Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cần đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường cho các hộ chăn nuôi gia súc nhỏ, lẻ
Thứ hai: 08:31 ngày 30/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chăn nuôi gia súc (heo, trâu, bò) nhỏ, lẻ ở các hộ gia đình nông thôn đã mang lại những kết quả tích cực, tạo thêm thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, thời gian qua, đã có nhiều trường hợp chăn nuôi nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.

Mặc dù, chính quyền cấp xã đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi gia súc bảo vệ môi trường như xây dựng mương dẫn nước thải, làm hầm chứa nước thải, làm hầm biogas, vệ sinh chuồng trại... nhưng nhiều hộ gia đình vẫn chưa chấp hành tốt quy định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

Cũng có những trường hợp, chính quyền cấp xã chưa nắm rõ hết các quy định về bảo vệ môi trường trong việc quản lý chăn nuôi gia súc, gia cầm hộ gia đình nhỏ, lẻ ở khu dân cư.

Cụ thể như mới đây, khi chúng tôi phản ánh về tình trạng một hộ dân gây ô nhiễm môi trường từ việc nuôi nhốt heo tập trung trước khi đưa đi giết mổ, chính quyền xã đã khẳng định “mùi hôi chưa phải là ô nhiễm”.

Ông Nguyễn Văn Mấy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết, trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành Hướng dẫn số 1737 ngày 26.7.2017, hướng dẫn thực hiện công tác quản lý và bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Hướng dẫn trên quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường và xử lý chất thải trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm của hộ chăn nuôi gia trại, nhỏ lẻ.

Hộ chăn nuôi gia trại có quy mô chuồng từ 50m2 đến dưới 1.000m2 phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường trước khi thực hiện tại UBND huyện hoặc UBND xã (nếu được UBND huyện uỷ quyền); nếu vị trí nằm trên địa bàn 2 huyện trở lên phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường tại Sở TN&MT.

Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có quy mô chuồng trại dưới 50m2 không phải lập hồ sơ môi trường nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình chăn nuôi đúng quy định.

Ðối với nước thải, trường hợp có tổng lượng nước thải chăn nuôi dưới 2m3/ ngày đến dưới 5m3/ngày phải làm hệ thống thu gom nước thải về hệ thống bể lắng hợp vệ sinh xây dựng bằng gạch hoặc lót bạt HDPE.

Trường hợp có tổng lượng nước thải chăn nuôi từ 5m3/ngày trở lên phải làm hệ thống thu gom và hệ thống xử lý nước thải bảo đảm nước thải sau khi xử lý đạt cột A, QCVN-MT:2016/BTNMT trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.

Về mùi hôi, người nuôi định kỳ vệ sinh phun phế phẩm vi sinh khử mùi bên trong và xung quanh chuồng nuôi. Trong trường hợp hộ chăn nuôi có bể biogas thì thu gom phân đưa về bể để xử lý chung với nước thải.

Nếu hộ chăn nuôi không có bể biogas thì thu gom đưa về khu ủ phân có mái che, có tường bao xung quanh, có mương thu gom nước về hệ thống xử lý nước thải và định kỳ phun chế phẩm vi sinh khử mùi. Nghiêm cấm người chăn nuôi thải chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường và chất thải nguy hại khác vào đất, nguồn nước.

UBND xã và chủ tịch UBND xã có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn này đến các ấp, khu phố, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ sản trên địa bàn; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Như vậy, các ngành chức năng của tỉnh đã ban hành hướng dẫn cụ thể về công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vấn đề còn lại là chính quyền cấp xã cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định, cũng như kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Ông M, người dân sống trên đường Phạm Văn Đồng (khu phố 3, thị trấn Hoà Thành, huyện Hoà Thành) cho biết, ở trong xóm nhà phía sau hẻm 15 đường Phạm Văn Đồng hiện vẫn còn một hộ chăn nuôi trâu, bò gây mùi hôi làm ảnh hưởng đến những hộ xung quanh. 

THIÊN TÂM

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục