Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Căn cứ địa Bời Lời - hơn cả huyền thoại (Tiếp theo và hết)
Thứ năm: 19:16 ngày 25/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đọc các bài “Cụm tình báo A20 tại căn cứ Bời Lời trong những năm 1963-1965” của Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí); “Bời Lời, vùng đất của những đơn vị tình báo anh hùng” của Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) kể, Hoàng Xuân ghi; “Bí ẩn Mật khu” của Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ; “Thành lập tình báo chiến lược khu uỷ Sài Gòn-Gia Định ở căn cứ địa Bời Lời” của Hoàng Việt nhiều người chưa biết đến câu chuyện mật khu Bời Lời, dù họ đã từng sống và chiến đấu ở căn cứ Bời Lời. Cũng là dễ hiểu, bởi ngành tình báo là ngành có kỷ luật nghiêm khắc nhất. Cho đến nay, sau 45 năm giải phóng, những tư liệu quý giá này mới được “giải mật” hay chăng?

Cô Hồng - người quấn khăn đứng hàng đầu, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - Chủ tịch Hội Văn nghệ giải phóng (thứ tư từ phải qua) và các diễn viên Đoàn Văn công giải phóng Tây Ninh

Ngày nay thật khó hình dung được những gian nan, thử thách mà các đơn vị tình báo tại Bời Lời đã trải qua, cũng như những sự kiện anh hùng đã trở thành sự tích hay huyền thoại. Họ vừa là những chiến sĩ căn cứ địa, đào hầm hào, địa đạo để: “thấy có điều kiện là đánh địch khi chúng vào căn cứ của ta, chứ không chạy trốn đơn thuần” (Nguyễn Văn Khiêm) hoặc có lúc như cụm trưởng tình báo H63- Lê Văn Vĩnh ung dung cưỡi máy bay cùng các “ông Nghị” Sài Gòn đi trinh sát Phước Long, trước khi quân ta tiến đánh vào năm 1967. Rồi trước tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, ông Bảy Vĩnh lại tháp tùng một sư đoàn trưởng Quân giải phóng, đi xe của Uỷ ban An ninh - Quốc phòng hạ viện Sài Gòn để “điều nghiên phi trường” ngay giữa phi trường Tân Sơn Nhất (Khổng Minh Dụ).

Cũng không mấy ai biết được rằng điệp viên Vũ Ngọc Nhạ, từng nổi danh với biệt hiệu “ông Cố vấn” của Phủ Tổng thống Sài Gòn lại từng là Lưới trưởng tình báo H10- A22 anh hùng đóng quân tại căn cứ địa Bời Lời. Dù bị bắt nhưng lưới tình báo vẫn tồn tại ngay trong các cơ quan đầu não chính quyền Sài Gòn. Cùng với ông còn Lê Hữu Thuý, đến tháng 7.1969 mới bị “sa lưới” khi đang là “Tham chánh Bộ Văn phòng Bộ Thông tin - Chiêu hồi”. Khi hai ông được trao trả sau Hiệp định Paris, vợ con các ông lại được cách mạng đón lên căn cứ Bời Lời để gia đình đoàn tụ tại Lộc Ninh (TS. Lê Thị Thanh Hương, bài cụm tình báo chiến lược VT 73, trang 407).

Và không chỉ có họ, nhiều cụm tình báo chiến lược trụ bám tại Bời Lời đã làm nên những kỳ tích và chiến công bất tử. Cụm A18- H 63 của Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) có điệp viên Phạm Xuân Ẩn, người từng được giáo sư người Mỹ Larry Berman gọi là “Điệp viên hoàn hảo” trong một cuốn sách nghiên cứu của ông. Nhưng với ông Tư Cang, đấy là người đồng đội thân thương Hai Trung- H6, người đã: “cung cấp rất nhiều tin tức, tài liệu có giá trị chiến lược, chiến dịch của Mỹ Nguỵ”. Cụm A20 dưới quyền ông Sáu Trí thì có Nguyễn Văn Lễ, Trần Bá Thành - những người đã có vị trí cao trong Quốc hội Sài Gòn (Thiếu tướng Nguyên Văn Khiêm- Sáu Trí).

Kể lại những câu chuyện huyền thoại này, ông Tư Cang viết: “Cụm A20- H67 bám trụ ở Bời Lời suốt từ năm 1962 đến năm 1969, đã kiên cường bám trụ vừa làm nhiệm vụ tình báo, vừa chiến đấu trực tiếp với địch bảo vệ an toàn căn cứ. Bao nhiêu lượt tấn công, dù có vũ khí chiến đấu hiện đại, quy mô lực lượng lớn nhưng địch vẫn buộc phải thất thủ trước cụm tình báo A20. Trên mảnh đất Bời Lời kiên cường này, có tập thể đơn vị A20- H67 anh hùng và nhiều cá nhân ngành tình báo được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, như các anh Lê Văn Nghi (Bảy Vĩnh), Nguyễn Văn Lộc (Bảy Hiếu), Nguyễn Văn Thương (Hai Thương)… Ở Củ Chi đất thép thành đồng, có cụm tình báo A18-H63, ngày 20.7.1971 được tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVTND, có 4 cá nhân anh hùng là Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, chị giao liên Nguyễn Thị Ba, cô Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Tám Thảo) và tôi- Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang)…".

Bệnh viện dã chiến trong chiến khu Bời Lời

Một nhân vật cũng không kém phần bí ẩn nữa, là Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ (Thái Dương), dù ông chỉ là một cựu chiến binh của cụm tình báo H67 anh hùng. Bài “Bí ẩn Mật khu” của ông mới viết vào mùa thu 2019 rất hay, ngồn ngộn chất văn chương và tràn đầy tư liệu. Ông ít viết về mình, mà chỉ kể đến các đồng đội anh hùng của các đơn vị tình báo anh hùng trên đất Bời Lời những năm tháng xa xưa ấy. Ví như viết về H67, ông đặt câu hỏi: “Với trên hai ngàn ngày bám trụ Mật khu, nếu không phải là người trong cuộc, hẳn sẽ không ít ý kiến cho rằng đơn vị H67 ấy hẳn có một bí quyết gì đó?". Rồi ông lại tự trả lời, đấy là: “Bí ẩn mật khu, cái bí ẩn… mà người trong cuộc ngẫm lại cũng phải ngỡ ngàng”. Họ chỉ có 13 người ở Bời Lời từ 1962. Vậy mà: “sau 6 năm, H67 đã xây dựng tới 7 căn cứ ở cánh rừng thuộc xã Đôn Thuận, với trên 50 hầm làm việc, sinh hoạt và hầm bí mật, cùng với gần nửa cây số địa đạo, giao thông hào và công sự chiến đấu. Quả là một kỳ công…”. Bản thân ông cũng là một chiến sĩ tình báo thuộc Tổng cục 2- Bộ Quốc phòng, được điều vào Nam năm 1965. 10 năm chiến đấu, với nhiều năm tháng bám trụ tại Bời Lời, ông viết: “những năm tháng ấy đã hằn sâu trong ký ức tôi bao kỷ niệm về tình đồng đội, đồng chí, nghĩa đồng bào… những kỷ niệm ấy đã khơi nguồn cảm xúc thôi thúc tôi cầm bút và trở thành nhà báo, nhà văn, nhà thơ. Đã xuất bản mười mấy đầu sách, trong đó hơn phân nửa viết về đồng đội tôi ở H67. Vậy mà vẫn còn thấy mình “mắc nợ”, cùng với cái nợ chung của các nhà văn nước nhà với cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh của dân tộc…”. Và: “Tình đất tình người nơi ấy (Bời Lời) đã cưu mang, che chở cả một đoàn hùng binh và trở thành miền quê văn học của tôi”.

Ký ức về Bời Lời vẫn luôn tươi xanh trong những mái đầu tóc bạc. Đấy là của những người con quê hương Tây Ninh hay TP. Hồ Chí Minh từng sống ở Bời Lời. Võ Văn Cương, Phạm Nam Xuân và Lê Hồng Tư kể về các “lớp học Rừng Xanh”. Nguyễn Văn Tiến (Sáu Tiến), bác sĩ Nguyễn Thị Đó, bác sĩ Cao Văn Chí lại nhắc về các hoạt động của Quân dân y giữa rừng Bời Lời kháng chiến. Ở đấy, họ đã từng tự pha chế thuốc Filatov từ nhau bà đẻ, hoặc nấu, pha chế dịch truyền từ đường cát trắng; chế tạo thuốc nâng huyết áp (Aseralin) bằng một cách mà ngày nay không ai có thể tin là sự thật… Người cựu cán bộ ngành báo chí thông tin Nguyễn Văn Choàng kể về những nhà in typô, đất sét đầu tiên của cách mạng Tây Ninh tại căn cứ Bời Lời. Theo ông, tờ báo đầu tiên mang tên Dân Quyền được ra mắt tại đây từ tháng 4.1946. Nguyễn Thế Nhiệm và Vũ Thu Hồng lại nhớ về Đoàn Văn công giải phóng Tây Ninh một thuở rất huy hoàng. Đại tá Dương Cao Cờ có kỷ niệm sâu đậm với sự kiện máy bay Mỹ tàn sát trường Cầu Xe năm 1963. Trần Thanh Phong- một cán bộ Tuyên giáo trẻ lại vô cùng xúc động trước cuốn sổ tay nhỏ của nữ chiến sĩ Lê Thị Kim Đơn đã chôn giấu bao năm ở dưới bóng rừng, mà người ta đã tìm được và Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ… Tất cả những câu chuyện giản dị mà thần kỳ ấy đều có trong pho sách Căn cứ địa Bời Lời huyền thoại.

Tôi chợt nhớ, ngay cả lúc này đây, nhiều công trình kỳ vĩ trên đất Tây Ninh cũng đang “nương tựa” vào Bời Lời mà đi tới. Đấy là kênh Đông- như một dòng sông ào ào nước chảy, nối chiến khu Dương Minh Châu, qua Bời Lời mà tới Củ Chi. Là khu công nghiệp Phước Đông lưng tựa Bời Lời. Và cả con đường Hồ Chí Minh đi tới mũi Cà Mau cũng đang vượt sông Sài Gòn trên đất Bời Lời. Những trang sách mới lại mở ra, tiếp nối với những trang sách về Bời Lời huyền thoại.

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục