BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân phù hợp điều kiện sống của người dân

Cập nhật ngày: 28/10/2023 - 07:08

BTN - Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được ban hành vào năm 2007, đến nay đã trải qua hai lần điều chỉnh mức thu nhập và mức giảm trừ gia cảnh.

Lần điều chỉnh gần đây nhất là vào tháng 7.2020, theo đó, người có thu nhập từ 11 triệu đồng/tháng trở lên (132 triệu đồng/năm) sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hiện nay, mức thu nhập và mức giảm trừ này đã không còn phù hợp. Mặt bằng giá chung và mức sống của người dân ngày càng tăng cao; các loại chi phí thiết yếu cho đời sống như lương thực, thực phẩm, giáo dục, y tế cũng đã gấp nhiều lần, khiến đời sống người dân ngày càng khó khăn hơn.

Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, sửa đổi chính sách thuế TNCN phù hợp, kịp thời hỗ trợ cho người nộp thuế, đặc biệt là nhóm đối tượng làm công ăn lương.

Chị Thuý An, quê ở huyện Tân Biên, đang làm việc tại một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Phước Đông (huyện Gò Dầu) cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học năm 2015, chị bắt đầu làm việc cho một doanh nghiệp dệt, nhuộm và may mặc, mức lương khởi điểm 8 triệu đồng/tháng. Sau gần 10 năm gắn bó, chị được phân công quản lý một tổ sản xuất, lương cũng tăng lên khoảng 16 triệu đồng. Sau khi trừ 15% thuế TNCN, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, số tiền còn lại chị dùng chi trả sinh hoạt phí, thuê nhà và gửi một ít phụ ba mẹ.

Theo chị An, ước mơ lớn nhất của chị là mua mảnh đất nhỏ, xây dựng nhà để được “an cư lạc nghiệp”, thế nhưng, với mức thu nhập như hiện nay thì không thể thực hiện.

Anh Đ.Q.L đang làm việc tại KCN - chế xuất Linh Trung III cho biết, mức lương của anh khoảng 12 triệu đồng/tháng, trừ hết các khoản phí, tổng thu nhập của anh còn hơn 9 triệu đồng. Vợ anh đang mang thai, do sức khoẻ yếu phải nghỉ việc ở nhà nên toàn bộ chi phí sinh hoạt trong gia đình đều do anh cáng đáng. Anh L nhẩm tính, sau khi trừ các khoản phải chi như: thuê phòng trọ, điện nước, tiền ăn uống, khám thai hằng tháng... gần như anh chẳng còn dư đồng nào.

“Bây giờ tới đâu tính tới đó, đến lúc vợ tôi sinh con, chắc phải gửi về quê nhờ cha mẹ chăm lo phụ, tôi ở đây cũng sẽ chuyển qua ở ghép với một vài người bạn để tiết kiệm, gửi tiền về lo cho con, chứ như hiện nay thì sẽ rất khó khăn”- anh L bộc bạch.

Anh L.T, một nhân viên sale tại thành phố Tây Ninh cho biết, anh mới chuyển công việc từ Thành phố Hồ Chí Minh về quê được hơn một năm, mức lương của anh dao động khoảng 13-17 triệu đồng/tháng, tuỳ theo doanh số bán hàng. Tuy nhiên, đây là mức lương trên giấy, còn mức thực hưởng của anh thì thấp hơn từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng vì còn nhiều khoản bị trừ theo Luật Lao động và thuế TNCN.

Theo anh T, chi phí sinh hoạt ở Tây Ninh không hề thấp hơn các thành phố lớn, trong đó, chi phí khám, chữa bệnh và học tập là gánh nặng đối với rất nhiều gia đình. Anh T lấy ví dụ, anh có 2 con, một đang học mẫu giáo và một mới vào lớp 1. Ngay từ đầu năm học mới, ngoài học phí theo quy định, gia đình anh còn phải đóng rất nhiều khoản phí khác. Anh T nhẩm tính, tổng số tiền phải chi cho 2 đứa con học tập mỗi tháng là hơn 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, các loại chi phí thường xuyên như điện, nước, xăng xe, tiền ăn uống hằng ngày và nhiều khoản khác như: đám tiệc, ma chay, lễ tết… nên anh phải tiết kiệm chắt chiu lo cho cuộc sống gia đình.

Theo Cục Thuế, trên địa bàn tỉnh hiện có 2.811 người nộp thuế TNCN, trong 9 tháng đầu năm 2023, số thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công trên địa bàn tỉnh ước đạt 405.873.517.548 đồng.

Thời gian qua, rất nhiều kênh truyền thông, báo chí đã phản ánh vấn đề trượt giá tiêu dùng khiến đời sống đại bộ phận người dân ngày càng khó khăn, nhiều ý kiến kiến nghị việc điều chỉnh mức chịu nộp thuế và giảm trừ gia cảnh để hỗ trợ người nộp thuế trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Thiện Đức