Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời gian qua, các hoạt động biểu diễn văn nghệ không thu tiền, kèm kinh doanh trò chơi có thưởng, gọi nôm na là “hội chợ” ngày càng trở nên biến tướng, gây ra nhiều vấn đề đáng lo ngại.
“Hội chợ” ở trong khuôn viên sân bóng đá (cũ) của huyện Hoà Thành có mái che kiên cố, nên không sợ bị ảnh hưởng bởi mưa gió.
Biến tướng
Đêm 10.9, đến một “hội chợ” tổ chức tại Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh huyện Gò Dầu, từ ngoài quốc lộ 22B, đã nghe tiếng nhạc, tiếng đọc lô tô rôm rả. Trong sân Trung tâm có hàng chục gian trò chơi như bắn súng hơi, phóng phi tiêu, quay ô số… thu hút rất đông người tham gia. Giữa Trung tâm là sân khấu lớn, lắp đặt dàn đèn và âm thanh “khủng”, tổ chức trò chơi dò số lô tô trúng thưởng.
Trên sân khấu, một nữ “diễn viên” mặc bikini cực kỳ tươi mát quay số. Cạnh đó, một MC cầm micro liên tục rao bán vé. Dưới sân khấu, có rất nhiều nhân viên của “hội chợ”, tay cầm xấp vé, len lỏi qua đám người đông đúc để bán vé. Khi đợt vé được bán hết, nữ “diễn viên” trên sân khấu bắt đầu quay số. Cứ mỗi con số được chọn ra từ lồng quay, MC hát những “bài ca lô tô” tương thích với con số vừa được chọn.
Cách đây năm, mười năm, mỗi khi có người trúng lô tô (gọi là kinh), chủ gian hàng trao thưởng bằng một phần quà. Tuỳ theo giá vé, người trúng được nhận một vài ký đường cát, bột ngọt, hay một thùng mì gói, một cây quạt máy, nồi cơm điện…v.v… Còn bây giờ, trò chơi này có phần biến tướng, giống như cờ bạc ăn thua bằng tiền. Vào thời điểm chúng tôi có mặt ở Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh huyện Gò Dầu, người trúng lô tô được trao thưởng bằng tiền mặt.
Tại góc sân khấu có một nam nhân viên ngồi bên chiếc bàn nhỏ. Đây là nơi xuất vé cho các nhân viên khác đi bán và cũng là nơi khách hàng nhận tiền thưởng. Mỗi khi “kinh”, khách hàng cầm vé lên sân khấu cho MC kiểm tra lại. Kiểm tra xong, khách hàng cầm vé trúng đến góc sân khấu và được nhân viên ở đây trao thưởng bằng số tiền 200.000 đồng.
Tại Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh huyện Gò Dầu, nhân viên mặc trang phục cực kỳ tươi mát ngồi õng ẹo quay số (ảnh cắt từ camera).
Tương tự, buổi tối cùng ngày, tại Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng xã Phước Trạch (huyện Gò Dầu) cũng có một “hội chợ” hoạt động khá ì xèo. Trên sân khấu, một nhân viên diện bộ đầm màu đỏ rất quyến rũ, duyên dáng mời gọi khách hàng mua vé và đọc lô tô. Dưới sân khấu, cả trăm khách ngồi xung quanh những chiếc bàn nhỏ, dán mắt vào dò theo các dãy số.
Cạnh lối vào, một phụ nữ trung niên, ngồi gác chân lên ghế, tay cầm xấp vé, tay cầm xấp tiền. Sau khi khách hàng trúng lô tô và qua khâu kiểm tra vé thì đi thẳng đến đây nhận tiền thưởng. Thấy chúng tôi đến ghi ghi, chép chép bà chủ liền thay đổi cách trao thưởng. Mỗi khi khách hàng trúng lô tô, lên sân khấu nhận thưởng bằng một gói quà.
Ngay sau khi nhận quà, hầu hết khách hàng đem đến một người đàn ông trung niên đang ngồi trong quầy hàng trống và đổi thành tiền mặt. Nhận được tiền mặt, các khách hàng này quay lại chỗ ngồi tiếp tục mua vé lô tô và bắt đầu dò số. Cứ như thế, hết khách hàng này đến khách hàng khác trúng thưởng, họ lại quy đổi thành tiền và lại tiếp tục trò chơi.
Rời huyện Gò Dầu, chúng tôi đến một “hội chợ” khá quy mô ở Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh huyện Bến Cầu. Tuy nhiên, khi đến nơi, trời lắc rắc mưa, các gian hàng ở đây bắt đầu đóng cửa, ngưng hoạt động, hàng trăm khách hàng lần lượt ra về.
“Hội chợ” ở trong khuôn viên sân bóng đá (cũ) của huyện Hoà Thành có mái che kiên cố nên không sợ bị ảnh hưởng bởi mưa gió.
Trên đường về, chúng tôi thử ghé vào khuôn viên sân bóng đá (cũ) của huyện Hoà Thành. Ở đây cũng có một “hội chợ” lớn, hoạt động gần như liên tục suốt từ năm ngoái đến năm nay. “Hội chợ” này có mái che kiên cố nên không sợ mưa gió ảnh hưởng. Khi chúng tôi có mặt tại đây đã gần 22 giờ, nhưng “hội chợ” này vẫn còn tưng bừng hoạt động và lượng khách còn vây quanh các gian hàng khá đông.
Lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nói gì?
Ông Nguyễn Nam Giang- Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có hơn 20 “hội chợ” hoạt động. Vào những ngày cao điểm như lễ, tết và thời tiết thuận lợi, những “hội chợ” này hoạt động khá mạnh. Ngược lại, những ngày mưa bão thì ế ẩm, nhiều nơi ngưng hoạt động.
Loại hình này cũng góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, hưởng thụ văn hoá nghệ thuật của người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, biên giới. Về công tác quản lý Nhà nước, Sở chỉ quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật thông qua việc thẩm định nội dung chương trình nghệ thuật; tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng nội dung đã được Sở VH,TT&DL thẩm định.
Thời gian qua, nhiều “hội chợ” hoạt động phức tạp, không bảo đảm các quy định như: trên sân khấu ca nhạc có tình trạng sửa chữa, cắt xén lời bài hát, sử dụng nhạc “chế”, ca sĩ mặc trang phục hoặc hoá trang không phù hợp với mục đích, nội dung bài hát; hoạt động vượt quá thời gian quy định.
Tại Trung tâm VHTT&HTCĐ xã Phước Trạch, khách hàng trúng lô tô thì đi đến bà chủ nhận thưởng bằng tiền mặt (ảnh cắt từ camera).
Đã gần 22 giờ, nhưng gian hàng trò chơi “Thuyền đua” ở “hội chợ” trong khuôn viên sân bóng đá (cũ) của huyện Hoà Thành vẫn được nhiều người vây quanh.
Nhằm chấn chỉnh, đưa hoạt động này vào nề nếp, cấp tỉnh, cấp huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý những vi phạm của các “hội chợ”. Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và địa phương trong tỉnh xây dựng, hoàn chỉnh và đã trình UBND tỉnh dự thảo “Quy chế phối hợp quản lý hoạt động sử dụng phương tiện âm thanh trong hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh”. Thời gian tới, khi quy chế này được ban hành, các sở, ngành chức năng và các địa phương sẽ có cơ sở xử lý tiếng ồn âm thanh, trong đó có tiếng ồn từ “hội chợ”.
Trường Sơn