BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vụ ô nhiễm không khí ở một doanh nghiệp trong KCN Trảng Bàng:

Cần được làm rõ, xử lý đúng quy định 

Cập nhật ngày: 18/08/2019 - 23:27

BTN - Hầu như toàn bộ người lao động ở đây phải sống trong môi trường đầy bụi than đá và bụi khói của doanh nghiệp kề bên. Nếu chúng tôi mặc áo sáng màu thì chỉ sau vài tiếng, áo lốm đốm bụi than đá. Toàn bộ khu vực sản xuất như sân, nhà xưởng, bàn làm việc và kể cả nhà ăn... đều nhiễm bụi.

Xe chở than đá đến Công ty Lan Trần.

Ngày 7.8, Báo Tây Ninh có bài “Ô nhiễm không khí ở một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Trảng Bàng”, phản ảnh vụ việc xảy ra ngày 5.8.2019, khoảng 450 công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH may mặc Lang Ham (lô 24, đường số 6 Khu công nghiệp Trảng Bàng) đồng loạt bỏ về vì môi trường không khí bị ô nhiễm nặng. Cụ thể, sau khi hít thở nhằm khí có khả năng bị ô nhiễm chất độc hại, một số công nhân khó thở, nôn mửa, đau đầu và nổi mẩn ngứa trên người.

Trong đó, có một số công nhân phải nhập viện để được kiểm tra, chăm sóc y tế... Đến nay, theo người lao động tại Công ty TNHH may mặc Lang Ham (Công ty Lang Ham), tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp diễn khiến họ không thôi lo lắng cho sức khoẻ về lâu dài.

Sống chung với bụi, mùi hôi

Theo đại diện Công ty Lang Ham, công ty này đã nhiều lần báo cáo lên Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và các cơ quan chức năng có liên quan về tình trạng môi trường không khí ở đây thường xuyên bị ô nhiễm nặng, nhưng sau một thời gian dài vẫn chưa được xử lý đến nơi đến chốn.

Ngoài tình trạng ô nhiễm mùi trong không khí, môi trường làm việc tại Công ty Lang Ham đang “có vấn đề nghiêm trọng” do khói, bụi than đá của một doanh nghiệp kề bên gây ra. Theo nhiều công nhân Công ty Lang Ham, khoảng hơn 2 năm nay, trong quá trình hoạt động sản xuất, doanh nghiệp kề bên đã thải ra bụi bay khắp khuôn viên của Công ty Lang Ham.

“Hầu như toàn bộ người lao động ở đây phải sống trong môi trường đầy bụi than đá và bụi khói của doanh nghiệp kề bên. Nếu chúng tôi mặc áo sáng màu thì chỉ sau vài tiếng, áo lốm đốm bụi than đá. Toàn bộ khu vực sản xuất như sân, nhà xưởng, bàn làm việc và kể cả nhà ăn... đều nhiễm bụi. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Công ty Lang Ham có giải pháp khắc phục nhưng lãnh đạo công ty cho biết, bụi là do Công ty Lan Trần ở kế bên gây ra.

Công ty Lang Ham đã nhiều lần đề nghị Công ty Lan Trần có biện pháp xử lý, không để phát sinh bụi nhưng Công ty Lan Trần chưa thực hiện. Nếu tình trạng này không được xử lý mà để kéo dài thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của người lao động”, một công nhân cho biết.

Bà Nguyễn Thị Phượng, đại diện Công ty Lang Ham xác nhận có tình trạng môi trường lao động ở công ty này đang bị bụi bẩn xâm nhiễm. “Bụi này là do phía Công ty Lan Trần gây ra trong quá trình sử dụng than đá làm chất đốt sản xuất. Ngoài nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động, bụi còn làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm của chúng tôi khi bám vào các sản phẩm xuất khẩu được công ty chúng tôi gia công cho đối tác.

