Kinh tế   Đời sống đô thị

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Huyện Hoà Thành:

Cần “đánh thức” tiềm năng du lịch 

Cập nhật ngày: 24/06/2017 - 05:45

BTN - Huyện cần đẩy mạnh kêu gọi đầu tư để xây dựng khách sạn, nhà hàng, các khu giải trí vui chơi, mua sắm... để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Khi đó, tiềm năng du lịch của huyện chắc chắn sẽ được khơi dậy và phát triển, góp phần cùng tỉnh đưa ngành công nghiệp không khói cất cánh.

Một chủ vườn ở xã Trường Hoà bày bán trái cây được thu hoạch ngay tại vườn.

6 tháng đầu năm 2017, hoạt động sản xuất thương mại - khách sạn - nhà hàng trên địa bàn huyện Hoà Thành có mức tăng trưởng khá. Mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên địa bàn huyện ước thực hiện 13.421 tỷ đồng- đạt 55,43% so với kế hoạch và tăng 7,89% so với cùng kỳ năm trước.

Thế nhưng, điều mà người dân huyện Hoà Thành luôn mong mỏi là làm sao huyện phát huy được tiềm năng về du lịch mạnh hơn nữa.

THỜI CƠ...

Ngoài Toà thánh Cao Đài hằng năm thu hút hàng triệu khách hành hương, Hoà Thành còn có chợ Long Hoa - một trung tâm giao thương lớn và lâu đời nhất tỉnh.

Ngoài ra, Hoà Thành còn có những địa điểm du lịch tâm linh mà thời gian qua cũng thu hút được nhiều khách hành hương như Trí Huệ Cung, Ao Thất Bửu (nằm trên địa bàn xã Trường Hoà, xã Trường Đông) hay chùa Thiền Lâm (còn gọi là chùa Gò Kén, ở xã Long Thành Trung).

Ngoài ra, huyện Hoà Thành có đến 2.930 ha diện tích cây ăn quả, trong đó sầu riêng 700 ha, măng cụt 178 ha, mít 346 ha, bòn bon 100 ha, mận gần 39 ha, chôm chôm gần 100 ha, nhãn 138 ha...

Đây là một trong những tiềm năng du lịch sinh thái rất lớn, nếu được “đánh thức”, huyện Hoà Thành có thể trở thành điểm đến tham quan du lịch hấp dẫn.

Những năm gần đây, Hoà Thành đã có nhiều thay đổi, cơ sở hạ tầng, kinh tế- xã hội phát triển mạnh mẽ. Nhiều tuyến đường được đầu tư, nâng cấp khang trang, làm thay đổi rõ nét bộ mặt của huyện. Người dân huyện Hoà Thành rất phấn khởi trước sự “thay da, đổi thịt” của huyện.

Tuy nhiên, toàn huyện Hoà Thành không có được một khách sạn đúng nghĩa, hầu hết chỉ là nhà trọ. Còn về ẩm thực, ngoài những quán ăn cơm chay bình dân phục vụ du khách hành hương, Hoà Thành cũng không có một nhà hàng ẩm thực chay nào đúng nghĩa để phục vụ khách.

THÁCH THỨC

Một hướng dẫn viên du lịch trong tỉnh khẳng định, nếu nói Tây Ninh cách thành phố Hồ Chí Minh 100km nên không thể “giữ chân” du khách lưu trú là không chính xác. Nguyên nhân chính là do du lịch tỉnh nhà nói chung và huyện Hoà Thành nói riêng chưa có biện pháp để “giữ chân” du khách mà thôi.

Như tỉnh Tiền Giang, chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70km, nhưng những khu du lịch sinh thái vườn ở đây đã “níu chân” du khách bằng các hoạt động ngoài trời, trò chơi, đờn ca tài cử...

Còn ở Tây Ninh nói chung, Hoà Thành nói riêng, du khách sau khi tham quan núi Bà Đen, Toà thánh Tây Ninh, về ghé chợ Long Hoa và một ít khách hành hương tại Trí Huệ Cung, Ao Thất Bửu hay chùa Thiền Lâm... rồi ra về.

Bởi Hoà Thành chưa có những sản phẩm du lịch đủ sức hấp dẫn du khách, cho dù trên địa bàn huyện cũng có hàng ngàn ha vườn cây ăn trái, có sông ngòi, ao hồ... Một số người quan tâm cho rằng, nếu huyện có thể tổ chức liên kết các chủ vườn cây ăn trái lại với nhau để phát triển lĩnh vực du lịch sinh thái, kèm theo một số hoạt động phục vụ khách đặc thù địa phương, chắc chắn sẽ thu hút được du khách đến với mình.

Tuy nhiên, khi Hoà Thành phát triển được du lịch, lĩnh vực thương mại dịch vụ chắc chắn sẽ phát triển theo. Huyện cần đẩy mạnh kêu gọi đầu tư để xây dựng khách sạn, nhà hàng, các khu giải trí vui chơi, mua sắm... để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Khi đó, tiềm năng du lịch của huyện chắc chắn sẽ được khơi dậy và phát triển, góp phần cùng tỉnh đưa ngành công nghiệp không khói cất cánh.

THẾ NHÂN