BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo hiểm xã hội tự nguyện

Cập nhật ngày: 09/04/2016 - 04:06

Những lao động tự do làm việc trong lò sấy thuốc lá, phần lớn họ  chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, dù khi tham gia họ được Nhà nước hỗ trợ một phần.

Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm tự nguyện. Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm xã hội tự nguyện có hiệu lực thi hành. Thế nhưng hiện nay, phần đông người lao động không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa biết về bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Nghị định số 134/2015/NĐ-CP là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bao gồm: người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng trước ngày 1.1.2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng từ ngày 1.1.2018 trở đi; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu phố; người lao động giúp việc gia đình; người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương; xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình; người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; người tham gia khác. Đồng thời, các văn bản trên còn quy định phương thức và thời gian đóng BHXH linh hoạt, không giới hạn tuổi tham gia, người tham gia được Nhà nước hỗ trợ... Đây được xem là những ưu đãi cho lao động tự do không tham gia BHXH bắt buộc, nhằm thực hiện bảo đảm an sinh xã hội.

Tại Điều 10 của Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định, mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Mức đóng 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc 12 tháng một lần được xác định bằng mức đóng hằng tháng theo quy định tại Khoản 1 Điều này nhân với 3 đối với phương thức đóng 3 tháng; nhân với 6 đối với phương thức đóng 6 tháng; nhân với 12 đối với phương thức đóng 12 tháng một lần. Mức đóng một lần cho nhiều năm về sau theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 9 Nghị định này được tính bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng…

Ngoài ra, Nghị định 134/2015/NĐ-CP cũng quy định về mức hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này, cụ thể bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác…

Mục tiêu của Đảng và Nhà nước là sẽ tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đó, các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền Luật Bảo hiểm xã hội, giúp người dân hiểu và  thấy được lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH tự nguyện, để người dân thấy được BHXH tự nguyện là chỗ dựa vững chắc cho những người lao động tự do, qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

THẾ NHÂN


 
Liên kết hữu ích