Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Căn cứ địa Bời Lời - hơn cả huyền thoại 

Cập nhật ngày: 17/06/2020 - 08:06

BTN - Chỉ có thể thốt lên như thế khi tôi đọc được một phần cuốn sách Căn cứ địa Bời Lời huyền thoại. Đọc tiếp nữa lại có cảm nhận rằng: Hoá ra, đã là công dân Tây Ninh hơn 30 năm, tôi hầu như vẫn chưa biết gì về Chiến khu (hay Mật khu) Bời Lời huyền thoại.

Các xe tăng của địch bị phá hỏng trong trận Cầu Xe, tháng 5 năm 1968. (Ảnh tư liệu)

Sách báo ở Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết về Bời Lời. Một vài khu căn cứ địa trong ấy cũng đã trở thành di tích quốc gia, như căn cứ của Tỉnh uỷ Tây Ninh, Huyện uỷ Trảng Bàng. Phải thấy  rằng, các bài giới thiệu di tích trong sách Di tích lịch sử, Danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh, do Sở VH,TT&DL biên soạn còn sơ sài quá, chưa đúng tầm với các giá trị cao cả và thiêng liêng mà Bời Lời đã có. Đến nay thiếu sót này đã được khắc phục, chính là nhờ cuốn Căn cứ địa Bời Lời huyền thoại, mới in xong vào quý II.2020, do NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh xuất bản.

Trong lời giới thiệu, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh Trần Lưu Quang đã có một nhận định rất xác đáng là: “Căn cứ địa Bời Lời được xây dựng và hoạt động như một xã hội của chế độ mới thu nhỏ, một biểu tượng của kháng chiến, nơi hướng về, hy vọng và khích lệ tinh thần kháng chiến của quân và dân Tây Ninh và các vùng lân cận. Bời Lời là căn cứ địa huyền thoại, một di tích lịch sử có sức truyền cảm, lan tỏa mạnh mẽ và khả năng giáo dục tư tưởng, đạo đức, nhân sinh quan cách mạng cho nhiều thế hệ; niềm tự hào không chỉ của nhân dân tỉnh Tây Ninh mà của cả nhân dân TP. Hồ Chí Minh và lực lượng vũ trang Quân khu 7…”.

Muốn biết được cái “xã hội của chế độ mới thu nhỏ” ấy ra sao, tốt nhất là đọc bài nghiên cứu “Chiến công của Đảng bộ và quân dân xã Đôn Thuận trong việc xây dựng căn cứ địa Bời Lời” (trang 19- 57) của tác giả Phan Minh Tánh. Ông từng là Trưởng Ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam. Theo đó: “Bời Lời đã thực sự trở thành một địa điểm chiến lược lợi hại, tiến có thể đánh, lui có thể giữ” như lời dạy của Bác Hồ trong Chỉ thị kháng chiến ngày 23.10.1945.

Căn cứ địa Bời Lời: “dù không phải là căn cứ địa của Xứ uỷ, của Trung ương Cục, không phải là nơi thiết lập đại bản doanh của các cơ quan lãnh đạo đầu não cách mạng trên chiến trường miền Nam… nhưng căn cứ địa Bời Lời rất nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm…”. Nổi tiếng đến nỗi quân nguỵ phải truyền tụng câu vè: “Bời Lời còn thì Sài Gòn mất”.

Quả nhiên, câu vè dân gian dù xuất hiện từ phía địch này đã nghiệm đúng. Sài Gòn đã “mất” ngày 30.4.1975, còn Bời Lời vẫn đứng vững, dù rừng đã trụi lá, xơ xác tơi bời dưới hàng vạn tấn bom pháo, kể cả bom B52, lửa Napan và chất độc hoá học. Cũng theo bài viết của ông Phan Minh Tánh, Căn cứ địa Bời Lời được xây dựng trên lĩnh vực quân sự, kinh tế và chính trị, văn hoá, giáo dục, y tế và xã hội.

Để: “Bời Lời thành nơi đắc địa, hội tụ những giá trị tinh hoa của các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Nhờ đó, Bời Lời đã trở thành một căn cứ địa kháng chiến vững chắc, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: “tiến có thể đánh, lui có thể giữ” như lời dạy của Bác Hồ…”.

Cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt là người rất “nặng lòng” với Căn cứ địa Bời Lời. Trong một bài phát biểu với Ban Chỉ đạo xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam, được ghi lại và in trong pho sách này, ông nói: “Bời Lời kế cận Củ Chi, nằm sát nách Củ Chi.

Thế nên sau khi du khách đến tham quan địa đạo Củ Chi, họ bước qua vùng đất Bời Lời để thưởng ngoạn công trình tái hiện các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam ở Bời Lời rất tiện lợi. Nói về ý nghĩa lịch sử, Bời Lời rất hay, vì đây là nơi thiết lập căn cứ địa cách mạng của cả hai thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp…”.

Bản thân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng có nhiều kỷ niệm gắn bó với nơi đây. Từ năm 1959, sau khi được Trung ương Cục điều động về khu uỷ Sài Gòn Gia Định, ông đã: “ở lâu tại vùng Lộc Thuận kéo dài lên Bời Lời, Sóc Lào, Bà Nhã. Đây là nơi đứng chân của khu uỷ Sài Gòn- Gia Định suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ…”.

Trong bài viết của mình, ông Nguyễn Văn Tiến, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh kể lại: “Ngày 31.5.1999, tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm chủ trì cuộc họp về Dự án xây dựng khu Trung tâm tái hiện di tích lịch sử cách mạng miền Nam…

Tại cuộc họp, cố vấn BCH Trung ương Đảng Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) đề nghị không xây dựng Trung tâm tái hiện di tích lịch sử cách mạng miền Nam tại Thiện Ngôn mà chuyển về Bời Lời. Chú nói: “Bời Lời là một trong những căn cứ địa lớn, lại gần khu di tích địa đạo Bến Dược- Củ Chi nối thông lên hồ Dầu Tiếng, núi Bà Đen, khu vực Toà thánh Cao Đài, đi căn cứ Trung ương Cục, thành một dải du lịch liên hoàn".

Hội nghị thảo luận và Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm kết luận như lời chú Sáu Dân: “chuyển địa điểm xây dựng Trung tâm tái hiện di tích lịch sử cách mạng miền Nam về Bời Lời và giao UBND tỉnh Tây Ninh làm chủ đầu tư dự án”. Đây quả nhiên là một ý tưởng sáng suốt, càng ngày càng được chứng minh, nhất là khi ngành du lịch đã và đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Pho sách Căn cứ địa Bời Lời huyền thoại dày 744 trang khổ (15 x 23) với 60 bài viết của các nhà chính trị, khoa học và nhân chứng từng sống và chiến đấu tại Bời Lời. Đây là các bài mang tính tổng kết hoặc nghiên cứu sâu sắc về một mô hình chiến tranh nhân dân vĩ đại trên vùng căn cứ địa Bời Lời huyền thoại.

Ngoài ra, sách còn có nhiều bài nghiên cứu, tổng kết của các vị tướng, các cán bộ nghiên cứu quân sự của Quân khu 7. Tuy vậy, tới phần thứ ba căn cứ địa Bời Lời- Ký ức còn mãi, mới là những trang hồi ký của các nhân chứng. Đây chính là phần tươi ròng những kỷ niệm còn sống mãi, như rừng Bời Lời đã trở lại tươi xanh.

Nói như ông Đoàn Văn Dữ (Ba Dữ), nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Tây Ninh là: “Dù đã lớn tuổi, thần kinh nhão ra rồi, nhưng chuyện Bời Lời hả, tôi nhớ lâu đời lắm không quên được” (Bài Âm vang Bời Lời, trang 500). Đọc từng ấy trang sách, một xã hội mới thu nhỏ sẽ hiện ra lung linh. Xã hội ấy có cả chiến đấu kiên cường, nếm mật nằm gai mà vẫn bừng bừng khí thế lạc quan cách mạng. Xã hội ấy còn sôi động các hoạt động y tế, giáo dục, văn hoá xã hội.

Đặc biệt có cả những chuyện còn ít người biết tới, như là chuyện những đơn vị tình báo chiến lược được sinh ra tại Bời Lời, hoạt động cực kỳ hiệu quả tại Sài Gòn. Vậy có phải là còn hơn cả huyền thoại hay không?

TRẦN VŨ

(còn tiếp)