Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cần đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)
Thứ hai: 00:58 ngày 01/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu sẽ có 100% xã có đăng ký tham gia chương trình, mỗi huyện, thị xã và thành phố có 10 chủ thể phát triển được sản phẩm (mỗi chủ thể tăng được 1 sao so với lần đánh giá đầu tiên) thông qua quá trình tham gia chương trình.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thuý tham gia Lễ hội văn hoá - du lịch Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, lần thứ III.

Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo hướng phát triển nội sinh, gia tăng giá trị các sản phẩm có lợi thế của địa phương, tạo ra hướng đi trong sản xuất, kinh doanh, gắn với đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai OCOP tại các địa phương gặp không ít khó khăn, cần có giải pháp tháo gỡ, để chương trình đạt hiệu quả cao.

Phát triển đặc sản thành sản phẩm OCOP

Từ lâu, khi nhắc đến Tây Ninh, người dân và du khách thường nghĩ ngay đến các địa danh núi Bà Ðen, Toà thánh Cao Ðài Tây Ninh và những đặc sản như: bánh tráng phơi sương, muối ớt, mãng cầu, dưa lưới... Trong đó, bánh tráng phơi sương và muối ớt là những sản phẩm được lựa chọn phát triển chương trình OCOP đầu tiên của thị xã Trảng Bàng và huyện Gò Dầu.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề bán bánh tráng và rau rừng, đến nay, bà Nguyễn Thị Thanh Thuý, ngụ khu phố Lộc Trác, phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng đã phát triển cơ sở sản xuất bánh tráng và phân phối sản phẩm rau rừng cho nhiều nhà hàng tại Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Thuý cho biết, đặc sản bánh tráng phơi sương của Trảng Bàng nổi tiếng trong và ngoài tỉnh, nhiều nhà hàng lớn đặt vấn đề với bà về việc đưa món ăn này vào thực đơn phục vụ du khách. Có thể thấy, thị trường cho đặc sản này rất lớn. Do vậy, để đẩy mạnh sản xuất, vừa qua bà trang bị thêm máy nướng và máy cắt bánh tráng, đồng thời, hỗ trợ người dân trồng thêm rau rừng, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Theo bà Thuý, dù có thị trường tiêu thụ ổn định, nhưng để làm giàu bằng nghề làm bánh tráng phơi sương và trồng rau rừng, cần phải tăng cường công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu địa phương. Do đó, việc tham gia chương trình OCOP sẽ giúp đặc sản của Tây Ninh vươn xa.

Ông Võ Ðức Tồn- chủ cơ sở chế biến mỹ nghệ Phú Gia Bảo tại ấp Cây Nính, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu cho biết, cơ sở của ông có hai sản phẩm đăng ký chương trình OCOP, đó là muối ớt chay và muối tôm. Cả hai sản đều là đặc sản của Gò Dầu, gia đình ông đưa vào sản xuất hơn 7 năm qua, có mặt tại nhiều tỉnh, thành khu vực Nam bộ, như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Ðồng Nai...

Theo ông Tồn, ông đưa hai sản phẩm trên tham gia chương trình OCOP nhằm xây dựng thương hiệu mạnh cho sản phẩm muối đặc sản, có thể thâm nhập vào hệ thống phân phối bán lẻ lớn như siêu thị, cửa hàng Bách Hoá Xanh...

“Tôi không quá tham vọng để mở rộng sản xuất, kinh doanh lớn, nhưng để tồn tại được trong môi trường kinh doanh hiện nay, cần xây dựng thương hiệu hiệu riêng cho mình. Tôi hy vọng sau khi hoàn thành các thủ tục đăng ký và được xét duyệt, thẩm định, sẽ tiếp tục được các cơ quan chức năng hỗ trợ, tư vấn về quy trình đăng ký thương hiệu, hoàn chỉnh các bước sản xuất đạt quy chuẩn quốc gia. Ðồng thời, tạo điều kiện đưa các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP vào các hệ thống bán lẻ lớn, hiện đại”.

Mặc dù đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP, nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Thuý cũng không kỳ vọng vào việc sản phẩm của cơ sở có được công nhận hay không, vì thực chất, hiện tại, việc sản xuất, phân phối bánh tráng và rau rừng của bà đã ổn định. Trong thời gian tới, bà dự định đầu tư máy tráng bánh lên đến cả tỷ đồng, rất mong sẽ nhận được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng.

Theo ông Võ Ðức Tồn, cơ sở Phú Gia Bảo sản xuất nhiều loại sản phẩm, trong đó có sản phẩm chao. Tuy nhiên, với quy định phải có trên 50% nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc địa phương, ông không thể đăng ký sản phẩm của mình.

Theo ông Tồn, để sản xuất ra sản phẩm chao Phú Gia Bảo, ông phải chọn mua nguyên liệu là đậu nành loại tốt từ các tỉnh khác, vì Tây Ninh không có nguồn nguyên liệu này, cũng giống như muối ớt, muối tôm vậy. Do đó, ông đề nghị các cơ quan chuyên môn xem xét lại tiêu chuẩn trên.

