Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần đa dạng hoá sản phẩm từ trái bưởi 

Cập nhật ngày: 28/02/2018 - 15:40

BTN - Trong chuyến tham quan học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp sạch tại Thái Lan do tỉnh Tây Ninh tổ chức, ông Thà nhận thấy các doanh nghiệp Thái Lan đã tận dụng bưởi non bỏ đi tạo ra nhiều sản phẩm như mứt bưởi, tinh dầu bưởi... bán ra thị trường và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Thà loại bỏ bớt bưởi non để cây có đủ sức nuôi những trái còn lại.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 540 ha bưởi da xanh, tập trung ở hai huyện Tân Biên và Tân Châu. Ông Phan Văn Thà (ngụ ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên) được xem là một trong những người tiên phong ứng dụng công nghệ cao để trồng cây ăn trái. Gần đây, ông đã mạnh dạn trồng 20 ha bưởi da xanh xen cam sành theo hướng công nghệ cao. Trong đó, có 3 ha bưởi da xanh đang cho thu hoạch được hơn 1 năm. Bưởi ông trồng luôn có nơi tiêu thụ ổn định.

Ông Thà cho biết, trồng cây ăn trái, người nông dân phải đầu tư khá nhiều cả về chi phí và công sức, bù lại, cây ăn trái cho thu nhập cao hơn hẳn cao su. Ông cho rằng, nếu có công nghệ làm gia tăng giá trị sản phẩm thì làm trồng cây ăn trái càng “ngon” hơn nữa.

Ví dụ như trồng bưởi da xanh. Khi cây 3 năm tuổi mới cho trái chiến. Lúc này, nhà vườn phải loại bỏ nhiều trái bưởi non, chỉ giữ lại số lượng vừa phải để vừa “dưỡng cây”, vừa bảo đảm chất lượng trái thành phẩm (chẳng hạn, bưởi 4 năm tuổi cho hơn 100 trái/cây, nhà vườn phải loại bỏ khoảng một nửa). Trái bưởi non bị loại bỏ không sử dụng rất lãng phí.

Trong chuyến tham quan học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp sạch tại Thái Lan do tỉnh Tây Ninh tổ chức, ông Thà nhận thấy các doanh nghiệp Thái Lan đã tận dụng bưởi non bỏ đi tạo ra nhiều sản phẩm như mứt bưởi, tinh dầu bưởi... bán ra thị trường và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Việc tận dụng này đã giúp nông dân Thái Lan có thêm một khoảng thu nhập lớn để trang trải chi phí đầu tư, nâng cao giá trị sản xuất. Ông Thà mong muốn Tây Ninh làm được như bên Thái Lan để phát triển nông nghiệp bền vững.

Ðược biết, trên thị trường tỉnh hiện bán khá nhiều sản phẩm làm từ trái bưởi non và vỏ bưởi như mứt bưởi, tinh dầu bưởi. Bà Kim Loan, chủ sạp bánh kẹo tại chợ Long Hoa cho biết, gia đình bà có trồng 3 ha bưởi da xanh. Ðến giai đoạn cây cho trái, gia đình bà đã tận dụng những trái bưởi non làm món mứt bưởi bán trong dịp tết nguyên đán vừa qua.

Mứt bưởi được bán với giá 250.000 đồng/kg. Dù giá đắt nhưng nhiều người vẫn tìm mua, nên gia đình bà Loan bán được gần 300kg mứt bưởi. Việc tận dụng bưởi non làm mứt đã mang lại nguồn lợi lớn cho gia đình bà Loan.

Tinh dầu bưởi nguyên chất.

Chị Lê Thị Ngọc Giàu (ngụ thành phố Tây Ninh) cho biết, cách đây 1 năm, chị mua bưởi ở chợ đầu mối Thủ Ðức về kinh doanh nước ép bưởi. Ðồng thời, chị tìm hiểu công dụng của vỏ bưởi rồi lấy vỏ xanh chưng cất, lấy tinh dầu bưởi nguyên chất với nhiều công dụng như: làm đẹp, chống rụng tóc, tan mỡ bụng, chống lão hoá da... 

Hiện tại, chị Giàu chưng cất bằng thủ công nhưng mang lại hiệu quả đáng kể. Mỗi ngày, chị chưng cất khoảng 30kg vỏ bưởi tươi, thu được 50ml tinh dầu bưởi. Chị cho vào từng lọ 5ml, bán cho khách quen với giá 50.000 đồng/lọ. Chị Giàu còn phơi khô phần vỏ trắng (kế lớp vỏ xanh) bán cho những cơ sở làm nem chay với giá 15.000 đồng/kg.

Chị Giàu cho biết, chị sẽ tiếp tục tìm hiểu để tạo ra những sản phẩm sạch từ trái bưởi như dầu gội, bưởi sấy dẻo.

Tuy nhiên, việc tạo thêm những giá trị gia tăng cho trái bưởi vẫn chưa nhiều, quy mô sản xuất nhỏ nên lượng bưởi non, vỏ bưởi còn tồn ở nhà vườn khá lớn.

THANH NHI