Bụi nhiều đến nỗi, sau khi quét dọn được vài tiếng, bàn làm việc phía trong xưởng sản xuất đã bám một lớp đen xì. Ngoài bụi, khói thải sản xuất từ phía Công ty Lan Trần bay sang cũng có mùi hôi khó chịu. Cộng với mùi hôi từ phía Công ty Hưng Thái, môi trường làm việc của chúng tôi đang bị ảnh hưởng tiêu cực, đáng báo động”, đại diện Công ty Lang Ham nói.

Chậm xử lý

Trước đó, sau khi xảy ra vụ việc ô nhiễm môi trường ở Công ty Lang Ham ngày 5.8, một cán bộ lãnh đạo UBND huyện Trảng Bàng cho biết, ông đã gọi điện thoại trực tiếp cho lãnh đạo một số cơ quan chức năng có liên quan ở tỉnh để thông tin vụ việc. Ông cũng đã đến hiện trường nắm bắt tình hình và ghi nhận tình trạng ô nhiễm mùi hôi và bụi ở đây phát sinh từ Công ty Lan Trần và Công ty Hưng Thái.

Sau vụ việc hôm 5.8, một cán bộ Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cho biết sẽ cung cấp thông tin cho Báo Tây Ninh khi có kết quả kiểm tra xác minh. Tuy nhiên sau đó, khi người viết liên hệ qua điện thoại và trao đổi về kết quả kiểm tra, xác minh vụ việc, thì vị cán bộ này từ chối cung cấp và yêu cầu người viết gặp lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh.

Trao đổi với người viết, một cán bộ lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cho biết ông sẽ nghiên cứu xem có thể cung cấp văn bản kết quả kiểm tra xác minh vụ việc hay không rồi mới trả lời cụ thể cho người viết. Tuy nhiên, theo vị cán bộ này, vụ việc không có gì nghiêm trọng. Mùi hôi phát sinh là do các bể phốt ở nhà vệ sinh của doanh nghiệp gần đó bị rò rỉ gây ra chứ không phải khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Đồng thời, mùi hôi cũng có thể phát sinh từ bùn của Công ty Hưng Thái. Khi xảy ra phản ứng của công nhân Công ty Lang Ham, phía Công ty Hưng Thái đã xử lý, khắc phục xong.

Việc công nhân Công ty Lang Ham ngừng việc do không khí bị ô nhiễm ngày 5.8, bà Nguyễn Thị Hiếu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết đang xúc tiến thành lập đoàn kiểm tra về môi trường ở khu vực Công ty Lang Ham. Tuy nhiên, đến ngày 18.8, phía Công ty Lang Ham cho biết chưa có đoàn kiểm tra nào đến làm việc.

“Chúng tôi thắc mắc là tại sao với trường hợp ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến mức hàng trăm công nhân phải bỏ làm, một số phải nhập viện nhưng cho đến nay, các ngành chức năng chưa cung cấp cho Công ty Lang Ham các biên bản làm việc về vụ việc này? Sau hơn 10 ngày xảy ra vụ việc, chúng tôi cũng chưa được công bố kết quả xác minh, kiểm tra hay kết luận nguyên nhân, kết quả xử lý như thế nào để chúng tôi trả lời cho công nhân được biết”- đại diện Công ty Lang Ham nói.

Trong khi đó, một người lao động ở Công ty Lang Ham cho biết: “Với kinh nghiệm và hiểu biết trong lĩnh vực dệt nhuộm, tôi nhận thấy rất có khả năng mùi hôi từ phía Công ty Hưng Thái bay sang là mùi hoá chất tẩy rửa”.

 Cũng theo đại diện Công ty Lang Ham, quy định của Nhà nước Việt Nam về việc bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh là nghiêm ngặt, đặc biệt là môi trường làm việc của người lao động. Do đó, phía công ty này đề nghị các cơ quan cấp tỉnh sớm kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) và buộc phải khắc phục tình trạng gây ô nhiễm để bảo vệ môi trường lao động, môi trường tự nhiên, giữ vững sự ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư tại khu vực này.

Bảo Tâm