Còn nhiều khó khăn

Ông Phan Văn Tấn- Phó Chủ tịch phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng cho biết, để phát triển sản phẩm OCOP, phải tuyên truyền cho người dân hiểu về ý nghĩa, lợi ích khi tham gia. Ðồng thời có những lớp tập huấn cho cán bộ địa phương về các quy trình đăng ký tham gia, các tiêu chuẩn cần thiết để sản phẩm đạt OCOP.

Còn theo ông Nguyễn Văn Lập- Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, ban đầu khi triển khai thực hiện, có 9 hộ sản xuất muối ớt, muối tôm trên địa bàn xã đăng ký tham gia OCOP, tuy nhiên, do khó khăn về thủ tục nên đến nay chỉ còn một hộ đăng ký, hiện hồ sơ đã hoàn thành, gửi về tỉnh.

Theo ông Lập, OCOP là chương trình mới, với nhiều tiêu chí giống như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể, và mở các lớp tập huấn cho cán bộ địa phương nắm rõ, nắm vững các bước thực hiện. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ những hộ, cơ sở có sản phẩm đạt OCOP, để họ có điều hiện mở rộng sản xuất và xây dựng thương hiệu.

Ông Lê Chính Nghĩa- Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Trảng Bàng cho biết, theo định hướng của Thị xã, đến năm 2025, mỗi xã, phường của Trảng Bàng sẽ có từ 3 sản phẩm OCOP trở lên. Hiện tại, Thị xã đã hoàn thành hồ sơ đăng ký cho 3 sản phẩm, là bánh tráng phơi sương, rau rừng tại phường Gia Lộc và dưa lưới công nghệ cao tại phường An Tịnh.

Cũng theo ông Nghĩa, do mới triển khai nên nhiều người còn bỡ ngỡ, chưa thật sự hiểu ý nghĩa của OCOP. Dù vậy, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mới đây, đã có 3 đến 4 hộ đăng ký tham gia, dự kiến trong năm 2021, Trảng Bàng có 3 sản phẩm đăng ký OCOP.

Bà Nguyễn Thị Gái Liên- Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Gò Dầu cho biết, thực hiện chương trình OCOP, huyện Gò Dầu đã xây dựng 2 sản phẩm là muối ớt Gò Dầu và sầu riêng Bàu Ðồn. Tuy nhiên, chỉ thực hiện một sản phẩm muối ớt, do khi đăng ký năm 2020, sầu riêng đã thu hoạch xong, không có trái để thẩm định và đăng ký hồ sơ, dự kiến năm 2021, huyện sẽ tiếp tục triển khai đăng ký.

Tuy nhiên, theo bà Liên, vấn đề khó khăn hiện nay là người dân chưa thật sự mặn mà với chương trình, bằng chứng là khi tỉnh tổ chức lớp tập huấn, địa phương mời rất nhiều người tham gia nhưng có rất ít người đến dự. Mặt khác, bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP quá nhiều, khiến người dân cảm thấy nản khi được vận động làm hồ sơ tham gia.

Theo bà Liên, để việc triển khai chương trình OCOP được tốt hơn, tỉnh cần tổ chức các lớp tuyên truyền đến tận các xã, phường, thị trấn, để họ hiểu rõ về ý nghĩa và lợi ích khi tham gia chương trình. Bên cạnh đó, cần có một tổ, hoặc ban chuyên trách về vấn đề này, chịu trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ người dân hoàn thành hồ sơ, thủ tục đăng ký OCOP.

Dây chuyền đóng gói muối của cơ sở Phú Gia Bảo.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 6.7.2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1391/QÐ-UBND về phê duyệt Ðề án thực hiện Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Ðề án), giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; và đến ngày 17.8.2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1892/KH-UBND về việc triển khai Ðề án năm 2020.

Tính đến nay, mới chỉ tổ chức triển khai 6 lớp tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, hướng dẫn thực hiện và các chủ thể tham gia chương trình. Ðồng thời, triển khai thực hiện thí điểm tại thị xã Trảng Bàng, Hoà Thành và huyện Gò Dầu. Các địa phương đang hoàn thiện hồ sơ, dự kiến sẽ tổ chức đánh giá phân hạng 5 sản phẩm tham gia chương trình OCOP.

Trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu sẽ có 100% xã có đăng ký tham gia chương trình, mỗi huyện, thị xã và thành phố có 10 chủ thể phát triển được sản phẩm (mỗi chủ thể tăng được 1 sao so với lần đánh giá đầu tiên) thông qua quá trình tham gia chương trình. Trong đó, có 10-15 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 3-5 sản phẩm đạt 4 sao, 5-10 sản phẩm đạt 3 sao.

Nguyên An

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục