Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong những năm qua tỉnh đã và đang phấn đấu đầu tư tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Việc đầu tư, xây dựng, cải tạo và mở rộng cơ sở hạ tầng đô thị; xây dựng các khu công nghiệp; đầu tư hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp năng lượng, hệ thống thuỷ lợi; xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn… đã tạo điều kiện cho thị trường vật liệu xây dựng trong tỉnh phát triển.
Một bãi cát ven sông Sài Gòn. Ảnh minh hoạ
Hiện nay trên thị trường của tỉnh sẵn có các chủng loại vật liệu xây dựng như xi măng, gạch đất sét nung, đá xây dựng, cát xây dựng, vật liệu san lấp, các vật liệu được sản xuất trên địa bàn tỉnh có chất lượng tốt.
Theo Sở Xây dựng, hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng tại Tây Ninh trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc cải thiện môi trường làm việc ở một số doanh nghiệp để tăng cường bảo vệ sức khoẻ cho công nhân và giảm ô nhiễm môi trường xung quanh.
Cụ thể như nhà máy xi măng Fico Tây Ninh đã đầu tư dây chuyền xử lý đốt rác thải để cấp nhiệt cho sản xuất clanhke, đồng thời, nhằm tiết kiệm nhiên liệu sản xuất, nhà máy đang triển khai xây dựng hệ thống phát điện sử dụng nguồn nhiệt rác thải và tận dụng nhiệt khí thải lò nung để cấp điện cho sản xuất, tiết kiệm nguồn điện quốc gia.
Thời gian qua, việc cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản đã thực hiện theo đúng quy trình và các quy định của Trung ương. UBND tỉnh đã phân định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, của chính quyền địa phương (cấp huyện, xã) và sự phối hợp với các cơ quan Trung ương trong việc cấp phép.
Nhìn chung, việc phân cấp công tác cấp giấy phép hoạt động khoáng sản cho UBND cấp tỉnh đã tạo chuyển biến tích cực, hành lang pháp lý đã thông thoáng hơn, thời gian thụ lý hồ sơ cấp giấy phép được rút ngắn. Các sở, ban ngành liên quan thực hiện tốt hơn trách nhiệm quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân trong quá trình lập và triển khai các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng.
Trong thời gian qua, việc tuân thủ quy định của Luật Khoáng sản của các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản bước đầu có chuyển biến, hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Công tác thu phí bảo vệ môi trường tuy mới đi vào thực tiễn nhưng đã được cấp chính quyền địa phương triển khai, thu được kết quả tốt.
Một mỏ đất khoáng sản. Ảnh minh hoạ
Còn “nhiều vấn đề” cần giải quyết, khắc phục
Tuy nhiên, các hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng hằng năm vẫn có tác động tiêu cực không nhỏ cần được đánh giá để có các biện pháp xử lý, hạn chế những tác động xấu đến môi trường như các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ lò hoffman, các cơ sở khai thác đá xây dựng, cát xây dựng...
Đồng thời, vấn đề quản lý khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng vẫn còn những bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Việc quản lý các hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là đất sét sản xuất gạch nung, cát xây dựng chưa được kiểm tra đánh giá thường xuyên đã gây ra tình trạng khai thác bừa bãi, nên rất lãng phí tài nguyên. Hầu hết các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung đều không có mỏ đất sét làm gạch do đó phải thu gom nguyên liệu trên thị trường dẫn đến tình trạng khai thác trái phép của các đơn vị nhỏ, các hộ cá thể; khai thác không theo quy hoạch… gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản, gây khó khăn cho công tác quản lý và làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.
Đáng chú ý là các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng (nhất là trong khai thác đất san lấp) có quy mô nhỏ, sản xuất tự phát, công nghệ lạc hậu, chưa có sự quản lý chặt chẽ của các cấp ngành và các cấp chính quyền ở xã, huyện về sản lượng, chất lượng, giá cả, an toàn lao động cũng như việc thực hiện luật tài nguyên và các quy định về bảo vệ môi trường. Chính vì vậy đã có tình trạng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế cho ngân sách, sản lượng khai thác không rõ ràng, chất lượng chưa được kiểm soát theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, giá cả biến động, gây nguy cơ mất an toàn lao động trong hoạt động khai thác và gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, trình độ cơ giới hoá thấp trong khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng đã gây nên tình trạng lãng phí tài nguyên. Đồng thời, do không được thực hiện tốt yêu cầu phục hồi môi trường sinh thái ở những nơi đã khai thác tài nguyên khoáng sản nên cũng đã gây ảnh hưởng xấu đến môi sinh, môi trường và cảnh quan thiên nhiên trong khu vực khai thác ở một số nơi.
Bên cạnh đó, việc khai thác cát trên các tuyến sông cũng có ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là môi trường nước. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào quy mô, thời gian và phương tiện khai thác. Gây hậu quả nghiêm trọng nhất do hoạt động khai thác cát gây ra là ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông vận tải và các công trình đường thuỷ, đê điều.
Trong đó, hoạt động khai thác cát trái phép của tư nhân có ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, vì họ khai thác tràn lan cả trong phạm vi luồng tàu, gần các công trình quan trọng, công trình báo hiệu đường sông..., không tuân thủ theo các quy định về khai thác tài nguyên khoáng sản, về bảo vệ môi trường. Tình trạng này gây tác động xấu đến các công trình bến cảng, kè, báo hiệu hàng hải; gây sạt lở, xói mòn bờ sông, làm ảnh hưởng xấu đến độ an toàn của đê điều, cầu cống, làm cản trở giao thông đường thuỷ.
Nhân công lao động ở một nhà máy gạch. Ảnh minh hoạ
Một vấn đề khác cũng được dư luận quan tâm là hoạt động vận tải khoáng sản với nhiều xe tải cỡ lớn đã làm hỏng hạ tầng giao thông, đê điều, gây bức xúc trong Nhân dân về nguy cơ mất an toàn giao thông.
Chủ trương của tỉnh về khai thác và sử dụng tài nguyên trong khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng
Không sử dụng đất nông nghiệp (đất lúa, chuyên lúa); chỉ sử dụng đất sét mỏ làm nguyên liệu sản xuất gạch đất sét nung; 100% các cơ sở sản xuất gạch có nguồn nguyên liệu hợp pháp (vùng nguyên liệu trong quy hoạch, kế hoạch, phương án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của tỉnh được phê duyệt hoặc ngoài tỉnh).
Sử dụng tối đa các chất thải (tro, xỉ, thạch cao đạt chuẩn của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón...) làm nguyên liệu phối trộn để thay thế nguồn nguyên liệu truyền thống.
Về bảo vệ môi trường: Các cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý chất thải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường; phải có thiết bị giám sát khí thải và kết nối trực tuyến các thiết bị này với cơ quan quản lý môi trường của địa phương.
An Khang