Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Khu vực này được đánh giá có quy mô rất lớn, bao gồm cả khu cư dân sinh sống, bến cảng, đền tháp thuộc nền văn hoá Óc Eo – Phù Nam cách đây 2.000 năm.

(BTNO)- Khu di tích Bến Đình thuộc ấp B xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, là di tích cấp tỉnh, được UBND tỉnh công nhận ngày 13.6.1998. Khu vực này được đánh giá có quy mô rất lớn, bao gồm cả khu cư dân sinh sống, bến cảng, đền tháp thuộc nền văn hoá Óc Eo – Phù Nam cách đây 2.000 năm.
Từ trung tâm huyện Bến Cầu, đi theo hương lộ Tiên Thuận ra cặp sông Vàm Cỏ khoảng 5km là tới khu di tích. Ở đây có bến cảng cho ghe xuồng neo đậu và trước đây có ngôi Đình Việt, do vậy nhân dân địa phương gọi là Bến Đình.
Khu vực chính của di tích Bến Đình được khoanh vùng bảo vệ trên diện tích 78.000m2, trong đó khu vực I và II là 69.300m2, là những nơi xuất lộ di chỉ và khu vực III là 8.700m2 là khu vành đai bao quanh. Từ khi được công nhận đến nay, đã hơn 14 năm di tích nầy chưa được khai quật, tỉnh cũng chưa có chủ trương trùng tu, tôn tạo hoặc di dời các hộ dân đang sinh sống để bảo vệ nguyên trạng và chống tình trạng xâm hại trong khu di tích.
Đìu hiu Khu di tích Bến Đình
Hiện nay trong khu di tích Bến Đình-Tiên Thuận có gần 40 hộ dân đang sinh sống ổn định đã nhiều năm. Từ trước đến nay các hộ dân nầy đã làm cam kết với chính quyền địa phương là bảo vệ, giữ gìn nguyên trạng di tích. Năm 2010 huyện thành lập bến phà ngang sông Vàm Cỏ, hàng ngày lưu lượng người và xe cộ đi qua lại ngày càng nhiều. Mặc khác, tỉnh đã có chủ trương sẽ xây dựng cầu Bến Đình thay cho bến phà nầy trong các năm tới để thuận tiện giao thông đi từ Tây Ninh, Gò Dầu đến đường Xuyên Á đi các xã cánh Tây thuộc huyện Trảng Bàng và tỉnh Long An. Nếu vậy, khi làm cầu sẽ khó tránh khỏi việc đào bới, làm thay đổi hiện trạng khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích.
Cũng trong năm 2010, Bảo tàng Tây Ninh tiến hành đào thám sát di chỉ khảo cổ Bến Đình đã phát hiện một số mảnh ngói, mảnh tượng bị vỡ và số mảnh phù điêu bằng đất nung. Từ đó đến nay, khu di tích vẫn dầm sương dãi nắng cùng với cuộc sống người dân địa phương chứ chưa được khai quật hay có phương án bảo vệ cụ thể. UBND huyện Bến Cầu kiến nghị với tỉnh về việc sớm khai quật và điều chỉnh thu nhỏ diện tích khoanh vùng bảo vệ của di tích Bến Đình nhằm phù hợp với thực trạng địa phương; cũng như để cho việc quản lý, trùng tu, tôn tạo của Nhà nước có hiệu quả khả thi.
QUANG DŨNG