, bất cập. Hiện nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai ký hợp đồng với các đơn vị chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, một số nơi còn khó khăn trong lựa chọn đơn vị có năng lực để đấu thầu thực hiện công tác thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý; công tác tuyên truyền vận động người dân phân loại rác tại nguồn, tham gia đăng ký thu gom rác thải đạt tỷ lệ chưa cao. Đặc biệt là vùng ven đô thị, nông thôn, vẫn còn nhiều trường hợp cố tình không đăng ký, vứt rác bừa bãi hoặc mang rác “gửi” nhà bên cạnh, gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường.

Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại ấp Thạnh Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu của Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tây Ninh hình thành từ lâu, sử dụng công nghệ cũ

 

Tuyên truyền, vận động người dân đăng ký thu gom rác

Ông Lê Hồng Vân- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành cho biết: “Qua quá trình các cấp chính quyền và tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động, tình trạng người dân đổ trộm rác thải trên các bãi đất trống trong đô thị đã giảm đáng kể, tuy nhiên vẫn còn. Về giải pháp cơ bản, các ngành chức năng và UBND thị xã Hoà Thành, tổ chức, đoàn thể các xã, thị trấn trên địa bàn tiếp tục phối hợp, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường; rà soát, cập nhật thông tin từng hộ để có giải pháp tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tham gia thu gom rác. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng vứt rác không đúng nơi quy định, nhất là đối với những hộ không đăng ký thu gom rác”.

Trung bình mỗi ngày, lượng rác thải trên địa bàn Thị xã khoảng 70 tấn, do vậy, việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt là vấn đề lãnh đạo Thị xã luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện. Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành Lê Hồng Vân cho biết thêm, năm 2023, tình hình thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn ổn định, có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và địa phương. Trong năm, Hoà Thành đã vận động được gần 20.600 hộ đăng ký thu gom rác thải, đạt tỷ lệ gần 54% tổng số hộ dân, so với cùng kỳ năm 2022 đã tăng thêm gần 700 hộ.

Còn tại thành phố Tây Ninh, lãnh đạo UBND Thành phố cho biết, tỷ lệ hộ dân khu vực đô thị đăng ký thu gom rác thải sinh hoạt đạt trên 90,3%, góp phần bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị. UBND Thành phố chỉ đạo các phường, xã cử cán bộ rà soát, theo dõi tình hình đăng ký thu gom rác thải của từng hộ gia đình trong từng hẻm, ấp/khu phố. Từ đó có biện pháp vận động người dân đăng ký thu gom rác thải.

“Việc nâng tỷ lệ hộ dân đăng ký thu gom rác cũng góp phần giảm đáng kể tình trạng vứt rác bừa bãi. Đối với một số vị trí đất trống bị vứt rác bừa bãi, lãnh đạo Thành phố sẽ lắp đặt một số camera giám sát nhằm phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm”- ông Lương Bá Can- Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh cho biết.

Kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý rác thải sử dụng

Công nghệ tiên tiến

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khoá X, ông Văn Tiến Dũng- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt trong khu dân cư thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Căn cứ quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND về việc ban hành quy định phân công trách nhiệm và phân cấp quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chủ động nguồn lực để đầu tư cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương, xác định vị trí, quy mô các điểm tập kết, trạm trung chuyển phục vụ cho nhu cầu trung chuyển chất thải sinh hoạt trên địa bàn; tổ chức và xây dựng lộ trình thu gom, lộ trình vận chuyển chất thải để làm cơ sở đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ theo quy định. UBND cấp xã chịu trách nhiệm quản lý hoạt động thu gom, tập kết vận chuyển chất thải sinh hoạt tại các ấp, khu phố, tổ dân phố và các tổ tự quản; phối hợp với các chủ thu gom, vận chuyển xác định cụ thể thời gian, địa điểm, tần suất, phương thức chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình, chủ nguồn thải, tuyến thu gom chất thải sinh hoạt phù hợp với đặc điểm từng khu vực, từng địa bàn.

Để thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn cần phải tập huấn, tuyên truyền, vận động rộng rãi ở từng tổ dân phố, ấp, khu phố để người dân nhận thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần phải đầu tư hạ tầng cơ sở từ thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng, xử lý, tạo cơ chế hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp tham gia xử lý, tái chế rác thải, tất cả phải được thực hiện đồng bộ, có lộ trình định hướng cụ thể cho từng giai đoạn nhất định, trong khi đó, cơ sở hạ tầng của các địa phương chưa được đầu tư đồng bộ và đúng mức.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 nhà máy xử lý rác sinh hoạt, gồm: Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại ấp Thạnh Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu của Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tây Ninh, công suất 300 tấn/ngày và Nhà máy xử lý rác của Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Huê Phương VN có công suất 200 tấn/ngày. Tuy nhiên, nhà máy xử lý rác ở xã Tân Hưng hình thành từ lâu, sử dụng công nghệ cũ, tỉnh đang yêu cầu công ty thay đổi dàn thiết bị để vừa xử lý rác vừa sản xuất phân vi sinh.

Ông Văn Tiến Dũng cho biết thêm, ở góc độ cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư các nhà máy xử lý rác thải có quy mô lớn hơn (50-70 ha), sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, phù hợp với quy hoạch và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Phương Thuý